Thư thất điều gởi vua
Khải Định (bản dịch)
Việt Nam quốc dân Phan Châu Trinh gởi thư cho
đương kim hoàng đế
Tôi sinh gặp lúc: trong thời nước nhà nghiêng
ngập, ngoài thời các nước đua tranh tiến bộ. Tôi là người yêu bình dân chủ
nghĩa, ghét chuyên chế quân quyền, đau đớn vì quan lại tham lam, thường xót vì
dân sinh khốn khổ, vậy nên tôi sẵn lòng liều cả sanh mạng tôi, ra gánh vác việc
đời, trông mong có cứu lại cuộc hiểm nghèo được chút nào chăng!
Năm 1907, tôi đã gởi thư cho các quan chánh
phủ Bảo hộ, hết sức kêu ca, trước bày tỏ tình cảnh khổ sở của dân Việt Nam, sau
xin thay đổi theo chính trị các nước văn minh trong thời bây giờ. Những việc
tôi đã đề xướng trong lúc ấy đều là sự cần kíp cấp thiết cả: như lập trường dạy
tiếng Tây và chữ Quốc ngữ, bày ra hội thương, hội nông để giành lại quyền lợi
cho người mình, và thay đổi cách ăn mặc theo cách Âu Tây, v.v… Những việc đó
tôi làm trước mắt người thiên hạ, rõ ràng như ban ngày, vậy thời có tội lỗi gì
không? Thế mà triều đình nước ta, từ trên đến dưới, cứ khư khư giữ lấy thói
chuyên chế cũ để hà hiếp dân ngu, cướp lấy lợi riêng cho mình; ghét việc thay
đổi như cừu thù, coi nhân dân như rơm rác, tìm cớ bới việc, phá phách đủ đường,
làm cho lòng dân ai ai củng tức giận, để mà giết hại những kẻ thông minh lương
thiện trong nước. Sự chống sưu thuế không công bình, xảy ra khắp cả 12 tỉnh
Trung Kì trong năm 1908, thời dân và thân sĩ bị giết và bị tù, kể hơn mấy ngàn
người, đau lòng thảm dạ biết bao nhiêu.
Gặp dịp như thế, một người như tôi, có thể nào
mà họ chịu bỏ lỏng: phao cho việc này, buộc vào cớ kia, trước thời xử án tử
hình, sau lại đày Côn Lôn.
Chí sỹ Phan Chu Trinh (9/9/1872 - 24/3-1926)
Khốn nạn thay! Nước ta bị nước Pháp bảo hộ đến
ngày đó đã gần ba bốn mươi năm rồi, nhưng sự hủ bại vẫn không thay đổi, cách
văn minh chẳng hề bắt chước, mà cái nọc độc chuyên chế ức hiếp vẫn còn gớm
ghiếc như thế. Vậy thời cái văn minh của nước bảo hộ không có ích gì cho nước
bị bảo hộ, mà nước bị bảo hộ cũng không nhờ gì được sự khai hoá của nước bảo
hộ, lạ quá! Sự đó trong đời nầy cũng ít thấy vậy.