Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Nông thôn mới từ một góc nhìn.

Thích Nhất Huy = Trác Sơn = Trúc Sơn Thành Tiếu
Đăng ngày: 16:31 27-03-2011
Thư mục: Tổng hợp
                                                              ThS.KTS Huỳnh Quốc Hội (*)

Đường thôn Xuân Phú - Tam Thái   Ảnh Quốc Hội.


Đình làng Tú Tràng - Tam Thành              Ảnh Hquochoi


Đình Phú Trà -Tam Thái giờ còn cái bệ thờ và một đống gỗ mục  Ảnh: Quốc Hội - Trương Vũ
Đạo sư Osho [1] từng nói rằng “khi người ta đói, bạn không thể mang đàn sitar đến và đàn hát và nói rằng hãy thưởng thức. Đó là những việc làm không thực tế”. Còn ông cha nói rằng “ Phú quý sinh lễ nghĩa”. Nhưng thực ra, tất cả những người dân thành thị và những ứng xử của giai cấp công nhân hiện đại hiện nay đều đêm trước ra đi từ làng quê. Cái nôi văn hoá đó không phải để người ta gọi là văn hoá làng xã và so sánh đối chiếu với cái gọi là văn minh đô thị. Những diễn kịch tấu hài về sự bỗ bã, sự luôm thuộm của người nhà quê chỉ là những bịa đặt gây cười trên sân khấu, người nhà quê chúng ta, sống trong cái nôi văn hoá bao đời nay không phải thế, giấy rách giữ lề, đất quê có thói.
         Người văn minh đô thị ra đường chen nhau, nhẫn nhục hít khói bụi để kiếm tiền rồi về quê quần là áo lượt vênh mặt ngênh ngang. Dẫu cho cách sống của người ở quê nhìn qua lăng kính của người thành thị bị cho là nhà quê, thì đối với người hiểu việc, hiểu đời thì đó không phải là cách nhìn nhận đúng. Vậy, khi đặt vấn đề [2] “Mục tiêu cao nhất về phát triển nông thôn là nâng cao mức sống và chất lượng sống về vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xoá bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn về mọi mặt của đời sống xã hội” là một cách nói không chính xác.

Về mặt hưởng thụ vật chất, của người ở quê đó là: nhà cửa khang trang, điện nước đầy đủ, ăn no mặc ấm, tiện nghi nghe nhìn, thông tin liên lạc thông suốt và các phúc lợi vật chất công cộng: đường sá, đường làng thôn xóm, trường học, y tế, chợ búa, chính quyền thân thiện.
Về mặt hưởng thụ tinh thần, nếu được hưởng thụ từ các vật chất cơ bản trên, cộng với việc đảm bảo các điều kiện cho con cái học hành từ sự hỗ trợ từ nhà nước: hỗ trợ cho vay đóng học phí, hỗ trợ vay sinh hoạt phí học tập thì người sống ở quê không  khác người nước ngoài đang du lịch trong các resort ven biển miền Trung. Người thành thị mỗi ngày phải đối mặt với các nguy cơ nguy hiểm như: kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, việc làm không ổn định và muôn vàn tệ nạn xã hội khác thì có sung sướng và thoải mái hơn không?
I. Vấn đề của người dân.
Quy hoạch Nông thôn mới, người dân nông thôn cần gì?
1.     Đường giao thông thuận lợi để vận chuyển hàng hoá, nông sản.
2.     Đồng ruộng có đủ nước tưới
3.     Nghiên cứu làm sao để người nông dân có thêm thu nhập vào những lúc nông nhàn, thu hút được thanh thiếu niên nông thôn tham gia, có đồng tiền ra, đồng vô để bớt khó khăn…” [3]

1. Trong vấn đề thứ nhất đặt ra, về cơ bản giao thông nông thôn kể từ lúc bắt đầu khởi động chương trình bêtông hoá giao thông nông thôn đến nay đã có những bước tiến rất đáng kể, tuy một số nơi còn chưa xây dựng xong nhưng đã có thể xem là một thành tựu của quá trình đổi mới ở nông thôn. Tuy nhiên, để có thể lấy đó làm bàn đạp, bước đệm cho sự phát triển thì lại chưa đạt hiệu quả mong muốn. Đó là đường nhỏ hẹp, quanh co trong khi chi phí bêtông nông thôn về cầu thì hạn chế (cầu cống, chi phí Ngân sách Nhà nước đầu tư 100%). Do vậy, về mặt dân sinh cũng chưa đạt được mong muốn thì mặt phát triển kinh tế chưa thể tính là có hiệu quả.

Cây Sanh Thôn 5 Tam Thành - Ảnh HquocHoi

Cây Sứ trắng 300 tuổi Thôn 6 Tam Thành - Ảnh HquocHoi

Cây Sanh Hố bà Kẹo - Thôn trường Mỹ, Tam Thái. To vô địch về diện tích che phủ: Hơn 200m2. Ảnh Hquochoi
2. Về vấn đề nước tưới cho đồng ruộng, vừa phụ thuộc vào khí hậu, thiên tai hạn hán, trong khi hệ thống kênh mương lại không được chăm sóc, bảo dưỡng và quan tâm đúng mức. Hiện nay, việc thu thuỷ lợi phí đã bãi bỏ, cũng vì đó, việc này được “xã hội hoá” bằng cách giao cho thôn – xã tự huy động nhân dân quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Một số nơi gặp thuận lợi do phần lớn kênh mương nội đồng đã được bêtông hoá (Tam Thành, Tam Phước …) nhưng nhiều nơi, nông dân còn gặp khó khăn về việc nước tưới, gia tăng áp lực về một việc phải lo ngày lo đêm, thêm gánh nặng về tinh thần cho người đã vất vả trong sương và nắng.
3. Vấn đề về tăng thu nhập của người nông thôn, nhất là lực lượng thanh niên nghỉ học sớm, ở nhà làm nông nhưng thời gian lại tương đối rộng rãi (thời gian trong một ngày và những lúc ngoài các vụ mùa cần tập trung như gieo, sạ cấy, gặt, …)
Theo tiêu chí về thu hẹp khoảng các nông thôn và thành thị, thì người dân nông thôn, làm nông nghiệp, kết quả dầm mưa dãi nắng được tính theo mùa, vụ. Nhìn lên thành thị với các hoạt động thương mại dịch vụ, dòng tiền lưu chuyển nên nhìn người thành thị giàu hơn nông thôn. Xét về một khía cạnh trong phân biệt suy nghĩ. Do vậy, xoá dần cách biệt hay tìm kiếm giải pháp để dòng tiền mặt xuất hiện nhiều hơn ở nông thôn để người nông dân đỡ phải vất vả loay hoay.
Người nông dân ở nông thôn khát tiền mặt ở những thời điểm: Trợ cấp hàng tháng và bất cứ lúc nào cho con cái đi học nghề, học Cao đẳng – Đại học (đây là cái lỗ đen hút tiền vô tận) khi phát sinh các vấn đề xã hội như ốm đau, ma chay, cưới hỏi.
Thanh niên ở lại địa phương đang tham gia lao động sản xuất rất muốn làm gì đó để tăng thu nhập nhưng không biết làm thế nào, làm từ đâu. Ở đây [4] có thể làm trang trại, nuôi nhím, nuôi heo rừng, cũng thích lắm nhưng không biết làm thế nào, làm từ đâu và vốn để làm …” Đây là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu đúng mức về định hướng sản xuất và hỗ trợ tối đa cơ chế hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, định hướng đầu ra sản phẩm để có thể phát triển hết các nguồn lực cũng như đạt hiệu quả cao trong việc định hình nông thôn mới. Cần phải:
- Tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn về ngành nghề cho thanh niên theo hình thức miễn phí và định kỳ.
- Hình thành các quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.
- Phát triển các ngành nghề có khả năng tăng cao thu nhập và tận dụng các lao động thời vụ nông nhàn.
Vấn đề cần đặt ra là ai làm các vấn đề trên. Ngoài sự nỗ lực của từng cá nhân, thanh niên, thì đó là nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp, Sở Lao động, Hợp tác xã… Bên cạnh việc cần có những cá nhân tâm huyết, những nỗ lực từ phía bản thân cần có những công cụ, chính sách có thể hỗ trợ tối đa cho đám đông đa số.
Một số mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình nông thôn Phú Ninh hiện nay: Câu lạc bộ những người nuôi baba từ năm 2005. Theo ông Hoàng [3] “khởi nghiệp nuôi ba ba cần 7triệu đồng (xây hồ 4 triệu đồng khấu hao 4 – 8 năm, 100 con giống 1 triệu đồng, chi phí thức ăn 2 triệu đồng; thu nhập 13 triệu; trừ chi phí và khấu hao, đầu tư mới, nhân công và lãi khoảng 6 triệu đồng/ năm”.
          Các trại gà thịt, gà trứng (Khánh Thọ/Tam Thái), trại heo nạc sử dụng biogas làm khí đốt, nuôi cá, nuôi kỳ nhông, nuôi nhím (Hoà Bình/Tam Thái); nuôi heo siêu nạc, rau sạch (Khánh Thịnh/Tam Thái) …





Địa đạo Gò Nông, Thôn Hòa Bình, Tam Thái




  
       Tại Nhà Trưởng thôn Trường Mỹ, Tam Thái


 
Hồ nuôi Baba đẻ thôn Trường Mỹ
  
Hồ nuôi Baba Thịt

 Thử nuôi Kỳ nhông tại thôn Trường Mỹ



Một số mô hình Hợp tác xã hoạt động tốt như HTX Tam Thành I,II, với sản phẩm mây tre, phân dúi đã mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho xã viên và nông dân trên địa bàn.
         
II. Vấn đề tồn tại trong cách làm quy hoạch nông thôn mới.
Vấn đề giảm sức ép cho các đô thị lớn đã được Nhà nước quan tâm trong những năm gần đây với các chiến lược: phát triển các đô thị trung bình, phát triển ra ngoại vi và đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Một số điểm được đặc biệt chú ý nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để giải quyết triệt để đó là: Chưa đề cập đến tính sống còn của việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá về mặt đời sống và tinh thần ở cấp độ xóm - thôn và việc giữ chân hay thu hút lao động.
1. Vấn đề giữ chân lao động nông nghiệp và thu hút người đi học trở về trong lúc lao động chính ở nông thôn chỉ là người già, trung niên nên khó phát triển, thay đổi. Theo các điều tra [5], tỷ lệ người ở quê gia nhập đội ngũ lao động thành thị đa phần nằm trong độ tuổi từ 16 đến 35, và nam giới nhiều hơn nữ giới. Những  người ra đi ở độ tuổi này cho thấy khi ra đi họ chưa được đào tạo, với nhu cầu khao khát là làm ra tiền và được học tập. Thanh niên đa phần rời quê vào thành thị và ít quay trở về. Do vậy, cần phải có những nghiên cứu đúng mức để đánh giá những nhân tố níu giữ, thu hút hoặc đẩy đi của cộng đồng dân cư cấp độ một làng, một thôn. Ảnh hưởng của việc thanh niên rời làng tác động lên nhiều mặt ở nông thôn như: tăng thêm khó khăn, gánh nặng về kinh tế (con cái đi học ở thành phố); Sự thiếu hụt lao động để phát triển nông nghiệp và đổi mới kinh tế nông thôn. Trong khi đó, nguồn nhân lực quay trở về còn chịu nhiều định kiến, khả năng thu nạp của địa phương chậm, cơ chế chính sách vẫn chưa rõ ràng [6], điều kiện thụ hưởng các phúc lợi công cộng còn nhiều hạn chế so với thành phố. Trong khi nhiều tỉnh thành phấn đấu đến năm 2015 hoặc năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp để cả nước ta là một tổng hoà các tỉnh công nghiệp trở thành một nước công nghiệp. Vai trò của nông nghiệp nông thôn trở nên nhạt nhoà trong khi đó là chỗ dựa cho những lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn; “hết gạo chạy rông nhất nông nhì sỹ”. Các vấn đề của nông thôn lại chưa được đề cập đúng mức với tầm quan trọng của nó. Đó là tìm hướng đột phá, tìm con người táo bạo để triển khai công nghệ kỹ thuật, cần nguồn vốn hỗ trợ kịp thời và hiệu quả nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân.
2. Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Đi tìm các giá trị văn hoá ở nông thôn giống như đãi cát tìm vàng. Trong khi bản thể vẫn thế nhưng bản sắc thì thật khó kiếm tìm. Bản tính người nông dân vẫn tốt, chất phác như vậy, cảnh trí cánh đồng làng, con trâu vẫn mê hoặc những người thành thị. Các nhà thôn, nhà văn hoá thì hình thức kiến trúc tầm thường, không gian sinh hoạt cho trẻ em các nhóm tuổi 6-13, 14-17 tìm không thấy, con người sống ở làng quê miền Trung trở nên ít người hơn nên cuộc sống có vẻ tạm bợ qua ngày. Đất nhà ở quê thì to mà đường làng thì nhỏ, xe ôtô về làng thì không rớt ruộng thì cũng không có chỗ tránh, không có chỗ quay đầu xe; sân nhà thì rộng mà cổng nhà thì lại hẹp nên không trách con cái “thành đạt” ở thành thị ít chịu về quê (?). Cuộc sống đô thị phồn vinh xa hoa tấp nập là niềm mơ ước của các thiếu niên nông thôn và ăn sâu vào tiềm thức của bậc Cha Mẹ để ngăn cản con cái quay trở về. Dẫu biết rằng các biển bảng Nhà Văn hoá, thôn văn hoá, làng văn hoá, đối với mỗi thôn, ấp, mỗi gia đình cư dân nông thôn, mỗi sự tiến bộ trong nếp sống văn hóa được thiết lập đều đáng trân trọng, và đó là một quá trình lâu dài, kiên nhẫn phấn đấu lâu dài. Tuy nhiên, nông thôn hiện nay đã thiếu sự quan tâm về các giá trị không gian văn hoá chiều sâu.
Hiện nay không gian chung của xóm, thôn đó là các nhà Đội mà hơn 80% hiện nay không sử dụng, đang bỏ hoang xuống cấp. Các nhà văn hoá hay còn gọi là sinh hoạt thôn với quy mô tạm bợ, các đình làng thì hầu như không được quan tâm đúng với giá trị văn hoá của đình làng.[7] (Xem hình)
            III. Một số vấn đề đặt ra trong tầm suy nghĩ của lãnh đạo cấp chính quyền huyện – tỉnh – trung ương. Cơ hội và hướng đi mới cho nông thôn.

 Tại nhà Trưởng thôn 1, Tam Thành, Phú Ninh
Để có thể xoá dần khoảng cách nông thôn – thành thị từ góc độ công bằng xã hội, người nông dân cần gì? Lao động nhân công ở nông thôn để làm ra hạt gạo, bó rau đã phải quá vất vả. Đó là một quy trình từ 3-4,5 tháng làm đất, dẫn nước, gieo sạ, cấy, bón phân, chăm sóc gặt đập, thu hoạch, xay xát, vô bao vận chuyển. Công sức bỏ ra suốt trong một quá trình dài để thu được hạt gạo vẫn còn là một quá trình nữa để có thể cầm được đồng tiền. So với công sức của một thị dân tiểu chủ, người nông dân phải tổn hao một sức lao động tương đương một công nhân (đêm trước đã rời làng ra đi) đang vắt kiệt sức với ca ngày tăng ca đêm trong những công xưởng tận dụng lợi thế lao động giá rẻ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, người nông dân còn phải chịu nhiều sức ép từ thiên tai, bão lũ, hạn hán, sâu bệnh, dịch bệnh gia súc gia cầm... Nông dân cần được thay đổi theo tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, giảm bớt công sức lao động khó nhọc. Đồng thời cần những nghiên cứu về chính sách phát triển và quản lý lãnh thổ hợp lý để một mặt đáp ứng những nhu cầu  mới của dân cư, mặt khác hạn chế sự rời bỏ nông thôn của họ. Nông thôn cần được thổi luồng sinh khí để có thể thay đổi lột xác một cách toàn diện, để phát triển với tốc độ nhanh chóng nhưng không thiếu tính bền vững. Đó là những thay đổi thoát ra cách suy nghĩ và cách làm sáo mòn.
Ví như việc dồn điền đổi thửa ở một số xã, thôn có diện tích sản xuất nhỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện kênh mương hoá là một việc làm tốn kém, nhiều khó khăn nhưng có thể làm được. Nhưng vấn đề có thể giải quyết triệt để về nông thôn mới đó vẫn phải là gỡ được bài toán về đất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ để có thể có nhiều mô hình đầu tư mới cho nông nghiệp nông thôn.
1. Nếu bài toán về đất nông nghiệp được gỡ, có thể có nhiều mô hình đầu tư mới cho khu vực nông thôn. Một mô hình có thể nghiên cứu áp dụng, đó là nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp dám đứng lên đầu tư về lĩnh vực này. Các hộ dân góp đất lại, doanh nghiệp đứng ra đầu tư công nghệ và kỹ thuật. Như vậy, người dân vẫn có thể được làm việc trên mảnh đất của mình, trong những trang trại lớn với thiết bị công nghệ cao, có người hướng dẫn và đảm bảo đầu ra, đầu vào cho sản phẩm. Nhưng, điểm khác biệt đó là họ cũng vẫn được làm chủ, không phải đi làm thuê trên mảnh ruộng của mình. Lợi nhuận sẽ được chia công bằng theo tỷ suất đóng góp. Từ đó, cũng có thể dễ dàng định hướng cho các trang trại về hình thức cũng như mặt hàng sản phẩm đang có nhu cầu cao, cũng như xác định cụ thể thị trường phân phối, tránh tình trạng theo nhau làm, gây hiệu ứng thừa cục bộ. 
Từ các mô hình kinh tế mới, trang trại, làng sinh thái hay làng nghề, làng nông nghiệp công nghệ cao... các chức năng mới sẽ xuất hiện trong cấu trúc làng xã như các khu vực sản xuất tập trung, khu thí nghiệm, khu dịch vụ quảng bá sản phẩm, giao dịch, nhà ở mới và hệ thống hạ tầng giao thông mới tương ứng. Các chức năng mới này cùng với các khu vực hiện có của làng xã được nâng cấp tạo thành một mô hình cư trú mới. Điều khác biệt là tạo được sức sống thực sự cho các làng xã và cả sự chủ động trong đầu tư phát triển. [8]

2. Một hướng mới trong việc định hướng phát triển sản phẩm du lịch như du lịch hành động, du lịch kiểu “homestay” để kết hợp với việc quảng bá văn hoá, tinh thần người Việt thông qua văn hoá truyền thống làng. Điều này góp phần tạo nên những giá trị văn hoá đích thực trong quá trình phát triển. Du khách được đưa về sống chung với nông dân, ăn ngủ theo tập quán và sinh hoạt thường ngày, được tham gia các hoạt động đồng áng, vụ mùa, hội hè. Giới thiệu với du khách một tinh thần Việt Nam thực sự thông qua việc sống chung. Để làm được điều này, nông thôn cần một chút thay đổi để bộ mặt tiếp khách mang lại được ý nghĩa tích cực và nông dân cũng thay đổi theo mới cởi mở và năng động hơn trong cách suy nghĩ.
Lấy ví dụ về du lịch, Tam Kỳ có  điểm du lịch chính là Hồ Phú Ninh, biển Tam Thanh, tháp Chiên Đàn. Thực tế các điểm du lịch trên không thể so sánh với Hội An, Hạ Long, Phong Nha, Mỹ Sơn nên  không thu hút được nhiều du khách trừ lác đác dân địa phương, tại sao càng ngày càng có nhiều du khách không muốn cưỡi ngựa xem hoa như trước. Cái họ cần là làm một cái gì đó, động tay động chân, không chỉ đơn thuần là tai nghe mắt thấy mà cần phải trải qua MỘT cái gì đó mà cá tính hóa được thị hiếu, lấy  thể nghiệm làm cơ sở. Người ta phải bỏ tiền và thời gian di du lịch để tìm kiếm sự từng trải, tự mình NGHE, THẤYLÀM  để từ đó đạt đến sự sảng khoái, nhớ đời để rồi không tiếc gì cả. [9] (Xem hình)
Các làng nghề cần phải quy hoạch dành ra những không gian công cộng để tôn vinh, khuếch trương cũng như quảng bá các giá trị sản phẩm và sản xuất. Các ngôi đền tổ nghề được tôn tạo, những sân chơi văn hóa lớn được quy hoạch trước trong thiết kế quy hoạch tổng thể làng. Các hình ảnh, hình mẫu và các sản phẩm thủ công truyền thống được lưu giữ trọn vẹn tại một nhà bảo tàng của vùng. Chính điều này làm một cách thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu cũng như mở rộng thị trường cho phát triển kinh tế tại mỗi khu vực nhỏ. Người dân tự được giáo dục nhận thức và tự cảm thấy gắn bó với ngành nghề truyền thống của địa phương mình.[10]
3. Một dạng quỹ vốn của một số tổ chức phi chính phủ trở nên hiệu quả đối với các hộ nghèo đó là dạng quỹ tín dụng theo nhóm. Một nhóm hộ được giao quản lý khoản vay và tự thoả thuận một giao ước tập thể để việc sử dụng vốn vay mang lại hiệu quả thíết thực và có nhiều ý nghĩa nhân văn. Đó là điều mà chính phủ cần phải nghiên cứu bên cạnh các nguồn chính thức từ ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp. Lâu nay vẫn thường cảnh báo về lãng phí trong đầu tư công, đó là các lãng phí từ Vinasin (86 ngàn tỷ đồng), con đường cao tốc Long Thành – TP HCM với giá trị 154 nghìn tỷ đồng; dự án khu du lịch của tổng công ty Dầu khí 1000 tỷ đồng; Con đường ven biển Đà Nẵng (37m) và đường song song với nó đi Hội An (54m) chỉ cách nhau 1km với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi mỗi hộ nông dân cần chi phí khoảng 10 triệu đồng để khởi nghiệp hiệu quả ( không phải giao bò lai, mua sẵn máy cày tương đương 10 triệu). Cần đầu tư công hiệu quả, chỉnh đốn nền giáo dục quốc gia là những biện pháp vĩ mô nhưng có thể gián tiếp làm cho nông thôn Việt Nam phát triển khởi sắc, làm cho quốc gia tăng trưởng và phát triển bền vững./.
Ghi chú:
[1] Đỗ Tư Nghĩa (2007); Cuộc đời của Luận sư Rajneesh Chandra; NXB Trẻ
[2] Vũ Trọng Khải (2010) “Xây dựng nông thôn mới, một danh hiệu hay một tiến trình phát triển?
[3] Ông Phạm Minh Hoàng, nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã Tam Thái, nay đang là hộ nuôi ba ba phát triển tại huyện Phú Ninh.
[4] Anh Mới, thôn trưởng thôn 10 xã Tam Thành huyện Phú Ninh.
[5] Vũ Thị Hồng (2003); Những con đường về thành phố ; Vỉện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tp HCM.
[6] Trong một dịp gặp gỡ doanh nghiệp cuối năm 2006 giữa Hội doanh nghiệp Trẻ Quảng Nam với lãnh đạo UBND Tỉnh Quảng Nam; người viết bài này đã có ý kiến về hiệu quả của chương trình thu hút nhân tài (thạc sỹ, tiến sỹ). Nguồn nhân lực tỉnh lẻ cần được cung cấp nhiều người trẻ tốt nghiệp đại học quay trở về phục vụ quê hương và cần phải có những ưu đãi, cơ chế thuận lợi để thu hút lực lượng số đông này hơn là thiểu số không bao giờ có.

[7] Qua khảo sát ở 3 xã tại Huyện Phú Ninh.
TT Tam Thành Tam Dân Tam Thái Ghi chú

Đình Đông Lộc Đình Dương Đàn Đình Phú Trà

Đình Tú Tràng
Đình Khánh Thọ

Đình Khánh Mỹ
Đình Khánh Thịnh

Đình Văn Hà


Hiện trạng các đình còn nguyên vẹn như Tú Tràng, Văn Hà, Khánh Thọ, Dương Đàn thì không được chăm sóc, gìn giữ và phát huy. Một số đình bị dỡ bỏ lăn lóc như đình Phú Trà; Một số đình chỉ còn lại dấu vết như Khánh Thịnh, Đông Lộc.
[8] Phạm Hùng Cường (2010); “Xây dựng nông thôn mới trong đô thị - Mô hình kinh tế quyết định mô hình cư trú.”; Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 7/2010.
[9] Báo cáo tại Hội nghị bàn về công tác Quản lý Đô thị Tam Kỳ năm 2003/ KTS Huỳnh Quốc Hội.

[10] Bjorn Flemming (2010);Xây dựng nông thôn trong đô thị - Bài học từ Trung Quốc”; Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 7/2010
 
[*] Người viết bài này đang làm Quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 3 xã trên địa bàn huyện Phú Ninh, không thuộc khu vực giải tỏa di dời khu công nghiệp mà là những xã làm nông nghiệp thuần tuý đang ổn định như hiện tại.

Nguồn trích dẫn (0)
  1. Nguyen Phu Ninh

    Nguyen Phu Ninh

    18:26 01-11-2011
    Xây dựng nông thôn mới theo tinh thần nghị quyết hay chủ trương gì đó thuộc thẩm quyền của cấp cao. Theo cách hiểu thông thường thì xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện tại các địa phương có hoạt động lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao (về sử dụng đất lẫn năng suất, nông thôn gắn với nông nghiệp và nông dân) và không phải là đô thị. Nhưng ở nước ta có cách hiểu và cách làm khác, cũng tương tự như toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa mới hay gắn biển gia đình văn hóa đại trà đã từng xảy ra thì xây dựng nông thôn mới được thực hiện cả nước, không kể thành thị hay nông thôn, thủ đô ngàn năm văn hiến hay thành phố trực thuộc trung ương,...Một cách làm được hay phát biểu với ngôn từ là "lồng ghép", lồng ghép xây dựng nông thôn trong đô thị,...Đọc để biết Hà nội cần bao nhiêu vốn để xây dựng nông thôn mới (http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Nong-thon-moi/490623/ha-noi-hon-2775-ty-dong-xay-dung-nong-thon-moi-nam-2011.htm)
    Vừa qua huyện nhà của Phú Ninh (cũng là huyện nông thôn mới) được vinh hạnh đón nhiều đoàn nông thôn mới về tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao với tưng bừng cờ hoa, băng rôn, pano,...và được vinh dự đón đồng chí Thường trực Ban BT với đoàn xe dài dằng dặc. Con đường đi liên huyện thì nhỏ nên phải dừng lại chờ đoàn xe ưu tiên đi qua cũng phải mất hơn 5 phút để lại đằng sau khói bụi mù mịt......
    http://vn.360plus.yahoo.com/qbaolun/article?mid=131&prev=135&next=130
  2. Nguyen Phu Ninh

    Nguyen Phu Ninh

    18:25 01-11-2011
    Chia sẽ một bài viết nghiêm túc của Thich Nhat Huy!
    Xây dựng nông thôn mới theo tinh thần nghị quyết hay chủ trương gì đó thuộc thẩm quyền của cấp cao. Theo cách hiểu thông thường thì xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện tại các địa phương có hoạt động lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao (về sử dụng đất lẫn năng suất, nông thôn gắn với nông nghiệp và nông dân) và không phải là đô thị. Nhưng ở nước ta có cách hiểu và cách làm khác, cũng tương tự như toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa mới hay gắn biển gia đình văn hóa đại trà đã từng xảy ra thì xây dựng nông thôn mới được thực hiện cả nước, không kể thành thị hay nông thôn, thủ đô ngàn năm văn hiến hay thành phố trực thuộc trung ương,...Một cách làm được hay phát biểu với ngôn từ là "lồng ghép", lồng ghép xây dựng nông thôn trong đô thị,...Đọc để biết Hà nội cần bao nhiêu vốn để xây dựng nông thôn mới (http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Nong-thon-moi/490623/ha-noi-hon-2775-ty-dong-xay-dung-nong-thon-moi-nam-2011.htm)
    Vừa qua huyện nhà của Phú Ninh (cũng là huyện nông thôn mới) được vinh hạnh đón nhiều đoàn nông thôn mới về tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao với tưng bừng cờ hoa, băng rôn, pano,...và được vinh dự đón đồng chí Thường trực Ban BT với đoàn xe dài dằng dặc. Con đường đi liên huyện thì nhỏ nên phải dừng lại chờ đoàn xe ưu tiên đi qua cũng phải mất hơn 5 phút để lại đằng sau khói bụi mù mịt.
           


                                                                                          
              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét