Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Truyền thông điệp gì, sự nhanh nhẩu thái quá và sự thật sau khi nói lại.

Ngày Thứ Ba đọc báo Thanh Niên, nói về vụ cháu bé sơ sinh tại Bệnh viện Quảng Nam bị trả về mai táng, khi nó vẫn còn sống.
Ngày tiếp theo hay sau đó, (mình không đọc), nói về hàng ngàn tờ xét  nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội là xét nghiệm khống, không làm xét nghiệm, kiểu như là đi khám thì họ không xét nghiệm, mà điền đại vô cho có, nên xét nghiệm người này giống với xét nghiệm người kia... thế thì làm sao có đủ cơ sở để bác sỹ chẩn bệnh chữa bệnh. Chiều hôm qua, cũng nghe Ba nói, một ông lão 81 tuổi, đọc báo mỗi ngày, nói với ông sui: "Kinh khủng quá anh hỉ'. (Cái này gọi là dư luận sau khi nhận thông điệp từ báo chí)

Tối, chợt liếc qua 1 tin về Bệnh viện Hoài Đức, thì ra đó KHÔNG LIÊN QUAN Y ĐỨC, mà là tham nhũng, tham nhũng vặt, 60 triệu trong 8 tháng, và sử dụng CHIA CHO CÁC KHOA và cá nhân, mục tiêu là lấy tiền của bảo hiểm.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Vấn đề “giai cấp” và vấn đề “Đảng cộng sản“

Một cái nhìn trở lại

Đây không phải là một luận văn, mà là một thiên bút ký thổ lộ nỗi niềm của một người 76 tuổi đời, 58 tuổi Đảng Từng làm Phó Chủ tịch Quốc Hội. 

Trần Độ  

NQL: Đọc để biết vì sao Trần Độ bị coi là phản động.
Tháng 9 này tôi tròn 75 tuổi (1923-1998). Thấy cũng cần ghi lại những suy nghĩ về cuộc sống và về sự đời, mà lâu nay tâm tư lúc nào cũng bị xáo trộn.
Tôi đã sống 75 năm trong 100 năm sôi động vừa qua. Tôi đã trải và nghiệm ra nhiều điều, nhiều lẽ. Những trải nghiệm này có nhiều điều hay và tốt. Nhưng cũng có những điều đau. Tôi ghi lại để tôi ngẫm cùng tôi, nhưng những điều suy ngẫm ấy có thể giúp ích cho con cháu sau này, cho dù chúng cũng có những trải nghiệm của chúng.
Trải nghiệm một cuộc đời ngót nghét trăm năm không phải là ít, lại càng không phải là sự trải nghiệm một chiều. Nhưng trong những trải nghiệm trong chính cuộc đời tôi làm tôi phải suy ngẫm và trăn trở nhiều có lẽ có hai điều sâu sắc và phức tạp nhất, có tính chất học thuyết và nguyên lý.
Đó là vấn đề “giai cấp” và vấn đề “Đảng cộng sản“.
BÀI LIÊN QUAN:

I. VỀ VẤN ĐỀ GIAI CẤP
Từ những năm tuổi 14-15, còn đang thời học trò cấp 2 (so với hiện nay), tôi và các bạn tôi đều có một trạng thái tinh thần rất giống nhau : chúng tôi rất sục sôi yêu nước, rất căm phẫn trước tình hình mất nước, tình hình dân tình đau khổ và sống đời nô lệ. Những cụm từ “nước mất nhà tan “, “vong quốc“, “hồn nước non “… đều lay động dữ dội tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi thấy hết sức tự nhiên coi mình như đã là những phần tử của một phong trào, một thiên hướng tư tưởng “cứu nước “. Mặt khác, hàng ngày, trong đời sống bản thân, trong quan hệ họ hàng và xóm giềng và rộng ra nữa, trong quan hệ hàng tổng, hàng tỉnh, chúng tôi đều trông thấy, nghe thấy biết bao nhiêu điều bất công, tủi nhục và oan khuất. Chúng tôi đều là con nhà nghèo, từ góc độ con nhà nghèo nhìn thấy tình hình xã hội như thế thì tâm tư càng đau khổ nhức nhối. Nhưng chỉ biết đến thế, chứ chưa giải thích được tình hình và tìm ra phương hướng, chưa giải đáp được những vấn đề được đặt ra. Cho nên cũng chỉ lặng lẽ cùng nhau đọc sách và mơ ước. Mơ ước những năng lực phi thường, mơ ước những phương sách lý tưởng và mơ ước đến tương lai huy hoàng của dân tộc. Những mơ ước ấy không thoát ra ngoài những điều đã được viết trong các tiểu thuyết, nhất là những tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc, mơ ước có những vị vua anh minh, những tướng quân tài cao chí cả.
Trong trạng thái tâm hồn như vậy, chúng tôi gặp gỡ và tiếp xúc với những ý tưởng mới của chủ nghĩa Mác, trong đó nổi bật là vấn đề giai cấp.
Chúng tôi tiếp xúc với vấn đề giai cấp như một sự bừng sáng mạnh mẽ và rực rỡ trong tinh thần.