Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Góp ý Dự thảo Hiến pháp tại Phường An Xuân ngày 01/2/2013




                                   KTS. Huỳnh Quốc Hội



Kính thưa Hội nghị!
Tôi là ... Đại biểu được mời đại diện nhân dân Khối phố 4, P. An Xuân (cả KP chỉ có 3 giấy mời). Giọng tôi hơi chát, và chất hay nói thẳng nói thật nên hơi khó nghe, mong quý vị thông cảm. Tôi xin tự giới thiệu đôi chút về bản thân, và tôi nghĩ ai lên đây cũng cần giới thiệu vắn tắt qua để biết được góc nhìn của mỗi người, từ đó điều 5,6,7.. sẽ tròn hay méo, sửa hay đổi, xem có phù hợp với tâm thế và nguyện vọng chung hay không.
Tôi sinh ra và lớn lên tại Phường An Xuân, học cấp 1-2 tại Trường Lý Tự Trọng, học cấp 3 tại Trường Trần Cao Vân Tam Kỳ...
Năm 2007 và năm 2011, tôi ứng cử ĐB Quốc Hội 2 lần, một trong 4 mục tiêu vận động bầu cử trong 2 lần này là Sửa đổi Hiến pháp, nên tôi cũng bị nhà chức trách để ý, gặp nhiều khó khăn.
Thực lòng mà nói, tôi không hy vọng lắm vào sự thực tâm lấy ý kiến trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này (dân chủ hình thức), nhưng tôi nghĩ, nếu không có thực tâm, nhưng những người thi hành có thực làm, thì qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao dân trí để tiến bước trong quá trình xây dựng xã hội dân sự, xã hội dân chủ.
Những đóng góp ý kiến của tôi tại đây mang tính thỏa hiệp để xây dựng. Bao gồm 6 phần: A.Bổ sung; B. Bỏ hẳn hoặc bỏ - chuyển gộp các điều; C. Cấu trúc lại hoàn toàn chương II. D. Cần thảo luận thêm; E. Chi tiết cơ bản; F. Chi tiết cụ thể.

A. ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG 5 VẤN ĐỀ VÀO BẢN HIẾN PHÁP.
Bổ sung vào Lời nói đầu 4 vấn đề:
1. Định nghĩa Hiến pháp là gì?
   Vì rằng phải hiểu Hiến pháp là gì, mới có thể bàn về câu chuyện Hiến pháp, rằng lòng yêu nước là không phải của riêng ai... Chúng ta vẫn nói, và vẫn thấy nơi nhan nhản khắp hẻm cùng quê tấm biển hiệu: "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật". Nhưng thử hỏi mấy ai ngồi đây đã từng đọc Hiến pháp, và hiểu được định nghĩa của Hiến pháp để có thể bàn được câu chuyện này. Nguyên lý của Hiến pháp là văn bản mà ở đó, người dân trao cho cho một tổ chức (Nhà nước) quyền quản lý điều hành xã hội mà họ sống trong đó. Người dân trao những quyền mà tổ chức đó được làm, do đó quyền của người dân lớn vượt hơn quyền của tổ chức đó được làm. Hiển nhiên, nếu Hiến pháp có được định nghĩa, tôi nghĩ rằng câu chuyện Hiến pháp sẽ trở nên rõ ràng hơn rất nhiều.
2. Nước Việt Nam là gì?
  Tôi cho rằng phải có định nghĩa Nước Việt Nam là một nước có chiều dài từ địa đầu Hà Giang đến đất mũi Cà Mau, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong lời mở đầu của Hiến pháp 1959 có nhắc rằng " Nước Việt Nam là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau". Tại điều 1 HP 1992 chỉ ghi rằng: Nước CHXHCN Việt Nam là ... " .
 (Một số ý kiến khác nhất trí với ý kiến này, phải có Đông - Tây tứ cận, tọa độ vị trí, nhất là trong tình hình căng thẳng biển đảo hiện nay, phải khẳng định chủ quyền lãnh thổ).
3. Mục tiêu, mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp 1992:
  Tại sao Hiến pháp Việt Nam 1992 cần phải sửa đổi vào lúc này, các vấn đề nào nổi cộm, hay chỉ là do thời gian, đòi hỏi cấp bách gì, xu thế thời đại. (Thế thì bỏ 3 từ "DƯỚI ÁNH SÁNG" trong cụm từ dưới ánh sáng của CN Mác đi. Vì nói xu thế thời đại, mà còn sử dụng ánh sáng thần thoại của thế kỷ XVIII, vay mượn của giai đoạn công nghiệp lạc hậu Phương Tây thì e rằng tiêu chí sửa Hiến pháp không rõ ràng. Ánh sáng thần thoại, truyền thuyết như thế Việt Nam có nhiều hơn, rực rỡ hơn như ánh sáng của ngựa sắt Thánh Gióng bay về Trời; ánh sáng của bọc Trứng 100 con khi nở ra; ánh sáng của Móng rùa nỏ thần, của Kiếm thần Lê Lợi...
4. Khẳng định tam quyền là như thế nào?
  Bản Hiến pháp chỉ có các chương, nhưng không thể hiện rõ, bật lên là chương nào là Hành pháp, Tư pháp; Lập pháp mà chỉ quy cho các tổ chức. Trong khi đó, tư pháp lại không rõ khi có cả Tòa án và Viện Kiểm sát. Tam quyền giám sát nhau thế nào, không rõ.

5. Bổ sung vấn để thứ 5 vào Hiến pháp tại Phần cuối, Hiệu lực thi hành. Bổ sung vào điều 123
    Hiến pháp này được đưa vào chương trình giáo dục phổ cập quốc gia.
  Khi có định nghĩa về Hiến pháp, Hiến pháp cần phải được đưa vào giảng dạy ở nhà trường, ở các cấp độ cho tất cả các bậc học phổ cập. Vì "Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật". Không học, không được diễn dịch, bàn luận, phân tích, so sánh, đối chiếu, thì làm sao khai được dân trí, để mà sống, và làm việc, thực hiện quyền làm chủ, quyền công dân.

B. BỎ HẲN - HOẶC BỎ CHUYỂN GỘP CÁC ĐIỀU:
1. Bỏ hẳn điều 8; sửa hoàn toàn điều 65.
2. Bỏ, chuyển ghép các điều: 
  13 vào điều 3
  14 vào điều 1
  21 vào điều 15
  37 vào điều 23 và 32
  47 vào điều 16   (Xem hình ở chi tiết phần E)
C.  CẤU TRÚC LẠI HOÀN TOÀN CHƯƠNG II
      Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
 Cần phải tách bạch cụ thể cái nào là quyền con người, cái nào là quyền công dân, cái nào là nghĩa vụ công dân. Nói là quyền không tách rời nghĩa vụ, nhưng cũng cần phải phân biệt rõ cái nào là quyền, cái nào là nghĩa vụ. Quyền con người thì theo Công ước Nhân quyền mà Việt Nam ký thỏa ước tham gia, quyền công dân thì có những hạn chế hơn, nghĩa vụ là bắt buộc, nhưng không phải Nhà Nước muốn bắt buộc thế nào cũng được. Hoặc như điều 21: Mọi người có quyền sống. Điều này là vô nghĩa. Đáng lẽ ngay từ đầu chương, điều 15 phải quy định cụ thể về Quyền con người bao gồm những quyền có bản sau đâyây:
   - Quyền được sống
   - Quyền được mưu cầu hạnh phúc
   - Quyền tự do tín ngưỡng
   - Quyền nhận thức
   - Quyền "mở mồm ra nói"      

D. CẦN THẢO LUẬN:
   1. Vai trò của Quốc Hội:
       là cơ quan quyền lực quá lớn, nhưng quá loãng, trong khi hiện nay lập pháp vẫn phải nhờ gần như hoàn toàn vào nhánh hành pháp. Trong khi chức năng chủ yếu của Quốc Hội phải là nhánh lập pháp, kiểm tra pháp luật do mình lập ra được hành pháp và tư pháp thực hiện thế nào. Chức năng giám sát chứ không phải chức năng "ôm" quá nhiều, cái gì cũng Quốc Hội  phê chuẩn, phê duyệt... mà chẳng quyết được cái gì.
      Quốc Hội gồm 500 người, hoạt động tập trung, khi chấm dứt nhiệm kỳ lại nghỉ 500, bầu 1 loạt, chưa bầu. Tạo ra lổ hổng, và thiếu tính kế thừa. Mặt khác 500 người cùng bàn 1 lúc nhiều vấn đề, nên chăng chia làm 2 viện. Cơ cấu đại biểu cũng nên suy nghĩ khác cách làm hiện nay.
         Quốc Hội có nên tách trách nhiệm lập pháp với chức năng giám sát, đồng thời về bộ máy cũng nên tách theo chức năng này. Có thể tách 2 Viện, viện lập pháp, chính sách, quốc kế. Viện giám sát, chính sách địa phương, dân sinh.
2. Tăng quyền trách nhiệm cá nhân Chủ tịch Nước.
    Về mặt nào đó, Chủ tịch Nước là nguyên thủ quốc gia, nhưng lại đánh đồng vai trò với Thủ tướng, các cấp phó khi thực quyền quyết định các vấn đề, tính chịu trách nhiệm không có, lại vẫn phải giải trình trước 500 người, ký gì cũng phải Quốc Hội phê chuẩn. Là phụ trách đối nội và đối ngoại, nhưng đối nội lại bị vai trò Thủ tưởng lấn át, khi "Thủ tướng báo cáo với Quốc Hội, UBTV QH và Chủ tịch Nước". 
3. Phân định rõ Tư pháp ra khỏi nhánh lập pháp và hành pháp để đảm bảo Tư pháp độc lập. Mặt khác, phân định vai trò của Tòa án và Viện Kiểm sát thế nào để đảm bảo tính chủ đạo của nhánh Tư pháp là Tòa án.

E. CÁC CHI TIẾT CƠ BẢN:
1.  Nên loại các cụm từ Giai cấp công nhân, giai cấp nông dân ra khỏi Hiến pháp. Vì thứ nhất: hiện nay có cần đấu tranh giai cấp nữa hay không, vì cơ bản theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay thì vẫn không có giai cấp tư bản. Chủ thể cần đấu tranh đã không có thì xem như giai cấp tự triệt tiêu, chỉ còn lại nhân dân lao động Việt Nam, làm nông, làm thuê, làm chủ đều là người lao động. Thứ hai, là trong cuộc họp của 70 vị ngồi đây, thì có ai có thể xác định mình là giai cấp nào, con mình thuộc giai cấp nào. Công nhân thất nghiệp về quê vác cuốc là giai cấp nông dân, không sống nổi lại lên thành thị chạy xe ôm, gia nhập tầng lớp người nghèo thành thị, không là công cũng không phải nông. Thứ ba là hiện nay, khu vực kinh tế phi chính thức trong đô thị đã góp đến 50% cho thu nhập đô thị, họ là những tiểu thương, những kinh tế hộ gia đình cá thể, những công việc chạy chợ, buôn bán hàng ngày không có thống kê phân loại nhưng họ đều đóng thuế hàng ngày, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, không phải thành phần cơ bản, không nằm trong đội tiên phong hoặc giai cấp ưu tú nhưng lại nuôi sống những thành phần cơ bản đó. Do vậy, cũng nên trân trọng và trả lại đúng tên cho nhân dân lao động cần cù Việt Nam.
2. Khi nói đến Tổ quốc là nói đến lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thì khi đó cũng phải định nghĩa bổ sung Người Việt Nam cho các công dân không có quốc tịch Việt Nam nhưng là người có dòng máu Việt Nam.
3. Hiến pháp cũng cần phải xác định Việt Nam có 54 dân tộc anh em, để có kế hoạch bảo tồn, bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số có nguy cơ tồn vong.
4. Vấn đề sở hữu toàn dân là một khái niệm mơ hồ, và nó không rõ ràng bằng khái niệm sở hữu quốc gia. Sở hữu quốc gia có tính truyền thống, có tính kế thừa, và có tính ý thức tai sản của công, của ngàn đời thế hệ và có tính ý thức về quyền của người nộp thuế, quyền quyết định của cộng đồng địa phương.
5. Quyền lập Hiến không thuộc về Quốc Hội 500 đại biểu hiện nay (có những nghị quá đùi như Nghị Phước, nghị IQ, nghị rau muống, nghị ngủ, nghị gật, nghị bầu cho đủ thành phần…) mà phải thuộc về một tập hợp các cá nhân được nhân dân bầu ra để lập Hiến, như là một Quốc hội lập Hiến, làm ra bản Hiến pháp không thể thêm được một chữ, không thể bớt đi một chữ.
6. Tại sao phải trưng cầu dân ý. Vì như đã nói, sự đóng góp của khu vực kinh tế phi chính thức trong đô thị là một sự thực, thì những công dân đó họ cũng được quyền có ý kiến hoặc hỏi ý kiến để đồng ý cho nông dân, công dân lãnh đạo xã hội hay không. Hay những người nông dân, công nhân sẽ quyết định trong Hiến pháp là họ sẽ trở thành, thuộc về những giai cấp riêng biệt khác nhau trong cùng một gia đình, hay là họ sẽ quyết định trở thành một giai cấp lao động cần cù đối lập với giai cấp có thể tham nhũng bóc lột.
7. Đã đến lúc nên trả cho nhân dân những gì thuộc về nhân dân. Ví dụ Kho Bạc Nhân nhân, Ngân hàng Nhân dân, Ủy ban hành chính, Viện Kiểm sát, Công an, Quân đội là những công cụ của Nhà nước, thì không nên lạm dụng từ nhân dân.
8. Về đơn vị hành chính (điều 115), nên chia Nước thành Vùng, Tỉnh, Huyện xã. Nên bổ sung Vùng. Nước Việt Nam nên chia thành 8- 12 vùng và 5-7 tỉnh để quyền lực kinh tế và lãnh thổ không bị chia cắt, mâu thuẫn. Mỗi Tỉnh đều có nhà máy đường, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, resort du lịch.... Nếu cơ hội sửa Hiến pháp lần này không tập trung quyền lực địa phương lại thì bài toán cơ hội phát triển Việt Nam vẫn còn xa vời lắm. Ví dụ: Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi nên hợp thành một Vùng Quảng Nam.

F. CÁC  CHI TIẾT CỤ THỂ: 




 Điều 4. Nếu đưa định nghĩa Hiến pháp vào Lời nói đầu, sẽ không còn câu chuyện điều 4, chuyện của giai cấp, chuyện của tam quyền nhất thể. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét