Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Góp ý Dự thảo Hiến pháp tại Phường An Xuân ngày 01/2/2013




                                   KTS. Huỳnh Quốc Hội



Kính thưa Hội nghị!
Tôi là ... Đại biểu được mời đại diện nhân dân Khối phố 4, P. An Xuân (cả KP chỉ có 3 giấy mời). Giọng tôi hơi chát, và chất hay nói thẳng nói thật nên hơi khó nghe, mong quý vị thông cảm. Tôi xin tự giới thiệu đôi chút về bản thân, và tôi nghĩ ai lên đây cũng cần giới thiệu vắn tắt qua để biết được góc nhìn của mỗi người, từ đó điều 5,6,7.. sẽ tròn hay méo, sửa hay đổi, xem có phù hợp với tâm thế và nguyện vọng chung hay không.
Tôi sinh ra và lớn lên tại Phường An Xuân, học cấp 1-2 tại Trường Lý Tự Trọng, học cấp 3 tại Trường Trần Cao Vân Tam Kỳ...
Năm 2007 và năm 2011, tôi ứng cử ĐB Quốc Hội 2 lần, một trong 4 mục tiêu vận động bầu cử trong 2 lần này là Sửa đổi Hiến pháp, nên tôi cũng bị nhà chức trách để ý, gặp nhiều khó khăn.
Thực lòng mà nói, tôi không hy vọng lắm vào sự thực tâm lấy ý kiến trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này (dân chủ hình thức), nhưng tôi nghĩ, nếu không có thực tâm, nhưng những người thi hành có thực làm, thì qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao dân trí để tiến bước trong quá trình xây dựng xã hội dân sự, xã hội dân chủ.
Những đóng góp ý kiến của tôi tại đây mang tính thỏa hiệp để xây dựng. Bao gồm 6 phần: A.Bổ sung; B. Bỏ hẳn hoặc bỏ - chuyển gộp các điều; C. Cấu trúc lại hoàn toàn chương II. D. Cần thảo luận thêm; E. Chi tiết cơ bản; F. Chi tiết cụ thể.

A. ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG 5 VẤN ĐỀ VÀO BẢN HIẾN PHÁP.
Bổ sung vào Lời nói đầu 4 vấn đề:
1. Định nghĩa Hiến pháp là gì?
   Vì rằng phải hiểu Hiến pháp là gì, mới có thể bàn về câu chuyện Hiến pháp, rằng lòng yêu nước là không phải của riêng ai... Chúng ta vẫn nói, và vẫn thấy nơi nhan nhản khắp hẻm cùng quê tấm biển hiệu: "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật". Nhưng thử hỏi mấy ai ngồi đây đã từng đọc Hiến pháp, và hiểu được định nghĩa của Hiến pháp để có thể bàn được câu chuyện này. Nguyên lý của Hiến pháp là văn bản mà ở đó, người dân trao cho cho một tổ chức (Nhà nước) quyền quản lý điều hành xã hội mà họ sống trong đó. Người dân trao những quyền mà tổ chức đó được làm, do đó quyền của người dân lớn vượt hơn quyền của tổ chức đó được làm. Hiển nhiên, nếu Hiến pháp có được định nghĩa, tôi nghĩ rằng câu chuyện Hiến pháp sẽ trở nên rõ ràng hơn rất nhiều.
2. Nước Việt Nam là gì?
  Tôi cho rằng phải có định nghĩa Nước Việt Nam là một nước có chiều dài từ địa đầu Hà Giang đến đất mũi Cà Mau, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong lời mở đầu của Hiến pháp 1959 có nhắc rằng " Nước Việt Nam là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau". Tại điều 1 HP 1992 chỉ ghi rằng: Nước CHXHCN Việt Nam là ... " .
 (Một số ý kiến khác nhất trí với ý kiến này, phải có Đông - Tây tứ cận, tọa độ vị trí, nhất là trong tình hình căng thẳng biển đảo hiện nay, phải khẳng định chủ quyền lãnh thổ).