Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

3 đột phá và Viện Khổng Tử

Đăng ngày: 14:38 02-01-2012
Thư mục: Tổng hợp
Xói mòn lòng tin với Đảng? Đó là do người đứng đầu Đảng phát biểu. Và Bộ Chính trị, 14 vị, trong đó có ông đã kiến nghị 3 vấn đề gọi là đột phá.
  1. Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị….
  2. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là ở cấp trung ương.
  3. Trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
1. Vấn đề thứ nhất, xét về ngữ nghĩa câu chữ, có thể dành cả một ngày để phân tích 2 từ: Ngăn chặn, Đẩy lùi. Tương đương 2 từ PhòngChống tham nhũng. Việc sử dụng 4 từ này thể hiện mức độ hành vi tính chất của vấn đề đã hết sức nghiêm trọng. Nó là một đại dịch đang phát triển hay một đạo quân đang triển khai tấn công xâm lược. Khi chúng ta triển khai các biện pháp để ngăn, đẩy, phòng, chống thì nó đại dịch này, đạo quân này đang đứng yên hay tiếp tục phát triển. Những từ ngữ yếu ớt thể hiện điều gì? Đó là những biện pháp tuỳ tiện, thời vụ, sự vụ mà không phải là một giải pháp mang tính tổng thể để dập tắt một đại dịch, và Tiêu Diệt kẻ thù. Tấm gương của ta đang ở đâu: SINGAPO, NGƯỜI NHẬT, và làm như thế nào? Ai cũng biết, ai cũng nói, nhưng có ai muốn làm và rồi hãy nhìn họ làm. Họ làm gì? Họ đưa người vào. (!) Và trách nhiệm ở Ban Cán sự (!).
2. Vấn đề thứ 2, đã từ lâu chúng ta nói đến “thực hiện dân chủ ở cơ sở”, nhưng khi xây dựng đội ngũ lãnh đạo lại xây dựng từ Trung ương đi xuống. Điều này cũng không phù hợp. Nó ảnh  hưởng đến quy trình đào tạo và giáo dục của xã hội trong cơ chế đào tạo nhân lực đại học, bồi dưỡng nhân tài. Người tài không phải cấp nào cần hơn, mà cấp nào cũng phải có những con người làm được việc, phải từ cán bộ cơ sở. Chống tham những phải từ trên chống xuống, nhân tài phải từ dưới cơ sở tiến cử lên. Quy trình đi ngược, nên có những con quan lớn ngủ một đêm dậy đã thành cán bộ cấp TW. Chúng tôi, dân chúng, những người xói mòn lòng tin, không phục. Điều này cũng có tác động tiêu cực đến việc dạy và học trong nhà trường và cả trong nhận thức định hướng học tập và đào tạo.
3. Vấn đề thứ ba. Trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, ở đây có nhiều vấn đề liên quan
-         Thủ tướng NTD nói trong vụ Vinashin, Ban Cán sự Đảng quyết định.
-         Hội đồng bô lão 14 người của LaMã cổ đại. Không có số lẻ. Biểu quyết theo số đông. Và Hội đồng bô lão này trong lịch sử đã chứng minh, gồm những người có mặt cho đủ số, và có những người có thế lực ảnh hưởng nhất định chi phối. Vậy các nhóm thế lực có thể lôi kéo các Nguyên lão này theo 2 cách trên để có thể đảm bảo quyền lực.
-         Vai trò của Thủ Tướng, Chủ Tịch Nước, Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và các Ban Cán sự. (Đón xem bài Sửa Hiến pháp Kỳ 4 – CTN và TT)
-         Sự lẫn lộn giữa hành chính và hành pháp. Thế nào là chính khách, chính trị, nghị sĩ. Bộ Chính trị là một Bộ (?) và Bộ trưởng Chủ nhiệm VP Chính phủ là một Bộ (?) Chính trị nằm trên, trong tất cả các mối quan hệ tổng hoà của một quốc gia, đó là các sách lược về tiền tệ, tài chính tài khoá, thuế, thu chi ngân sách, đối ngoại, quốc phòng và điều chỉnh cuộc sống mỗi người dân thường từ củ tỏi đến việc có được mua nhà trả góp. Vậy việc có thêm một Bộ như thế ? Bộ trưởng KHĐT, Bộ trưởng Tài Chính, GTVT… là những nhà chính trị hay là công chức hành chính? Trong khi chắc chắn Bộ trưởng CNVPCP là một công chức hành chính văn phòng = Chánh văn phòng.
Và vấn đề thứ 3 này liên quan đến Viện Khổng Tử. Nhân chuyến thăm của Phó CT Nhà nước Trung Quốc ( Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) Tập Cận Bình. Hai bên có ghi nhớ một việc lập Viện Khổng Tử tại tại Việt Nam.  Sự liên quan giữa Khổng Tử và vai trò người đứng đầu. Tại sao không phải là Viện Tuân Tử (nhân chi sơ tính bổn ác, từ đó đề cao pháp trị, pháp quyền) mà là Khổng Tử (đề cao lễ - phục tùng, đề cao minh quân hiền vương). Không như Viện Gothe, Viện Khổng Tử và cờ 6 sao phải làm cho mỗi người Việt Nam phải suy nghĩ.
Khổng Tử đề cao Lễ, người Việt Nam bao đời nay chịu nhiều ảnh hưởng của Nho Giáo với câu nói nổi tiếng: “ Quân quân,Tthần thần. Quân xử Thần tử, Thần bất tử bất trung. Phụ từ Tử hiếu, Phụ xử Tử vong,Ttử bất vong bất hiếu”. Nho Giáo đề cao trượng phu, người quân tử. Nho Giáo đề cao việc học làm người, làm bậc trượng phu, làm người quân tử. Khẳng định giai cấp quý tộc phục vụ một quân chủ chuyên chế, đấng thiên tử. Từ đó đề cao một minh quân hiền vương. Hy vọng có một vị vua sáng suốt, hiền từ để mà đấng trượng phu, bậc quân tử theo đó mà phò tá, có thể nguyện đem sở học bình sinh ra mà phò tá để giúp đời. Hy vọng minh quân. Ở đây là trách nhiệm người đứng đầu. Với Khổng Tử, con người sinh ra vốn đã lương thiện, chỉ cần theo Lễ, học Lễ và kính Lễ thì làm người tốt. Mạnh Tử theo đó, với câu nổi tiếng được mở đầu trong sách Tam Tự Kinh (Vương Ưng Lân – đời Tống, năm 637 SCN): “Nhân chi sơ, tính bổn thiện, tính tương cận, tập tương viễn, tử bất giáo, sư chi đoạ”. Nho Giáo thống trị Trung Hoa hàng ngàn năm, làm nền tảng cơ sở lý luận cho giai cấp thống trị làm công cụ để quản lý xã hội.
Hy vọng một đại nhân, hy vọng một minh quân hiền vương thì không bằng đặt vấn đề ở tính ác, xây dựng cơ chế minh bạch, pháp luật rõ ràng để mỗi người đều có thể trở thành một người bắt buộc phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của người đứng đầu hay là xây dựng trách nhiệm cho từng vị trí trong hệ thống, mà có thể giám sát và thay thế được. Mọi minh quân hiền vương đều giúp cho chế độ trải qua những giai đoạn thịnh vượng, nhưng cơ chế sinh học trong mỗi con người đều phải trải qua những chu kỳ thay đổi Sinh – lão – Bệnh – Tử và nó không tránh khỏi những sai lầm. Và quyền lực dần sẽ bị tha hoá. Quyền lực sẽ bị lạm dụng, và với minh quân hiền vương, nó sẽ thiếu đi chế tài giám sát, không tánh khỏi sự lạm quyền, tiếm quyền.
Trong một xã hội dân sự đề cao tính pháp trị, dân chủ là mỗi công dân được quyền tham gia công việc của Nhà Nước thì điều đó  không thể có chỗ đứng. Vậy, 3 giải pháp đột phá và Viện Khổng Tử là những điều cần thiết xét thấy không cần thiết./.

Đọc thêm:
Tái cấu trúc thực chất và nhận diện sớm khủng hoảng
...Những nhược điểm như dựa vào lực lượng lao động không đào tạo, tăng trưởng dựa vào số lượng chứ không phải chất lượng, phát triển bằng khai thác tài nguyên thô... cần phải dẹp bỏ thì mới tái cấu trúc thành công. Đưa ra một chính sách nào cũng sẽ xảy ra chuyện nhóm này được lợi, nhóm kia bất lợi, nhưng cái khéo léo của người làm chính sách là làm sao cân bằng được lợi ích vĩ mô.
...http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/Tieu-diem/474288/Tai-cau-truc-thuc-chat-va-nhan-dien-som-khung-hoang.html


Trần Trung Đạo: Viện Khổng Tử, cơ quan tuyên truyền và tình báo Trung Cộng

Các nước trên thế giới, dù nhỏ hay lớn đều muốn nhân loại biết đến những cái hay cái đẹp của nước mình. Viện Goethe (Goethe-Institut), đặt tên theo nhà văn và chính khách Đức Johann Wolfgang von Goethe, có 159 cơ sở hoạt động gần khắp thế giới để trao đổi văn hóa và ngôn ngữ. Viện Goethe tự trị về tài chánh và độc lập điều hành từ chính phủ Đức. Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) do một số trí thức Pháp trong đó có nhà khoa học Louis Paster, nhà văn JulesVerne, sáng lập từ 1883, có mặt trên 137 quốc gia với tổng số gồm 850 trung tâm cũng hoạt động độc lập với chính phủ Pháp.

Các nước Phi Châu tuy nghèo nàn, lạc hậu về kỹ thuật, bị thực dân xâm lược rồi nội chiến triền miên nhưng không phải vì thế mà họ không kiêu hãnh với nền văn hóa và cũng luôn tìm mọi cách để giới thiệu cùng nhân loại những nét đặc thù của dân tộc họ. Hiến chương Phục Hưng Văn Hóa Phi Châu được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn y ngày 24 tháng Giêng 2006 đã tạo điều kiện phục hưng các giá trị và giới thiệu văn hóa Phi Châu đến các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Ngày nay nhiều viện văn hóa Phi Châu do tư nhân tài trợ có mặt nhiều nơi trên thế giới.

Phát huy văn hóa là lẽ tự nhiên và đáng ca ngợi. Ngoài trừ những kẻ tự thu mình trong góc tối, sống trong ảo tưởng “quê hương mình là đẹp hơn cả” dù suốt đời không ra khỏi nhà để rồi trở nên ngày thêm u mê lạc hậu, phần lớn các lãnh đạo và con người trên thế giới đều biết trong cái riêng bao giờ cũng có cái chung, văn hóa của một dân tộc là một phần của văn minh nhân loại.

Thế nhưng, những khái niệm văn hóa, độc lập, tự trị, phi chính phủ của các trung tâm, các viện văn hóa nêu trên không áp dụng trong trường hợp các Viện Khổng Tử của Trung Cộng, bởi vì thực chất của các viện này chỉ là cơ quan tuyên truyền, tình báo và được đặt dưới sự lãnh đạo của Cục Tuyên Truyền Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuyên truyền là xương sống của chế độ CS. Từ khi thành lập đảng CSTQ năm 1921 đến nay, tuyên truyền luôn đóng một vai trò quyết định trong việc thực thi các chính sách của đảng. Cục Tuyên Truyền Trung Ương do Lý Trường Xuân, Ủy viên Bộ chính trị đứng hàng thứ năm làm Cục Trưởng.



Tại sao là Viện Khổng Tử mà không là Viện Mao Trạch Đông hay Viện Đặng Tiểu Bình?


Bản chất của CS từ Âu sang Á là giấu mặt và vận dụng ảnh hưởng của các nhân vật lịch sử trong đó Khổng Tử là một trong những nạn nhân.

Trong thời kỳ sau 1949 đến 1966, lãnh đạo Trung Cộng dựa vào Khổng Tử như biểu tượng của quyền hạn gia đình bởi vì trong giai đoạn đó Mao chủ trương phân tán quyền sở hữu đất đai xuống các đơn vị gia đình qua trung gian các chính sách cải cách ruộng đất và Bước Tiến Nhảy Vọt đầy thảm họa.

Mao ca ngợi Khổng Tử “nhiệm vụ của chúng ta là nghiên cứu các thành tựu lịch sử và đánh giá chúng với quan điểm Mác Lê. Trung Hoa có một lịch sử dài nhiều ngàn năm với đặc tính riêng và là những kho tàng quý báu… Chúng ta phải tổng hợp từ Khổng Tử đến Tôn Dật Tiên và kế thừa các truyền thống giá trị này”. Lưu Thiếu Kỳ còn đi xa hơn khi cho rằng Khổng Tử có nhiều đặc điểm của một người CS tốt.

Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, bao nhiêu thất bại, sai lầm của Mao đều được đổ lên đầu Khổng Tử khi chiến dịch Chống Bốn Cũ (nhận thức cũ, văn hóa cũ, truyền thống cũ, tập quán cũ) được phát động. Nội dung của Cách Mạng Văn Hóa được tóm tắt là “cái mới” chống “cái cũ” và trong đó Khổng Tử đại diện cho mọi “cái cũ” và biểu tượng của xã hội giai cấp. Không chỉ chống Khổng Tử về mặt tư tưởng mà cả đền thờ, di tích, sách vở đều bị đục bỏ hay đốt phá. Mao phát biểu “đọc sách nhiều quá sẽ làm tê liệt khả năng nhận thức”. Mục đích chống Khổng Tử của Mao là để đương đầu với sự thất bại kinh tế do chính y gây ra và chống lại những lãnh đạo thực tâm sùng bái Khổng Tử trong đó có Lưu Thiếu Kỳ. Kết quả, 60 phần trăm lãnh đạo CS các cấp bị thanh trừng qua nhiều hình thức.

Khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba, thế giới thay đổi và sẽ thay đổi một cách nhanh chóng trong thời gian tới. Sự toàn cầu hóa không chỉ diễn ra trong lãnh vực kinh tế mà cả văn hóa, xã hội. Nhân vật lịch sử cần được đánh bóng không phải là hai hồn ma CS Mao hay Đặng mà chính là Khổng Tử. Lãnh đạo Trung Cộng Hồ Cẩm Đào khi giới thiệu Khổng Tử đã ca ngợi ông ta chủ trương một “xã hội hài hòa”. Bộ máy tuyên truyền Trung Cộng in Luận Ngữ và là tác phẩm phát hành nhiều nhất ở Trung Quốc, và các ấn bản ngoại ngữ cũng được giới thiệu nhiều nơi trên thế giới.

Theo Giáo sư Gilbert Rozman thuộc khoa xã hội học, đại học Princeton, Trung Cộng “muốn thế giới nhìn vào lịch sử Trung Quốc và những vinh quang quá khứ để khuyến khích họ chấp nhận một Trung Quốc hiện nay nhiều hơn”. Phê bình quan điểm của Hồ Cẩm Đào, Giáo sư Perry Link, Ban Đông Á, đại học Princeton cho rằng có sự mâu thuẫn về căn bản là cái cách chính phủ Trung Cộng sử dụng Khổng Tử để đại diện cho văn hóa Trung Hoa hài hòa ở nước ngoài trong khi đó đảng áp dụng chính sách toàn trị hà khắc đối với người dân trong nước.

Lịch sử hình thành Viện Khổng Tử

Kế hoạch Viện Khổng Tử được chính thức ra đời vào tháng Sáu năm 2004. Sau vài lần thử nghiệm tại Uzbekistan, viện đầu tiên được khánh thành ngày 21 tháng 11 năm 2004 tại Seoul, Nam Hàn. Đến nay, 2014, đã có 480 Viện Khổng Tử rải rác khắp sáu lục địa. Lãnh đạo Trung Cộng tuyên bố vào năm 2020 con số Viện Khổng Tử sẽ lên đến một ngàn viện.

So với Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) được thành lập 131 năm trước, con số một ngàn đầy tham vọng và cấp bách của Trung Cộng rõ ràng không phải chỉ thuần mục đích văn hóa. Tạp chí The Economist nhận xét Viện Khổng Tử chỉ là “cơ quan nhà nước” CS và do đó chấp hành một cách nghiêm chỉnh các chủ trương của đảng. Với điều kiện thông tin ngày ngay, nhận xét của tạp chí The Economist có thể kiểm chứng một cách dễ dàng.

Các chức năng mặt nổi của Viện Khổng Tử

Theo tài liệu chính thức, Viện Khổng Tử là bộ phận của Hán Ban (汉办) “một cơ quan của Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, một tổ chức không lợi nhuận, phi chính phủ, liên kết với Bộ Giáo Dục Trung Quốc” Nhiệm vụ công khai của Viện Khổng Tử là “giảng dạy Hoa ngữ ” và “đóng góp vào sự thành hình một thế giới đa dạng và hài hòa”.

Hán Ban, về cơ cấu trực thuộc Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, trong thực tế chẳng phải phi lợi nhuận, tự trị gì mà do một lãnh đạo CS cấp trung ương điều hành. Chủ tịch Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ là bà Chen Zhili. Bà Chen sinh tháng 11 năm 1942, nguyên Cố Vấn Nhà Nước kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục Trung Cộng. Bà gia nhập đảng CSTQ năm 1961. Nguyên là Bí Thư đảng bộ Ban Khoa Học Kỹ Thuật Thượng Hải, sau đó được thăng cấp giữ chức Giám Đốc Ban Tuyên Truyền Thượng Hải kiêm Phó Bí Thư Ban Chấp Hành Đảng Bộ Thượng Hải. Từ năm 2008 bà Chen là Phó Chủ Tịch Quốc Hội Trung Cộng. Về cấp bậc đảng, bà Chen là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSTQ tại các đại hội 15, 16, 17 đảng CSTQ. Tổng giám đốc hiện nay của Hán Ban là bà Xu Lin, cấp thứ trưởng trong chính phủ, thành viên của Hội Đồng Nhà Nước và ủy viên Hội Đồng Tham Vấn Chính Trị. Điều đó cho thấy cả hai lãnh đạo Viện Khổng Tử đều là cán bộ tuyên truyền cao cấp chứ chẳng thuần túy văn hóa, ngôn ngữ gì.

Về tài chánh, theo Chinadigitaltimes, Viện Khổng Tử được sử dụng một ngân sách rất cao lên đến nhiều tỉ yuan và website của Viện Khổng Tử cũng được xếp vào một trong những website tốn kém nhất tại Trung Cộng. Bà Chen Zhili ra ngoại quốc được quyền sử dụng tiền bạc một cách rộng rãi so với các ngân sách giáo dục khác. Mặc dù rất ngạc nhiên trước thái độ yểm trợ tài chánh dồi dào của Trung Cộng, nhiều đại học quốc tế, kể cả Mỹ, cần tiền bảo trợ cho các chương trình Hoa Ngữ nên cũng không khó khăn lắm trong việc chấp nhận sự thành lập Viện Khổng Tử.

Các chức năng mặt chìm của Viện Khổng Tử

- Thực hiện chủ trương tuyên truyền “sức mạnh mềm”: Theo Giáo sư Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm được định nghĩa như là khả năng đạt được mục tiêu bằng ảnh hưởng, hợp tác với đối phương thay vì ép buộc đối phương phải tuân hành. Người viết đã phân tích chi tiết trong bài Từ Hồ Cẩm Đào đến Obama, bài học về chính sách Sức mạnh mềm (Soft power).

Joseph Nye Jr. tóm tắt quan điểm này trong tác phẩm Sức mạnh Mềm: Phương tiện để Thành công trong Chính trị Thế giới (Soft Power: The Means to Success in World Politics): “Một quốc gia có thể đạt được kết quả mong muốn trong chính trị thế giới bởi vì các quốc gia khác – khâm phục giá trị của nó, tích cực noi gương các thành tựu nó đạt được, khát vọng để đạt đến mức độ thịnh vượng và mở rộng của nó, muốn theo chân nó. Trong ý nghĩa đó, quan trọng là đặt ra một nghị trình và thu hút các quốc gia khác trong chính trị thế giới, và không chỉ buộc họ thay đổi bằng các đe dọa quân sự hay trừng phạt kinh tế.

Cũng theo Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm của một quốc gia đặt trên ba nguồn: văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại. Áp dụng chính sách sức mạnh mềm trong phạm vi thế giới đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chính sách tuyên truyền quốc tế của Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo Trung Cộng hiện nay.

Trung Cộng có hai đường lối tuyền truyền tương đối độc lập gồm tuyên truyền đối nội nhằm kiểm soát nhận thức người dân và tuyên truyền đối ngoại tập trung vào việc ảnh hưởng dư luận quốc tế một cách phù hợp với chính sách đối ngoại của đảng CSTQ. Tạp chí Economist giải thích các Viện Khổng Tử được sử dụng nhằm giành được sự đồng thuận của dư luận thế giới.

Mục đích cụ thể của đường lối tuyên truyền đối ngoại gồm (1) trấn an dư luận thế giới về một Trung Cộng đe dọa, (2) bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cung ứng cho nền kinh tế tăng nhanh nhưng lãnh phí, (3) xây dựng các liên minh quốc tế và làm yếu vai trò của Đài Loan trong cộng đồng thế giới, và (4) phát huy một thế giới đa phương và giới hạn sức mạnh của Mỹ.

Khi Hồ Cẩm Đào công bố chủ trương áp dụng “sức mạnh mềm” trên thế giới đầu năm 2009, Lý Trường Xuân không giấu diếm khi cho rằng các Viện Khổng Tử là “cửa ngõ quan trọng để làm sáng danh văn hóa Trung Quốc, giúp mở rộng văn hóa Trung Quốc, đó là phần của chiến lược tuyên truyền quốc tế”.

Mặc dù luôn bào chữa là “khách quan”, “độc lập”, các vấn đề nhạy cảm như biến cố Thiên An Môn, Pháp Luân Công, Tây Tạng v.v. đều bị gạch bỏ khỏi các chương trình giảng dạy tại các Viện Khổng Tử và các học viên không được phép bàn đến các vấn đề này. Do đó, khác với nội dung do Joseph Nye phác họa, chính sách của CSTQ thực chất là một chính sách tuyên truyền và mua chuộc, tương tự như chính sách thực dân trước đây.

- Hang ổ tình báo: Trung Cộng hiện có 60 triệu Hoa Kiều sinh sống gần như tại hầu hết quốc gia trên thế giới và việc sử dụng nguồn lực của đạo quân thứ năm này để phục vụ một cách hữu hiệu đường lối đảng là một quan tâm lớn của lãnh đạo Trung Cộng.

Tờ báo có uy tín của Mỹ Forbes, trong tháng 10 2014, tố cáo một trong những trường đại học rất uy tín tại Mỹ, đại học Stanford, đã hợp tác với Trung Cộng qua trung gian Viện Khổng Tử. Ngân sách của viện do Trung Cộng tài trợ. Tác giả bài viết trên Forbes trích lời phát biểu của Arthur Waldron khi nói rằng “Viện Khổng Tử có thể đóng vai trò then chốt trong việc ảnh hưởng chính sách tình báo của Trung Cộng”.

Cũng trên Forbes, tác giả Eamonn Fingleton, chỉ trích các trường đại học Mỹ bán rẻ lương tâm trí thức qua việc im lặng trước sự kiện Thiên An Môn. Lý do, tiền của Bộ Giáo Dục Trung Cộng đổ vào các đại học này một cách ồ ạt qua cửa Viện Khổng Tử. Hiện nay có khoảng 220 ngàn sinh viên Mỹ theo học các Viện Khổng Tử. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên và nguy hiểm là các hợp đồng giữa Bộ Giáo Dục Trung Cộng và các đại học Mỹ đều phải được giữ kín.
Theo Abrice De Pierrebourg, một cựu chuyên viên ngành tình báo Pháp, nhiều “chuyên viên ngôn ngữ Trung Quốc” lại có lý lịch gốc an ninh tình báo. Chức năng của những người này không phải là giáo dục mà là kiểm soát sinh viên gốc Hoa sinh ra ở nước ngoài và đồng thời tuyển dụng tình báo để làm việc cho Trung Cộng.

Phóng viên Omid Ghoreishi của báo The Epoch Times, trong điều tra Bắc Kinh Sử Dụng Viện Khổng Tử cho mục đích Gián Điệp (Beijing Uses Confucius Institutes for Espionage) đã trích dẫn lời của Michel Juneau-Katsuya, cựu Trưởng Cơ Quan An Ninh Tình Báo đặc trách Á Châu Thái Bình Dương của chính phủ Canada rằng với kinh nghiệm nhiều chục năm của ông hoạt động trong khu vực, cho thấy Trung Cộng không ngừng nỗ lực để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác.

Cũng theo lời ông Michel Juneau-Katsuya, đương kim chủ tịch chấp hành công ty an ninh Northgate SSI và một trong những chuyên viên an ninh được trích dẫn nhiều nhất tại Canada, Viện Khổng Tử là một đe dọa đối với chính phủ và nhân dân Canada. Ông khẳng định “Có những thông tin cho thấy rõ ràng các cơ quan tình báo Tây phương đã xác định Viện Khổng Tử như hình thức của cơ quan tình báo do Trung Cộng sử dụng và cũng do Trung Cộng tuyển dụng”.

Bài báo trên The Epoch Times cũng nhắc lại lời tuyên bố của Hồ Cẩm Đào như một bằng chứng cho thấy các Viện Khổng Tử thực chất là hang ổ gián điệp. Họ Hồ phát biểu “Sau nhiều năm nỗ lực, chúng ta đã tìm ra cách để trồng cấy và chuẩn bị những người ủng hộ đảng chúng ta”. Dĩ nhiên các lãnh đạo Trung Cộng luôn bác bỏ những lời tố cáo của các chuyên viên tình báo quốc tế và uy tín như Michel Juneau-Katsuya.

Các lãnh đạo Trung Cộng hãnh diện khi nhắc đến Viện Khổng Tử như một phần của “mặt trận đoàn kết” chống kẻ thù. Nhưng kẻ thù của “mặt trận” này là ai? Không ai khác hơn là “năm nọc độc” gồm Đài Loan, Tây Tạng ly khai, thiểu số Uighurs, Falun Gong, các nhà tranh đấu dân chủ, và “thế lực thù địch Tây Phương” đứng đầu là Mỹ.

Một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố sớm muộn cũng sẽ sụp đổ

Mặc dù phát triển kinh tế nhanh trong hai chục năm qua, Trung Cộng đang đương đầu với những khó khăn khách quan về lâu dài không thể vượt qua bao gồm yếu tố dân số thặng dư và mất cân đối, y tế công cộng thiếu hụt trầm trọng, môi sinh độc hại nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ chế chính trị độc tài toàn trị, bóp nghẹt hầu hết các quyền căn bản của con người và tham nhũng đã trở thành một đặc tính trong mọi ngành, mọi cấp từ trung ương đến địa phương.

Lãnh đạo CSTQ đã và đang làm mọi cách để tồn tài bất chấp dư luận và thể diện của một đất nước có nhiều ngàn năm văn hóa.

Sự lừa dối bỉ ổi thể hiện khi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đến kiểm nghiệm điều kiện môi sinh tại Bắc Kinh vào năm 2001 trước khi chấp thuận cho Trung Cộng làm quốc gia tổ chức. Ngày trước đó, lãnh đạo Trung Cộng đã ra lịnh xịt nước xanh lên hai hàng cây dọc đường phố có đoàn xe của Ủy Ban Thế Vận chạy qua để đánh lừa họ rằng Bắc Kinh là thành phố cây xanh. Hành động này giống hệt chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ trước khi các lãnh đạo CS tỉnh Hồ Bắc cho dời các ruộng lúa ra sát đường nơi có xe lửa của Mao chạy qua để gây tượng cho Mao rằng mùa màng dư giả. Bản chất lừa dối của chế độ CS không thay đổi và một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố để tồn tại, chế độ đó sớm nay muộn rồi sẽ sụp đổ.

Trần Trung Đạo


Tham khảo:


– Mao’s China, A history of the People ‘s Republic. The Free Press, NY 1977
– The New Chinese Empire, Ross Terrill, Basic Books, 2003
– Hiến chương Phục Hưng Văn Hóa Phi Châu ( CHARTER FOR AFRICAN CULTURAL RENAISSANCE), Unesco, 2006
– Chen Zhili http://en.wikipedia.org/wiki/Chen_Zhili
– Viện Khổng Tử (http://en.wikipedia.org/wiki/Confucius_Institute)
– Confucius and the Cultural Revolution: A Study in Collective Memory, Tong Zhang và Barry Schwarz, International Journal of Politics, Culture and Society, Vol. 11, Nọ 2, 1997
– Propaganda in the People’s Republic of China, WikipediA
– List of all Confucius Institutes in the U.S. (http://confucius.gmu.edu/upload/Resources_Alphabetical-list-of-Confucius-Institutes-in-the-USA.pdf)
– Follow The (Chinese) Money: The Tiananmen Anniversary And A Scandalous Silence On U.S. Campuses (http://www.forbes.com/sites/eamonnfingleton/2014/06/01/follow-the-chinese-money-the-tienanmen-anniversary-and-a-strange-silence-on-u-s-campuses/)
– Beijing Uses Confucius Institutes for Espionage (http://www.theepochtimes.com/n3/1018292-hosting-confucius-institute-a-bad-idea-says-intelligence-veteran/)
– Joseph S. Nye, Jr. Soft Power, Hard Power and Leadership,, Harvard University, 2006










VÀI LỜI BÀN VỀ KHỔNG TỬ VÀ HỌC VIỆN KHỔNG TỬ.

Hai hôm nay, nhiều bạn facebook tag tôi vào những stt xoay quanh việc Học viện Khổng Tử đầu tiên được đặt tại một trường đại học của Việt Nam. Cá nhân tôi, tôi không ủng hộ việc này. Bởi như nhiều người đã tìm hiểu, Học viện Khổng Tử không đơn thuần nhằm “quảng bá tiếng Trung Quốc”. Ở Âu Mỹ, các học viện này đã có những hoạt động như đả phá Pháp luân công, kỳ thị tín ngưỡng (Đại học McMaster, Canada), cổ động sinh viên ủng hộ Trung Quốc trấn áp Tây Tạng (Đại học Waterloo, Canada), không cho sinh viên talk về vấn đề Tây Tạng, hạn chế ngôn luận (Đại học Chicago, Mỹ) v.v. Đó cũng chính là nguyên nhân chính khiến một loạt các nước Âu Mỹ tẩy chay học viện này.
Hiện nay, xét riêng số HVKT đặt tại các trường đại học trong khu vực, Hàn Quốc có 17 viện, Nhật Bản có 13, Thái Lan có 12, Indonesia có 7, Philipine có 3, Singapore có 2. Đây là lần đầu tiên, HVKT đặt tại Việt Nam. Mặc cho những phản ứng muôn hình muôn vẻ của trí thức, trí ngủ trong ngoài nước, đây là câu chuyện đã rồi, và là câu chuyện trên bàn tròn của những người anh em cộng sản hai nước. Việc thiết thực có thể làm hiện nay là theo dõi sát sao động tĩnh của học viện này, và phản ứng kịp thời khi nó có những hoạt động can thiệp nằm ngoài bổn phận.

Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý mấy điểm dưới đây, hầu mong những người phản đối HVKT hiểu rõ hơn mình đang phản đối thứ gì, tư tưởng gì.

1. Khổng Tử của đời thật và Khổng Tử sau khi bị các chính thể lợi dụng.
Bản thân Khổng Tử là người chính trực, nghiêm túc, kiên trì đến độ đáng thương, “biết đạo không thể thi hành mà vẫn làm”. Ông ta không được trọng dụng ngay khi còn sống. Trong bối cảnh văn hóa suy đồi, chính trị băng hoại thời Xuân Thu, tinh thần chấn hưng lễ nghĩa, quảng bá học thuật của Khổng đã khiến ông nửa đời lang bạt các nước như ‘con chó mất nhà’ theo cách ví của Tư Mã Thiên. Vào thời Hán, lần đầu tiên, đạo Khổng được trọng dụng. Nhưng tư tưởng nguyên sơ của Khổng đã bị uốn bẻ theo những cách thức khác nhau, trải qua các triều đại khác nhau. Hán Nho khác Đường Nho, Tống Nho, Minh Nho... Tương tự, tư tưởng Nho giáo trải qua các triều Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn tại Việt Nam cũng không đồng nhất. Có một Khổng Tử của đời thật, nhưng có nhiều Khổng Tử của các chính thể lợi dụng. Tư tưởng của Khổng có nhiều điều hay, cũng có nhiều hạn chế. Nhưng trước khi hiểu rõ con người, tư tưởng Khổng thì đừng vì phản đối HVKT mà vội quy chụp tư tưởng đó là thứ “bốc mùi”, gọi Khổng Tử là “thằng Confucius”!
Chính quyền Trung Quốc tiến hành cách mạng văn hóa vào những năm 1966. Trong thời kỳ này, tư tưởng Khổng bị lên án gay gắt. Tượng Khổng trong Khổng Miếu Sơn Đông bị dán lên dòng chữ THẰNG KHỐN NẠN HÀNG ĐẦU, rồi bị kéo đổ, đập nát. Hồng vệ binh định đào mả Khổng, nhưng nhanh chóng bị can ngăn. Và giờ đây, khi nền chính trị, tư tưởng của Trung Cộng không đủ sức hút đối với thế giới, càng không phải giá trị phổ quát. Họ bám víu và giương chiêu bài quảng bá văn hóa; họ dùng Khổng Tử làm công cụ chính trị. Bởi vậy đừng nghĩ đơn giản rằng, HVKT là nơi truyền bá đạo Khổng. Trung Cộng không có tư cách đó.

2. Văn hóa Trung Hoa và chính quyền Trung Quốc.
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng lan tỏa của văn hóa Trung Hoa trong quá khứ đối với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tạm không bàn đến bản quyền của các thành tố văn hóa tương đồng giữa Trung – Hàn – Việt. Bằng vào những tư liệu hiện có, có thể thấy các chính thể quân chủ Việt Nam đã từng chủ động sử dụng Hán văn làm ngôn ngữ hành chính, thi cử, sáng tác văn học, từng châm chước chế độ lễ nghi, áo mũ, phong tục của các triều đại Trung Hoa; từng tự phụ là ‘cõi văn hiến không kém Trung Quốc’; và khi Trung Quốc bị cai trị bởi những tộc người Mãn, Mông, lại tự nhận là quốc gia gìn giữ văn minh Hoa Hạ chính thống. Bất kỳ thứ văn hóa ngoại lai nào khi được du nhập vào dị vực đều bị bản địa hóa, bởi vậy khi văn hóa Hán đã hòa vào văn hóa Việt, trở thành một phần của văn hóa Việt thì đừng vì ghét Trung Cộng mà quay lại cầm dao tự xẻo thịt mình!
Sau Cách mạng văn hóa, văn hóa Trung Quốc đã xuống dốc. Trí thức Trung Quốc đương đại lưu truyền câu nói “sau Tống không còn Trung Quốc, sau Minh không còn Hoa Hạ, sau Mãn không còn Hán tộc, sau Cách mạng văn hóa không còn đạo đức”. Và trong mắt tôi, văn hóa Trung Quốc đương đại là một sản phẩm què quặt. Bởi vậy, hãy nhìn nhận cho rõ thứ văn hóa Trung Cộng quảng bá là văn hóa gì, tư tưởng gì, đừng tóm tất cả mọi thứ vào một khái niệm đơn nhất là ‘văn hóa Tàu’!

3. Tiếng phổ thông Trung Quốc và ngữ văn Hán Nôm.
Hiển nhiên, nội dung quảng bá của HVKT là tiếng phổ thông Trung Quốc, tức thứ ngôn ngữ sống, lấy ngữ âm phương Bắc làm chuẩn, sử dụng bộ văn tự đã được giản lược sau năm 1949. Còn ngữ văn Hán Nôm là một thứ ngôn ngữ chết (tử ngữ), được người Việt Nam sử dụng để ghi chép, thi cử v.v. trước thế kỷ 20.
Chữ Hán được sử dụng tại Việt Nam ngót 2000 năm. Trong quá trình du nhập, truyền bá, cho đến ngày hôm nay, người Việt có một hệ thống cách đọc chữ Hán riêng biệt (thiên địa, nhật nguyệt v.v. thay vì /tian di/, /ri yue/). Nhiều chữ Hán được người Việt viết theo lối riêng, có những kết cấu, hình thể riêng, tương tự như trường hợp chữ Hán của Nhật Bản. Vào khoảng thời Lý Trần, người Việt mượn cách đọc của chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, tạo ra một hệ thống chữ mới gọi là chữ Nôm. Về ngữ pháp, người Việt cũng như người Trung, Hàn, Nhật trước đây sử dụng ngữ pháp Hán văn cổ đại (một thứ tử ngữ) để ghi chép, sáng tác văn học. Văn tự Hán Nôm được diên dụng ở miền Bắc đến năm 1956 trước khi Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến hành cải cách giáo dục, và tại miền Nam đến năm 1975 trước khi Việt Nam cộng hòa diệt quốc.
Học tiếng Trung hiện đại chắc chắn không thể đọc hiểu hoành phi, câu đối, sách vở do người Việt trước thời Nguyễn viết. Còn trong bối cảnh hiện đại, nếu học một lượng chữ Hán Nôm cơ bản, có thể hiểu sâu hơn về tiếng Việt. Bởi vậy, khi phản đối HVKT thì đừng bài xích văn tự Hán Nôm, đừng coi nó là thứ chữ lạ, và đừng nâng cao quan điểm rằng, một ngàn năm Bắc thuộc mới sắp bắt đầu, Việt Nam sẽ quay trở lại dùng chữ Hán. Cần phải hiểu rõ, chữ Hán là chữ Hán nào. Hán của người Việt hay Hán của Trung Cộng.
Việc thoát Trung là thoát ở sự lệ thuộc chính trị, kinh tế, ở những thứ văn hóa thô bỉ, quê mùa tập nhiễm từ Trung Quốc đương đại, chứ không phải tẩy chay bất kỳ nét văn hóa hay đẹp nào chỉ cần biết nó có nguồn gốc Tàu!

Chú thích ảnh (từ trên xuống dưới, trái qua phải):
1. Hình tượng Khổng Tử của Trung Quốc thời Minh.
2. Hình tượng Khổng Tử của Việt Nam thời Lê.
3. Hình tượng Khổng Tử của Hàn Quốc thời Joseon.
4. Hình tượng Khổng Tử của Nhật Bản thời Edo.
5. Hình tượng Khổng Tử của Việt Nam cộng hòa đặt tại Miếu Khổng Thánh (chụp năm 1969), nay là đền Hùng trong Thảo cầm viên, Sài gòn. Pho tượng đã bị di dời.
6. Tượng Khổng Tử tại Khổng Miếu Sơn Đông bị dán lên dòng chữ Thằng khốn nạn hàng đầu, trong thời Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976).
7. Tượng Khổng Tử đặt tại Thiên An môn năm 2011, bị di dời chỉ sau 100 ngày.
8. Biếm họa chân dung Khổng Tử sau khi bị chính quyền Trung Cộng lợi dụng để dựng lên Học viện Khổng Tử.
 

Viện Khổng Tử ở Việt Nam - Nguyễn Văn Tuấn

                                                               GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc)

Hôm nay, đọc được một tin mà không biết nên mừng hay buồn, có lẽ quan tâm thì đúng hơn. Đó là bản tin về Viện Khổng Tử được khánh thành ở ĐH Hà Nội. Thật ra, nhìn bề ngoài thì chẳng có gì phải quan tâm, vì từ ngày Tàu bắt đầu khá lên, họ “rải” Viện Khổng Tử khắp thế giới. Ở Úc này, các đại học lớn đều có Viện Khổng Tử, do Chính phủ Tàu tài trợ và có lẽ dính dáng vào việc điều hành. Nhưng ở Việt Nam thì khác, vì chúng ta có một mối liên hệ lâu dài và bão táp với cái nước khổng lồ ở phương Bắc đó. Nói xa không qua nói gần: chúng ta đã từng bị lệ thuộc (có người dùng chữ “nô lệ”) vào Tàu đã quá lâu, sự hiện diện của Viện Khổng Tử có lẽ mở thêm một cánh cửa để Việt Nam lọt vào quĩ đạo lệ thuộc hơn nữa vào Tàu. Và, trong lúc chúng ta đang muốn “thoát Trung”, Viện Khổng Tử là một bước lùi. Nhìn như thế, việc lập Viện Khổng Tử ở Hà Nội cũng là một tin buồn.

Tôi không am hiểu về Nho Giáo và Khổng Tử, nhưng có đọc khá nhiều sách về ông, nên chỉ muốn nhân dịp này góp vài lời “mua vui cũng được một vài trống canh”. Dĩ nhiên, tôi cũng sẽ nói qua suy nghĩ của mình về sự hiện diện của Viện Khổng Tử ở VN. Nói đến Khổng Tử và Khổng Giáo là đề tài quá lớn, chẳng ai dám nói mình am hiểu, nên tôi chỉ có thể nói theo cách hiểu của tôi. Tôi sẽ bàn về con người của Khổng Tử, học thuyết (nếu có thể dùng chữ đó) của ông, và tại sao Tàu muốn quảng bá viện Khổng Tử.
Một con người máy móc
Cuộc đời của Khổng Tử cũng rất thú vị, nhưng nếu đọc kĩ thì hình như ông chẳng có đóng góp gì quan trọng lắm. Ông tên là Khổng Khâu, sinh năm 551 trước Công Nguyên, ở nước Lỗ, trong một gia đình [nói theo ngôn ngữ thời nay] là trung lưu vì ba của ông là một vị quan thuộc nước Lỗ. Tuy ông được người đời sau tôn thành “Vạn thế Sư biểu” (Bậc thầy của muôn đời), nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông nếu được soi rọi kĩ thì không hẳn xứng đáng với danh hiệu đó. Nói chính xác, ông là một … thầy cúng. Theo sử sách để lại, năm 19 hay 20 tuổi, ông ra làm quan, chuyên nghề thu thuế. Sau đó, ông được giao việc chăm sóc các con vật dùng vào cúng tế.
Có lẽ chính vì cái xuất thân này mà ông rất quan tâm đến thủ tục cúng tế. Có lẽ vì xuất thân là người thu thuế, kế toán, nên ông rất quan tâm đến sự chính xác. Ông sống như kẻ trưởng giả, suốt đời từ cách ăn uống, cách mặc, cách đi đứng, cách cư xử, lúc nào cũng theo qui ước. Sách Luận Ngữ viết rằng ông chỉ ăn thức ăn nấu thật chín, món ăn phải theo mùa, lượng rau và thịt không thay đổi. Ông cũng uống rượu nhưng không bao giờ để cho say xỉn. Ăn mặc thì không mặc quần áo màu mè, lễ phục thì cánh tay mặt phải dài hơn cánh tay trái, quần áo ngủ phải dài hơn quần áo ban ngày nửa thước. Còn nói thì nói chậm, và không dùng ngón tay để chỉ một vật gì. Trong triều đình cung cách của Khổng Tử là “thượng đội hạ đạp”. Đối với các quan cấp dưới thì ông tỏ ra cứng cỏi, còn đối với các quan cấp cao hơn thì uyển chuyển. Đó là chân dung của một người rất máy móc, cứng nhắc, và sống theo qui ước cho chính ông đặt ra.
Không được trọng dụng
Thời thanh niên và trung niên, Khổng Tử không được trọng dụng vì ông chẳng có đóng góp gì quan trọng. Ông lưu lạc rất nhiều nước, nhưng chẳng có vua chúa nào trọng dụng tài của ông. Cuối cùng ông về nước Lỗ và mở trường dạy học. Nên nhớ rằng thời đó, chỉ có triều đình và những “hiền nhân” mới có quyền mở trường dạy học. Nhờ trường của Khổng Tử mà nhiều môn đồ sau này làm lớn trong triều đình. Ông đào tạo khoảng 3000 môn đồ. Nghe nói công lớn của ông là làm cho khoảng cách giữa người “quân tử” và “tiểu nhân” ngắn hơn, nhưng có người cho rằng đó là một ảnh hưởng vô ý thức, vì trong thâm tâm ông không muốn vậy. Theo sách vở để lại, ông xem kẻ tiểu nhân không đáng được kính trọng, không cần nể nang (giống như Francis Galton bên Anh).
Khổng Tử được tôn xưng là một nhà đạo đức, nhưng “đạo đức” ở đây có nghĩa là ông làm đúng nghi lễ, chứ không hẳn là có đạo cao đức trọng. Ông dạy môn đồ phải trung thực, giữ tín nghĩa với bạn bè, phải phụng dưỡng cha mẹ, giúp người già sống yên ổn, yêu trẻ thơ. Đó thật ra là những chuẩn mực chung thời đó của người Á Đông. Nhưng Khổng Tử không có tầm vóc “global” của Phật Thích Ca hay Chúa Jesus, những người có khả năng xây dựng hẳn một nền triết lí và đạo đức học để cứu rỗi thiên hạ. Thậm chí, ông còn kém hơn Gandhi một bậc.
Ông cũng có vẻ rất thích tự xem mình làm việc của thánh. Ông từng nói rằng “Bảo ta là thánh thì ta không dám, nhưng ta làm việc thánh không biết chán, dạy người không biết mỏi.” Ông cũng khá tự tin về tài năng của mình. Ông từng phán rằng vua chúa nào mà biết trọng dụng ông thì chỉ một năm ông sẽ làm cho nước đó khá lên, 3 năm là sẽ thành công. Nhưng trong thực tế, chẳng vua chúa nào tin dùng ông cả. Chứng cứ cho thấy ông làm quan nước Lỗ gần 10 năm mà nước này có khá lên đâu. Khổng Tử chủ trương tập trung quyền lực vào vua chúa, không cho các đại thần tham chính. Chính vì thế mà các đại thần rất ghét Khổng Tử, họ khuyên vua chúa nên xa lánh ông quân sư này.
Có thể nói rằng Khổng Tử là người thích làm quan cầu vinh và … trốn thực tế. Ông khuyên người quân tử nên mưu tìm học đạo chứ đừng quan tâm đến miếng cơm manh áo. Lí do, theo ông, học đạo thì sẽ ra làm quan, vinh danh phú quí. Làm quan thì ắt sẽ có miếng ăn. Khi đã làm quan, ông khuyên rằng nước nào thịnh thì tìm đến xin làm quan, còn nước nào khó khăn thì bỏ đi. Ông cũng khuyên rằng nước lâm nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở. Cái triết lí này cũng từng được nho sĩ Nguyễn Khuyến áp dụng triệt để. Khi nước mất về tay người Pháp, ông lui về ở ẩn để ngâm vịnh thơ ca, chứ chẳng có đóng góp gì đáng chú ý.
Học thuyết của Khổng Tử
Cũng như các “học thuyết” thời xưa, những gì Khổng Tử để lại chẳng là bao nếu so với tiêu chuẩn hiện nay. Tác phẩm của ông là Tứ Thư và Ngũ Kinh. Nếu gộp lại thì chắc độ 300 trang. Ấy thế mà suốt đời này sang đời khác, người ta lải nhải nhắc đến những sách này như là “học thuyết”!
Nếu hỏi một người bình thường, hay ngay cả một bậc trí giả, rằng Khổng Giáo dạy cái gì, thì chắc chắn họ sẽ lúng túng. Có thể họ sẽ kể ra đó là triết lí trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhưng đó là những giá trị thì đúng hơn, và những giá trị đó cũng mập mờ, chứ không được phát triển thành hệ thống triết học như phương Tây. Tuy nhiên, có thể nói rằng Khổng Giáo dựa trên “tam cương, ngũ thường”. Tam cương là 3 bổn phận của kẻ sĩ: trung với vua, hiếu với cha mẹ, chung thủy với vợ. Ngũ thường thì vẫn được coi là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Về sau, Khổng Giáo còn được bổ sung thêm các giá trị dành cho phụ nữ: tam tòng, tứ đức. Tam tòng là ba sự phục tùng mà người đàn bà phải tuân thủ: lúc còn con gái thì phải phục tùng cha, lấy chồng thì phải phục tùng chồng, chồng chết thì phải phục tùng con. Tứ đức là bốn đức tính người đàn bà phải rèn luỵện, đó là công, dung, ngôn, hạnh (khéo tay, có nhan sắc, ăn nói tốt, và hạnh kiểm tốt). Khổng Giáo cũng rất quan tâm đến một giá trị đặc biệt: đó là chữ trinh tiết của người phụ nữ.
Cần phải nói rằng Khổng Tử đề ra những giá trị đó một cách … khơi khơi. Ông chẳng đưa ra được chứng cứ gì có hệ thống, chẳng thèm phân tích lí lẽ. Ông chẳng chứng minh bằng logic hay biện luận như triết gia phương Tây. Ông chỉ phán chung chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Còn các giá trị ông đề ra cho phụ nữ phải nói là lạc hậu (so với ngày nay). Những giá trị đó còn hạ thấp vai trò của người phụ nữ, xem họ như là vật dụng. Thật là vô lí khi đòi hỏi người phụ nữ phải phục tùng chồng con! Còn đòi hỏi trinh tiết như là một giá trị có người xem là … đểu cáng. Chúng ta còn nhớ chuyện anh chàng Chử Đồng Tử bị công chúa nhìn thấy trần truồng trong lúc tắm, và thế là nàng ta xem mình bị … mất trinh. Đã thế còn phải cưới anh ta làm chồng. Phải nói là hài hước đến độ khó tin! Ngày nay, những giá trị đó của Khổng Tử không thể áp dụng được vì đó là một hệ giá trị quái đản.
Giá trị “nhân” không được ông định nghĩa đàng hoàng. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử viết rằng nhân là người trí thì thích nước, người nhân thì thích núi, người trí thì động còn người nhân thì tĩnh. Chẳng ai hiểu ông định nghĩa gì. Chữ “lễ” của Khổng Giáo cũng là một sự mập mờ và dễ gây hiểu lầm. Luận Ngữ xem lễ chỉ là nghi thức và hình thức cúng bái và ứng xử với vua chúa ra sao. Cũng xin nói thêm rằng hiện nay ở VN có phong trào “tiên học lễ hậu học văn”, nhưng đây là một “áp dụng” sai. Như đề cập, lễ ở đây có nghĩa là nghi thức (học quì, lạy, cúi đầu). Như vậy nói “tiên học lễ, hậu học văn” là rất ngược đời.
Nhà văn Bá Dương (người Tàu) là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Người Trung Quốc Xấu Xí” vạch ra những cái xấu của người Tàu và văn hoá Tàu. Trong sách, ông xem Khổng Giáo là một hũ tương đặc sệt. Nhưng có người xem nó còn tệ hơn một hũ tương, vì Khổng Giáo còn đề cập đến quỉ thần, phục tùng vua chúa, đặt ra những qui ước ăn ở trong gia đình, tu thân, v.v. Ông Nguyễn Gia Kiểng xem Khổng Giáo là một “hũ mắm thập cẩm, thịt có, cá có, tôm có, mà rau cũng có. Mỗi người nếm nói một cách riêng, người thì bảo là thịt, người thì nói là cá, người lại nói là tôm. Ai cũng đúng cả mà cũng chẳng ai đúng cả. Cho nên có người nói Nho Giáo là hệ thống chính trị, có người nói đó là một triết lí và cũng có người coi nó là đạo lí.”
Tại sao Tàu muốn vực dậy Khổng Tử
Quan điểm của Khổng Tử được các chế độ toàn trị và quân chủ chuyên chế rất thích. Ông kêu gọi tôn quân, phân biệt người quân tử và bậc tiểu nhân, những điều rất phù hợp với quan điểm các chế độ toàn trị. Ông quan niệm rằng “quân tử học đạo tác ái nhân, tiểu nhân học đạo tạc đi sử giả” (người quân tử mà có đạo thì yêu người, còn kẻ tiểu nhân mà có đạo thì dễ sai bảo). Ông còn nói “quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo” (kẻ quân tử có dũng khí mà không có nghĩa thì là kẻ loạn, kẻ tiểu nhân có dũng mà không có nghĩa thì đi ăn trộm). Cũng giống như trong chế độ toàn trị, kẻ làm quan hay cán bộ được xem là “cao thượng”, còn dân chúng là hạng thấp kém, hèn hạ, cần phải được rèn luyện và giáo dục. Có lẽ vì thế mà các chế độ này rất tôn kính ông như là một bậc thánh.
Có vài đặc điểm về Khổng Giáo mà giới toàn trị rất ưa thích. Thứ nhất là tinh thần thủ cựu, bảo thủ. Khổng Tử, như tôi mô tả trên, là người rất tôn trọng nghi thức (ông gọi là “lễ”), suốt năm này sang năm khác, ông chỉ lặp lại những nghi thức, lễ giáo ông đặt ra. Không sáng tạo cái gì mới, thậm chí còn thù ghét cái mới. Thứ hai là thiếu tính khoan dung và độc quyền chân lí. Các giá trị mà Khổng Tử truyền bá là qua áp đặt chứ không qua thuyết phục. Ông không muốn có một chân lí khác ngoài chân lí của ông. Thứ ba là tính sùng bái cá nhân, sùng bái cấp trên một cách bệnh hoạn. Đặc điểm thứ ba này cũng rất phù hợp với quan điểm của các chế độ quân chủ và toàn trị, vì họ thích dựng lên những cá nhân bán thần thánh.
Nhìn như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đảng cộng sản Tàu muốn vực dậy Khổng Tử. Nên nhớ rằng trước đây Mao Trạch Đông rất ghét Khổng Tử, ông nhìn thấy mấy nhà thờ Khổng Tử là muốn đốt! Có lẽ một phần là do mặc cảm, vì Mao xuất thân là kẻ thất học? Nhưng trong thời đại mới, Tàu có lẽ tìm thấy vài điều hay ho từ Khổng Tử và muốn quảng bá ra ngoài. Do đó, họ đã đầu tư rất nhiều cho viện Khổng Tử. Đã có hơn 300 viện Khổng Tử mọc lên từ nhiều đại học trên thế giới, phần lớn là Phi châu.
Thật ra, Viện Khổng Tử không hẳn quảng bá những lời dạy của Khổng Tử, mà quảng bá hình ảnh của một nước Tàu thời hậu Mao. Ngoài ra, còn có nhiều thông tin, kể cả thông tin từ các giáo sư bên Tàu, cho biết các viện Khổng Tử ở nước ngoài là những ổ gián điệp, nơi mà Tàu thu thập thông tin tình báo. Ngay cả những “giáo sư thỉnh giảng” được Tàu gửi sang các viện Khổng Tử cũng là tình báo. Chẳng ai ngạc nhiên vì một chế độ với bản chất lừa dối như Tàu nếu họ khoác mặt nạ học thuật cho một cơ sở tình báo và tuyên truyền.
Giới chính trị Tàu xem Viện Khổng Tử như là một loại “quyền lực mềm” (soft power). Họ muốn bắt chước Đức, Mĩ, Anh, Pháp, v.v. bằng hình thức quảng bá văn hoá ra ngoài. Nhưng họ quen thói độc quyền tư tưởng, nên sự hiện diện của các viện Khổng Tử là một đe doạ đến tự do học thuật. Thật vậy, một hiệp hội giáo sư Mĩ đã đồng thanh lên tiếng tẩy chay các viện Khổng Tử ở Mĩ vì họ xem viện Khổng Tử là một công cụ tuyên truyền của nhà nước Tàu cộng sản, và tuyên truyền thì không tôn trọng tự do học thuật. Hồ Cẩm Đào chẳng dấu giếm gì về ý đồ tuyên truyền khi ông nói rằng viện Khổng Tử là “cửa ngõ quan trọng để làm sáng danh văn hóa Trung Quốc, giúp mở rộng văn hóa Trung Quốc, đó là phần của chiến lược tuyên truyền quốc tế”. Một số trường đại học bên Mĩ đã từ chối viện Khổng Tử. Nhưng giới trí thức ở VN thì không có cái may mắn có tiếng nói như đồng nghiệp bên Mĩ.
Trong 1000 năm Tàu đô hộ Việt Nam, Tàu không hề xây dựng một lăng miếu Khổng Tử nào cả. Có lẽ đó là chính sách ngu dân của Tàu thời đó. Ấy thế mà ngày nay họ trịnh trọng đem cái viện Khổng Tử đó sang Việt Nam! Nhưng chúng ta có muốn học cái văn hoá “hũ tương” của Tàu? Ngày xưa, có người như Phan Kế Bính, một học giả xuất chúng, rất sùng ái Khổng Tử. Trong một tranh luận với Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính viết rằng: “Đạo lí là đạo lí Khổng Mạnh. Như vậy phải chăng các dân tộc không biết tới Khổng Mạnh là những dân tộc không có đạo đức?” Kinh chưa! Nhưng ngày nay, chúng ta thấy Tàu chẳng có cái gì để chúng ta học cả. Chính quyền Tàu đem đến VN toàn những rủi ro, độc hại, và nguy cơ. Người Nhật, người Hàn đã thoát Tàu và đã đạt thịnh vượng. Không có lí do gì để chúng ta phải du nhập những giá trị “hũ tương”, “hũ mắm thập cẩm” đó để kìm hãm sự phát triển của dân tộc và đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét