Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Ai biết gì về sự kiện Thiên An Môn 4-6-1989

Được biết, vào hôm 3.6.2014 Trung Quốc đã bắt giữ nhiều nhà bất đồng chính kiến trong nước và tiến hành một chiến dịch an ninh quy mô chưa từng có tại trung tâm Bắc Kinh để ngăn các hoạt động kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn lần thứ 25.
Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng chỉ đạo khóa một số trang web của Google tại Trung Quốc, AFP cho hay. 
Dịch:  4-6-89 tại đây, quảng trường Thiên An Môn, chính quyền đã dùng bạo lực AK47, đàn áp sinh viên
Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), biểu tượng của phong trào cải cách qua đời vào ngày 15/04/1989 ở tuổi 73. Ngay hôm sau, hàng ngàn sinh viên đã tụ tập tại Quảng trường Thiên An Môn để tưởng nhớ ông cựu Tổng bí thư đã bị phế truất của Đảng cộng sản Trung Quốc vì những cải cách năng động vị cựu tổng bí thư này. Một tuần sau, hàng ngàn sinh viên đã tuần hành tới Quảng trường Thiên An Môn, bắt đầu cho một cuộc “thập tự chinh” mà kết cục của nó không ai dám nghĩ tới: Tắm trong biển máu, bi thảm khôn cùng!
Sau đây là những hình ảnh ghi nhận lại sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 được đăng tải trên AFP và Reuters:
  

Hòa cùng khoảng 200.000 người biểu tình tiến vào Quảng trường Thiên An Môn, một sinh viên Trung Quốc giơ cao biểu ngữ kêu gọi ủng hộ một Trung Quốc dân chủ vào ngày 22.4.1989

Ngày 13/05/1989, cuộc biểu tình của các sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn đã leo thang và biến thành một cuộc tuyệt thực tập thể, với hàng ngàn người tham gia nhằm kêu gọi cải cách dân chủ.
Sinh viên Trường đại học Bắc Kinh tham gia biểu tình tuyệt thực vô thời hạn phản đối chính phủ Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 18.5.1989
 Các sinh viên đói lả vẫn trung thành dẫn đầu đoàn biểu tình nằm tuyệt thực trên mái xe bus đậu ở Quảng trường Thiên An Môn.
 Ngày 17/05/1989: Đúng năm ngày sau cuộc tuyệt thực bắt đầu đến giai đoạn cao trào, nhiều sinh viên ngất xỉu và thương vong. Lực lượng y tế buộc phải sơ tán những người biểu tình ốm yếu ra khỏi Quảng trường.

Ngày 20/05/1989, các giảng viên từ Đại học sư phạm Bắc Kinh (Beijing Normal University) đã tới Quảng trường Thiên An Môn bằng xe tải để hỗ trợ các sinh viên của họ, sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố.

Ngày 30/05/1989, các sinh viên từ Học viện Mỹ thuật Trung ương (Central Academy of Fine Arts) đã tạo ra một bức tượng Thần dân chủ cao tới 10m để khích lệ tinh thần cho các sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Được dựng lên chỉ trong 4 ngày, bức tượng đã được đặt trước Đài tưởng niệm Anh hùng của Nhân Dân.



 Trong thông cáo của mình, các sinh viên tạc bức tượng cho biết: “Hôm nay, tại Quảng trường Nhân dân, Nữ thần của nhân dân đứng sừng sững và thông báo với toàn thế giới rằng: Sự thức tỉnh về dân chủ đã trỗi dậy trong lòng người dân Trung Quốc. Một thời kỳ mới đã bắt đầu”
  

Sáng ngày 02/06/1989, những toán quân đội được trang bị vũ khí bắt đầu tiếp cận Quảng trường Thiên An môn. .
Vào tối ngày 03 và rạng sáng ngày 04/06/1989, các lực lượng quân đội có vũ trang cùng lực lượng xe tăng bắt đầu di chuyển vào phía các sinh viên và các thường dân đang tụ tập xung quanh Quảng trường Thiên An Môn, mở màn cho một cuộc trấn áp nảy lửa


Một người dân đứng chắn trước hàng xe tăng quân đội Trung Quốc vào ngày 5.6.1989 để phản đối việc chính phủ đàn áp người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn

Người dân Bắc Kinh đứng nhìn những chiếc xe thiết giáp bị người biểu tình đốt cháy nhằm ngăn không cho quân đội di chuyển vào Quảng trường Thiên An Môn vào hôm 4.6.1989

Một cô gái bị thương do xô xát với quân đội đang được cáng ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989


Một phóng viên nước ngoài bị thương trong các vụ đụng độ giữa quân đội và người biểu tình đang được cáng ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989


Không có số liệu chính thức nào được công bố, cũng không biết bao nhiêu người đã bị đàn áp và giết chết tại Quảng trường Thiên An Môn vào những ngày ấy. Bởi chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ quá xảo quyệt, họ đã “dọn sạch bãi máu” sau khi dùng xe tăng cán lên các sinh viên đang ngồi tuyệt thực ở Quảng trường Thiên An Môn chỉ sau một đêm bằng vòi rồng và xe ủi (!?!).
Sáng ngày 6-4 - 1989 tại quảng trường Thiên An Môn

Du khách và nhân viên an ninh tụ tập tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.2012. Rất nhiều camera an ninh được thấy trên từng cột đèn ở quảng trường
Tại Công viên Chiến Thắng ở Hồng Kông vào ngày 4.6.2012, hàng chục ngàn người Hồng Kông tham gia vào lễ thắp nến tưởng niệm sự kiện quân đội Trung Quốc trấn áp người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989

Người dân Hồng Kông tham gia vào lễ thắp nến tưởng niệm sự kiện quân đội Trung Quốc trấn áp người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989


Cảnh sát vũ trang Trung Quốc đứng gác tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4.6.2014


Các ngã đường tiến vào Quảng trường Thiên An Môn đều được canh gác nghiêm ngặt từ đầu tháng 6
 
Hoàng Uy Ảnh: Reuters, AFP

Ngày 4 tháng 6 và giới tinh hoa Trung Quốc

Lưu Hiểu Ba
Phạm Thị Hoài dịchPhần trích dịch sau đây rút từ tiểu luận „Tiếng nói của những người mẹ Thiên An Môn“ viết năm 2004, nhân 15 năm Sự kiện Lục Tứ. Lưu Hiểu Ba dành phần đầu bài viết cho số phận của những nạn nhân được tập hợp trong một cuốn sách nhỏ, do bà Đinh Tử Lâm, nguyên Giáo sư Triết trường Đại học Nhân dân Trung Quốc tự xuất bản. 


Con trai bà, 17 tuổi, là một trong những thanh niên đầu tiên bị giết tại Quảng trường Thiên An Môn. Cùng với những người mẹ và gia đình mất con khác, bà thành lập nhóm „Những người mẹ Thiên An Môn“ (Thiên An Môn Mẫu thân Vận động) kiên trì đòi công lí cho các nạn nhân. Lưu Hiểu Ba, bị coi là một trong những người „giật dây“ của phong trào dân chủ Trung Quốc và sau đó bị kết án tù, ngay từ đầu đã tận tình ủng hộ Những người mẹ Thiên An Môn.

Trong phần cuối bài viết, Lưu Hiểu Ba một lần nữa đặt câu hỏi về vai trò và vị thế của giới trí thức tinh hoa Trung Quốc trong phong trào 89. Sự phê phán của ông, tuy trước hết và đồng thời là tự phê phán, nhưng vẫn gây sóng gió trong giới đấu tranh dân chủ Trung Quốc. Tiểu luận „Chúng ta bị công lí của chính mình đè bẹp“ của ông, viết năm 1993, nhân 4 năm Sự kiện Lục Tứ, mà tôi đã giới thiệu trên pro&contra năm ngoái, cũng chung mạch tự phê phán và phản tỉnh đó. Bản dịch tập trung vào phần cuối này của tiểu luận.
Người dịch
__________
Phần lớn các tù nhân chính trị của ngày 4 tháng 6 bị kết án nặng mà tôi biết đều là những người hoàn toàn bình thường. Một sinh viên Viện Truyền thanh Bắc Kinh bị kết án mười một năm tù vì tham gia chặn không cho xe quân sự tiến vào Quảng trường. Một chàng trai trẻ ở Thanh Đảo bị kết án mười tám năm tù vì đã công khai phản đối bạo lực của chính quyền khi vụ thảm sát bắt đầu diễn ra. Nhà thơ Liệu Diệc Vũ, người Tứ Xuyên, từng ở chung nhà giam với nhiều tù nhân chính trị bị kết án trên mười năm vì vụ Lục Tứ. Còn rất nhiều những tù nhân chính trị vô danh như thế của ngày 4 tháng 6 đang ở khắp các trại tù trong toàn quốc.

Còn những nhân vật danh tiếng thì sao? Khi đó họ kẻ cả nhìn xuống đám dân thường, nhưng không một ai trong số họ phải thiệt mạng hay bị thương trong vụ thảm sát ở Thiên An Môn, và cũng chỉ một số ít bị kết án nhiều hơn mười năm tù. Họ đều thoát khỏi lưỡi rìu đao phủ và sống sót, có thể đang ở một nhà tù nào đó trong nước hay lưu vong ở nước ngoài, nhưng đều còn sống, đều ít nhiều nổi tiếng, ít nhiều được dư luận chú ý. Trong „những kẻ giật dây vụ Lục Tứ“ nổi tiếng, chỉ có Vương Quân Đào và Trần Tử Minh bị kết án 13 năm tù, nhưng giữa thập niên 90 họ được tại ngoại để chữa bệnh. Từ tháng 6 năm 1989 đến nay, tôi, cũng là một đầu sỏ „giật dây“, bị kết án ba lần, song cũng chỉ bị ngồi tù tổng cộng không đầy 6 năm.

Nói như vậy không phải là để so bì nạn nhân. Là một trong những nhân vật cầm trịch và „giật dây“ tôi chỉ muốn đặt ra câu hỏi, rằng cuối cùng đâu là sự thực lịch sử của vụ Lục Tứ. Khi tình huống bắt đầu diễn biến kinh hoàng, vì sao những người bị trừng phạt nặng nề, những người đứng ra lo giúp các nạn nhân nguy kịch vì thương tích, những người bỏ mạng trong vụ thảm sát, vì sao họ đều là những người dân hoàn toàn bình thường, trong khi phong trào 89 lại do sinh viên và giới tinh hoa trí thức cầm đầu?


Vì sao những người đã phải trả cái giá cao nhất là sinh mạng của mình lại phần lớn thuộc về đám đông thầm lặng trong nước, không có nổi cái quyền thuật lại câu chuyện của mình, trong khi giới tinh hoa thuộc về phía sống sót lại cho mình cái quyền ba hoa chém gió không biết đâu là dừng?


Vì sao sau Lục Tứ, máu của những người dân chất phác ấy lại bị đem ra nuôi những kẻ cơ hội lớn nhỏ và cho phép một số kẻ ăn theo vô liêm sỉ trong chốn hội chợ phù hoa, tranh đua hóa „phong trào dân chủ“?


15 năm đã qua, dường như máu của ngày 4 tháng Sáu đã không hề khiến dân tộc lãnh cảm này bước thêm một bước nào đáng kể, nếu không tính đến cái mùi „anh hùng“ sặc sụa được đem ra phun vào những nhân vật trọng yếu, những kẻ quen xơi món màn thầu chấm máu người. Giới được coi là tinh hoa của đất nước này đã không hề tiến bộ hơn; đến hôm nay cảm giác về sự ô nhục, cảm giác về tội lỗi vẫn còn rất hiếm hoi, và chúng ta cũng chưa học được cách biến khổ đau thành một tài nguyên tinh thần để từ đó, bằng phẩm giá và tư cách bình đẳng, dấn thân cho sự khổ đau của những con người bình thường, cụ thể.

Những kẻ tự phong mình vào hạng tinh hoa văn hóa ở thập niên 80 như tôi, những nhân vật trọng yếu của sự kiện 1989 như tôi, đã làm được gì cho những hồn ma ấy? Suốt 15 năm qua, tôi thường xuyên bị ám ảnh vì một cảm giác tội lỗi. Tôi đã viết một bản nhận tội trong nhà tù Tần Thành, bán rẻ phẩm giá của cá nhân mình và cũng bán luôn cả máu của những hồn ma Thiên An Môn. Khi được thả, tôi vẫn tiếp tục ít nhiều nổi tiếng và được hưởng sự chia sẻ từ khắp nơi. Nhưng những nạn nhân bình thường kia thì sao? Những con người tàn phế đã mất tất cả từ lâu kia, họ thì sao? Và những người vô danh hiện vẫn bị giam cầm thì sao? Họ được gì? Trong một bài thơ, tác giả Liệu Diệc Vũ, bị tù bốn năm vì hai bài thơ, bài „Thảm sát“ và bài „Lễ cầu hồn“, tự hỏi: „Ai sống sót? Sống sót là rác rưởi!"

Trước số phận cay nghiệt của những con người bình thường ghi trong tập sách này, tôi thấy mình thậm chí không có cả cái quyền làm một kẻ „sống sót“! Dù tôi là một trong những người cuối cùng rời khỏi Thiên An Môn hôm ấy, nhưng sau vụ tắm máu tôi đã không đứng thẳng lên để bày tỏ một nhân cách, điều chỉ hiện ra qua hành động. Sau khi rời Quảng trường, tôi đã không quay lại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, ngôi trường cũ của tôi, để giúp những sinh viên từ Quảng trường chạy về; tôi lại càng không ra đường giúp cáng thương và gom xác chết, tôi đã chui vào tòa nhà tương đối an toàn của Bộ Ngoại giao để trốn. Không có gì đáng ngạc nhiên, nếu những con người bình thường đã đích thân trải qua ngày 4 tháng 6 đẫm máu ấy lên tiếng hỏi: Khi Bắc Kinh chìm trong vụ thảm sát, các vị cầm trịch“ bỗng biến đi đằng nào?

15 năm đã trôi qua. Dù sự kiện Lục Tứ chưa thay đổi được sự tàn nhẫn của những kẻ đã gây nên vụ thảm sát, nhưng ít nhất ta có thể hỏi những nhân vật trọng yếu thời ấy hiện đang ưỡn ngực phô phù hiệu nạn nhân rằng: Các vị không thấy có trách nhiệm gì với những nạn nhân tuyệt không được hưởng một chút gì hoặc thậm chí còn ít hơn thế hay sao? Các vị không thấy lương tâm cắn rứt ư? Chẳng lẽ các vị không thấy ít ra cũng nên giữ những điều kiện tối thiểu cho nhân tính tồn tại, chẳng hạn việc xiển dương tự do và xiển dương cội nguồn của công lí mà vô số người đã hi sinh đời mình để bảo vệ – cái cội nguồn duy nhất mà chúng ta có để chống lại một chế độ toàn trị? Trước những người mẹ kiên tâm đòi công lí cho hồn ma của con cái họ, giới tinh hoa sống sót thời đó không lẽ nào lại không sẵn lòng chia sẻ một chút tình người, thực hành một chút tình đoàn kết bình đẳng và một tí xíu công bằng, để bù lại cho những con người đã chịu nhiều khổ đau hơn hẳn ấy mức công bằng mà họ xứng đáng được hưởng?


Tôi xin cảm ơn thân nhân của những nạn nhân ấy. Họ đã để lại cho Trung Quốc hình ảnh những con người bình thường trong vụ thảm sát ngày 4 tháng 6.
...............................
Nguồn: Trích dịch từ bản tiếng Đức, tiểu luận “Die Stimme der Mütter von Tiananmen”, trong tuyển tập tác phẩm của Lưu Hiểu Ba Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, tr. 23-33. Fischer Taschenbuch. Frankfurt am Main, 2013. Nhan đề của người dịch

Còn khi đài CNN đang phát chương trình về Thiên An Môn tại Việt Nam thì bị thế này.

 

BÀI ĐỌC THÊM:

>>> Lệnh cấm tàu bè, Luật Biển Việt Nam và Tổ Tiên tôi

>>> Vua và Đảng viên

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét