Cuối tháng 3 năm 2013 dân cư mạng bỗng xôn xao về việc Báo
Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), báo Nhân dân (Cơ quan Trung ương của ĐCSVN),
trang VOV Online (Đài Tiếng nói Việt Nam) cùng nhiều báo chí và trang mạng "lề
phải", như Tiền phong, Tuổi trẻ, Văn nghệ Quân đội, Vietnamnet… đồng
loạt viết "Hiếp pháp" thay cho "Hiến pháp".
Trước đó, ngày 22 tháng 11 năm 2011, Văn phòng Chính phủ cũng gửi công văn số
8298/VPCP-PL "V/v thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng về cuộc họp trực
tuyến tổng kết Hiếp pháp". Trong hoàn cảnh Nhân dân bị áp đặt một
bản Hiến pháp trái với nguyện vọng và có hại cho phía dân, lại tạo điều kiện dễ
dãi cho bộ máy thống trị, thì cách chơi chữ này quả là ý nhị và thâm thúy.
Hai
bài "Hiến pháp 2013 – Sửa nhầm hay đổi thiệt?" và "Hiến pháp vi hiến" đã góp phần làm sáng tỏ nhận
định "… mới đạt tầm bản nháp". Bài này bổ sung thêm một
số chứng cứ. Hy vọng chúng sẽ có ích, giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn cái
sản phẩm mà họ đã nhất trí chọn làm Hiến pháp, và cũng giúp các cử tri hiểu rõ
hơn năng lực của những người mà họ đã bầu làm đại biểu cho mình.
Một
ngày không xa, chắc chắn Hiến pháp sẽ được sửa chữa lần nữa, hoặc được viết lại
từ đầu. Hy vọng những người sẽ tham gia vào công việc trọng đại ấy đọc kỹ mấy
bài viết này, để rút kinh nghiệm mà khắc phục một số chứng bệnh kinh niên, thường
mắc phải trong các Hiến pháp của chế độ đương thời.
Để
dễ theo dõi, bài này được cấu trúc theo kiểu phân loại "chứng bệnh"
mắc phải. Đó là các chứng "tất định" (phần 1), "lắm lời"
(phần 2), "ít chữ" (phần 3), "tuyên giáo" (phần
4), "lan man" (phần 5), "đại ngôn" (phần 6), "bất
chấp" (phần 7), và "vu vơ" (phần 8).
Bài
này khá dài. Chẳng phải vì người viết quá tham lam, ôm đồm, không biết chọn lọc,
mà do tâm lý "dọn vườn": Đã phải xắn tay lên dọn cỏ,
thì chẳng nỡ dừng tay khi mảnh vườn vẫn còn um tùm cỏ dại. Dù đã cố gắng chọn
cách trình bày, nhưng bài viết không tránh khỏi rời rạc, khô khan, vì phải đề cập
đến nhiều nội dung tẻ nhạt. Mong bạn đọc dành thời gian và kiên trì đọc đến cuối,
đặc biệt là những người quan tâm, muốn hiểu rõ hơn thực trạng của bản Hiến pháp
đang chi phối cuộc sống của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
1. Chứng "Tất định"
Trên
đỉnh cao quyền lực, các nhà độc tài dễ mắc chứng "tứ tưởng":
Tưởng quyền lực của mình vô biên, bao trùm thiên hạ, và tưởng
dân chúng thuộc quyền sở hữu của họ, nên luôn phải ngoan ngoãn, tuân thủ vô
điều kiện mọi mệnh lệnh mà họ ban ra. Tưởng trí tuệ của mình
cao ngất trời, và tưởng hiểu biết của dân chúng chỉ thấp lè tè
ngọn cỏ. Do đó, làm người thế nào, sử dụng quyền con người ra sao,
thì muôn dân đều phải đợi nhà cầm quyền cho phép và hướng dẫn thực hiện. Cũng
vì vậy nên nhiễm phải chứng "tất định", nghiện đem tất
cả mọi thứ ra để quy định hay định nghĩa, rồi coi
đó là chuẩn mực, khuôn phép, và áp đặt lên toàn dân. Buồn thay, chuẩn mực mà
thường phi lý, cứ sai hoài sai mãi…
1.1.
Một
biểu hiện của chứng hoang tưởng quyền lực, coi thường người dân, là không
chịu thừa nhận quyền con người thuộc phạm trù đương nhiên, như sự tồn tại của
con người, mà coi quyền con người là thứ do thế lực cầm quyền ban cho dân
chúng. Ban cho bao nhiêu thì dân chúng chỉ được hưởng bấy nhiêu, không được
đòi hỏi hay thắc mắc. Có điều, giữa thời buổi nhãn hiệu "nhà nước pháp
quyền" đã trở thành mốt, thì sự ban phát tùy ý được hợp pháp hóa thông
qua thủ thuật hiến định.
Trong các Hiến
pháp của chế độ này, từ "quyền con người" xuất hiện lần đầu
tiên và chỉ đúng một lần tại Hiến pháp 1992, nhưng không phải để thừa nhận, mà để phủ định:
Nghĩa
là "các quyền con người" không được thừa nhận như giá trị phổ
cập, mà chỉ được "thể hiện ở các quyền công dân",
và chúng cũng chỉ "được quy định trong Hiến pháp và luật".
Sang Hiến pháp 2013, từ "quyền con người" xuất hiện 9 lần,
không còn bị đồng nghĩa mà được song hành với "quyền công dân",
nhưng cả hai đều không thoát nổi số phận chỉ "được công nhận… theo Hiến pháp
và pháp luật":
Vậy
là cả những quyền con người hiển nhiên cũng không được thừa nhận, nếu không
vượt qua "cửa ải hiến định". Điều đó cho thấy chứng "tất
định" giống như một thứ bệnh ung thư đã di căn, tác động xấu tới cuộc
sống của mọi người dân.
1.2.
Một
căn nguyên khác của chứng "tất định" là bệnh ấu trĩ nghề
nghiệp trong
lĩnh vực lập hiến và lập pháp. Ấy là tưởng rằng quy định càng kỹ, càng
cụ thể thì càng chặt chẽ, càng ít bị lợi dụng. Nhưng cuộc sống quá bao la,
đến mức không một tấm lưới pháp lý nào có thể bao trùm hết mọi hoàn cảnh thực
tế, nên càng cố căng ra để phủ thì càng sơ hở, rồi kéo căng quá thì rách cả lưới.
Khi sa đà vào cụ thể, thì cũng đánh mất tính tổng quát, nên có thể trở nên
sai hoặc để sót nhiều trường hợp, và đôi khi còn dễ bị lợi dụng hơn. Chẳng
hạn, Điều 153 Bộ luật hình sự số 15/1999/AH10 quy định về "Tội buôn
lậu", nhưng chỉ đề cập đến hành vi "buôn bán trái phép qua
biên giới". Khi đã viết cụ thể "qua biên giới",
thì không thể coi "buôn bán trái phép" trong nội địa Việt Nam
là phạm "tội buôn lậu" (theo Điều 153) nữa. Vậy thì cứ việc "buôn
bán trái phép", nhưng tránh vượt "qua biên giới" là thoát
được tội này, mặc dù buôn bán
hàng cấm hoặc hàng trốn thuế (kể cả trong nội địa) thường được coi là "buôn
lậu".
1.3.
Khi đã nghiện quy
định, nghiện định nghĩa, cố định nghĩa cả những thứ không cần định nghĩa, hay
không thể định nghĩa chính xác, thì khó tránh khỏi những kết quả ngây ngô. Ví
dụ đơn giản là Khoản 1 Điều 13 Hiến pháp 2013, quy định rằng:
"Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài,
nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh."
Có
thể rút ra điều gì từ đây? Khi đã viết cụ thể là "hình chữ nhật",
"chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài", và "ở giữa có
ngôi sao", thì có nghĩa các nhà lập hiến rất chú trọng chi tiết và
tính chính xác, đặc biệt là coi trọng hình dáng, tỷ lệ kích thước
và vị trí của ngôi sao. Do đó, khi đã quy định tỉ mỉ như thế, thì tỷ lệ
nào không được nhắc tới có thể coi là không quan trọng và có thể chọn tùy ý. Chẳng
hạn, nếu "hình chữ nhật" (với "chiều rộng bằng hai
phần ba chiều dài") to bằng mặt bàn và "ở giữa có ngôi
sao"… nhỏ xíu như con ruồi, thì vẫn phù hợp với mọi tiêu chuẩn được
quy định chi tiết trong Hiến pháp. Nhưng có thể coi cái thứ hợp hiến ấy là Quốc
kỳ của nước CHXHCN Việt Nam hay không? Cũng theo tiêu chuẩn hình dáng, tỷ
lệ kích thước và vị trí của ngôi sao đã được hiến định, thử hỏi có
thể chấp nhận các biến tướng của Quốc kỳ như trong Ảnh 1, Ảnh 2
và Ảnh 3 hay không? Có cần phải xử lý các tổ chức và cá nhân đã vi phạm
Hiến pháp thông qua hành vi xuyên tạc Quốc kỳ hay không?
|
Ảnh 1: Quốc kỳ hình chữ nhật,
nhưng tỷ lệ kích thước sai, với ngôi sao bị búa liềm chèn dạt sang một phía (Nguồn:
Internet)
|
|
Ảnh 2: Quốc kỳ hình… thang lõm một
cạnh, với ngôi sao theo búa liềm phiêu bạt lên trên (Nguồn: Internet)
|
|
Ảnh 3: Quốc kỳ hình… méo – Không phải
do gió bay, vì ngôi sao vẫn ngay ngắn, không bị méo theo nền cờ (Nguồn:
Internet)
|
1.4.
"Quốc huy nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm
cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ ‘Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam’."
|
|
Ảnh 4: Quốc huy hình tròn?
|
|
Vốn
dĩ, Hiến pháp 1946 không hề hiến định Quốc kỳ và Quốc huy. Hiến pháp 1959 bắt đầu hiến định chúng, đã quy định "Quốc huy…
hình tròn", nhưng không đề cập đến hình dáng và tỷ lệ kích thước của
Quốc kỳ, mà chỉ viết "ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh". Hiến pháp 1980 bổ sung thêm quy định "Quốc kỳ… hình chữ nhật,
chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài". Sau đó, nội dung hiến định "Quốc
kỳ… hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài… ở giữa có ngôi
sao" và "Quốc huy… hình tròn" được tiếp tục duy trì
trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013. Như vậy, suốt hơn nửa thế kỷ, cả 13 khóa Quốc hội
đều "kiên định lập trường" cho rằng Quốc huy như trong Ảnh 5 là
"hình tròn".
Nội
dung đơn giản như vậy mà còn hiến định sai, thì sao có thể hiến định đúng những
vấn đề phức tạp? Lỗi sơ đẳng, hiển nhiên như vậy mà còn không nhận ra, thì sao
có thể phát hiện nổi những sai sót không tầm thường trong Hiến pháp?
1.5.
"Công dân nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam."
"Người có quốc tịch Việt Nam là
công dân Việt Nam."
Sử dụng quy tắc
bắc cầu cho cặp mệnh đề trên, ta thu được "chân lý":
"Công dân nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là công dân Việt Nam."
Chỉ
"luận quẩn" những thứ hiển nhiên, để rồi tòi ra đặc sản "đèn
cù" như vậy, thì có nhất thiết phải viết vào Hiến pháp và luật hay
không?
2. Chứng "Lắm lời"
Lời
nói đầu của Hiến pháp Mỹ chỉ vẻn vẹn 52 chữ và của Hiến pháp Đức chỉ có 79 chữ. Còn ở Việt Nam, Lời nói đầu của Hiến pháp 1959 dài 1276 chữ, của Hiến pháp 1980 dài 1706 chữ và của Hiến pháp 1992 dài 532 chữ. Nghĩa là dài, rất dài, nhưng càng dài thì
càng… sai, nên chưa đầy 70 năm đã phải trải qua 5 đời Hiến pháp. Có lẽ nhận
thức được phần nào hạn chế ấy, nên Lời nói đầu của Hiến pháp 2013 đã được viết gọn hơn, chỉ còn 290 chữ. Tiến bộ ấy dễ
nhận thấy, song không có nghĩa là Hiến pháp đã khắc phục xong chứng "lắm
lời". Sau đây là mấy ví dụ về biểu hiện của hội chứng đó trong Hiến
pháp 2013.
2.1.
"Công
đoàn Việt Nam… là… tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự
nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành
viên" –
Nội dung này được hiến định đến hai lần. Lần thứ nhất tại Điều 9:
"Công đoàn Việt Nam, Hội
nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ
Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội
được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình…"
Lần thứ hai sát
ngay sau đó, tại Điều 10, với từ "người lao động"
thay cho từ "thành viên":
"Công đoàn
Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người
lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động,
chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…"
2.2.
"Cơ quan… cán
bộ, công chức, viên chức phải… chống tham nhũng, lãng phí" – Cái này được quy định tại Điều 8:
"Các cơ quan nhà nước,
cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ
Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của
Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện
quan liêu, hách dịch, cửa quyền."
Không nhất thiết
phải viết ở đó như vậy, vì nội dung "Cơ quan… cá nhân phải… chống lãng
phí… chống tham nhũng" cũng xuất hiện trong Điều 56:
"Cơ quan,
tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,
phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý
nhà nước."
Chẳng
nhẽ phải đề cập hai lần, vì Quốc hội cho rằng "các cơ quan nhà nước"
không phải là "cơ quan", và "cán bộ, công chức, viên
chức" không phải là "cá nhân", hay sao?
2.3.
Đặc biệt, chỉ
trong nội bộ Điều 58
mà ý "Nhà nước, xã hội… bảo vệ, chăm sóc sức khỏe…" đã được viết
hai lần:
"1. Nhà nước, xã hội đầu
tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện
bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào
dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế -
xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Nhà nước, xã hội và gia đình
có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế
hoạch hóa gia đình."
Chẳng
nhẽ phải viết hai lần vì Quốc hội cho rằng "người mẹ, trẻ em"
không thuộc vào "Nhân dân"?
2.4.
Và đây nữa, cùng
trong Điều 15,
Khoản 2 đã quy định:
"Mọi người
có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác."
Vậy mà Khoản 4 còn viết:
"Việc thực hiện quyền con người,
quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và
lợi ích hợp pháp của người khác."
Chẳng
nhẽ, Quốc hội cho rằng, mặc dù đã "tôn trọng quyền của người khác"
theo Khoản 2, nhưng vẫn có thể "xâm phạm quyền của người khác",
nên phải dùng Khoản 4 để quy định "không được xâm phạm quyền của
người khác", hay sao? (Xem Phụ lục I.)
Nếu cho rằng Khoản 4 Điều 15
là cần thiết, thì tại sao không bổ sung thêm vào Điều 4 Hiến pháp 2013 Khoản 4 với nội dung tương tự? Cụ thể
như sau:
"Việc thực hiện quyền lãnh đạo Nhà
nước và xã hội không được xâm phạm lợi ích Quốc gia, Dân tộc, quyền
và lợi ích hợp pháp của người dân."
Thậm chí, nên viết thêm rằng:
"Nghiêm cấm việc đặt lợi ích của
đảng lên trên lợi ích Dân tộc, vì quyền lợi của đảng mà hy sinh quyền lợi Quốc
gia."
Thực
tế chỉ ra rằng: Hiến định như vậy không thừa, mà còn hết sức cần thiết.
3. Chứng "Ít chữ"
Phải
chăng đã quen "lắm lời" thì hiến định cái gì cũng kỹ lưỡng?
Không, trái lại, khi đã tốn "lắm lời" cho những chuyện không
đâu, thì chỉ còn lại "ít chữ" cho những điều cần thiết.
"Công dân có quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực
hiện các quyền này do pháp luật quy định."
Vẻn
vẹn 33 chữ cho 3 nhóm quyền tự do quan trọng: Tự do ngôn luận, báo chí và
tiếp cận thông tin; tự do tụ họp và biểu tình; tự do lập hội.
Vốn dĩ, vào thuở
sơ khai của trình độ lập hiến, Hiến pháp 1946 (Điều 10) chỉ dành 21 chữ cho 3 nhóm quyền này,
dưới hình thức "khoán trắng", nghĩa là không kèm theo bất kỳ cam
kết hay ràng buộc nào cả. Sau đó, Hiến pháp 1959 (Điều 25) tăng lên thành 44 chữ, chủ yếu vì bổ
sung thêm cam kết:
"Nhà nước bảo đảm những điều kiện
vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó."
"… phù hợp với lợi ích của chủ
nghĩa xã hội và của nhân dân"
và
"Không ai được lợi dụng các quyền
tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân."
Đến
đời thứ tư, Hiến pháp 1992 (Điều 69) rút xuống còn 31 chữ, trong đó bỏ hẳn
cam kết "Nhà nước bảo đảm bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để
công dân được hưởng các quyền đó", và thay điều kiện "phù hợp
với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân" bằng ràng buộc "theo
quy định của pháp luật".
Việc
hủy bỏ cam kết "Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân
sử dụng các quyền đó", vốn tồn tại trong Điều 67 Hiến pháp 1980 và Điều 25 Hiến pháp 1959, không chỉ đơn thuần là khước từ
trách nhiệm của nhà cầm quyền, mà còn thể hiện quyết tâm không cho "công
dân sử dụng các quyền đó". Chính vì mưu đồ vi hiến ấy, mà họ đã
dựng lên trong Điều 69 Hiến pháp 1992 rào cản "... theo quy định
của pháp luật", rồi cố tình trì hoãn, dứt khoát không chịu ban hành
văn bản pháp luật quy định việc thực hiện, để công dân không thể thực thi các
quyền tự do. Sau khi nhận ra rào cản ấy không đủ kín về mặt pháp lý, họ đã thay
thế nó trong Điều 25 Hiến pháp 2013 bằng bức tường thành kiên cố hơn: "Việc
thực hiện các quyền này do pháp luật quy định". Tiếc thay, đi lạc nước
cờ lập hiến nên lâm vào ngõ cụt, như phân tích trong bài "Hiến pháp 2013 – Sửa nhầm hay đổi thiệt?".
Dân
gian dùng từ "xin
đểu"
để chỉ kiểu "giả vờ xin, nhưng thực chất là ngang ngược ép buộc người
khác phải cho". Phải chăng, tương tự như vậy, từ "cho
đểu" cũng phù hợp với kiểu "giả vờ cho, nhưng thực chất là ngang
ngược cản cấm người khác nhận"?
Cũng
chính vì ý đồ không cho "công dân sử dụng các quyền đó", nên
mấy quyền tự do được hiến định một cách đơn giản, mang tính chiếu lệ, và chỉ sử
dụng ít chữ. Để hiểu hơn bản chất này, ta hãy so sánh với hiến pháp của vài
nước khác.
"Quốc hội sẽ không ban hành
đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hay hạn
chế quyền tự do ngôn luận, hoặc quyền tự do báo chí, hoặc quyền
của người dân tụ họp (assemble) một cách hòa bình (peaceably) và
kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình."
Như
vậy, Hiến pháp Mỹ cũng chỉ dùng ít chữ để hiến định các quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí và tự do tụ họp. Không phải vì các nhà lập hiến Mỹ
thiếu chữ, mà vì cho rằng không cần thiết phải viết quá nhiều về những quyền
được họ quan niệm là hiển nhiên, hiển nhiên đến mức chỉ còn cần hiến định
việc cấm Quốc hội ban hành các đạo luật nhằm hạn chế các quyền đó. Mặc
dù "hào phóng" như vậy, nhưng quyền tụ họp không được "khoán
trắng" như trong Hiến pháp 1946 hay Hiến pháp 2013 của Việt Nam, mà bị
Hiến pháp Mỹ hạn chế trong khuôn khổ "tụ họp một cách hòa bình".
Đòi hỏi "tụ
họp một cách hòa bình" cũng xuất hiện cùng với điều kiện "không
mang theo vũ khí" trong Điều 8
Hiến pháp Đức,
hiến định về quyền tự do tụ họp (bao gồm cả quyền biểu tình):
"(1) Mọi người Đức đều có quyền tụ
họp một cách hòa bình và không mang theo vũ khí, mà không cần phải
trình báo hay được chuẩn y.
(2) Đối với các cuộc tụ họp ngoài
trời, quyền này có thể bị hạn chế bằng luật hoặc trên cơ sở của một luật."
Bên
cạnh đó, Hiến
pháp Đức còn dành Điều 5 để quy định về các quyền tự
do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin và Điều 9 để quy định về quyền tự do
lập hội (xem Phụ lục II). Như
vậy, để thể hiện nội dung của Điều 25 Hiến pháp 2013 (với 33 chữ) về 3 loại quyền tự do
ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin; tự do tụ họp và biểu tình;
tự do lập hội, Hiến
pháp Đức phải sử dụng Điều 5, Điều 8 và Điều 9, với tổng cộng 215 chữ tiếng
Đức và có thể dịch ra 294 chữ tiếng Việt, nghĩa là nhiều gấp gần 9 lần
so với Hiến pháp hiện hành của Việt Nam. Đấy là chưa kể Điều 18 (quy định về việc tước bỏ
quyền cơ bản nếu lợi dụng chúng để chống lại trật tự dân chủ tự do) và Điều 19 (quy định về nguyên tắc
ban hành luật hạn chế quyền cơ bản nếu hiến pháp cho phép hạn chế).
Một
ví dụ khác là điều hiến định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Trong
khi Hiến pháp Việt Nam 2013 (Điều 22) sử dụng 46 chữ cho mục đích
này, thì Hiến pháp
Đức (Điều 13)
sử dụng 334 chữ tiếng Đức, tương đương khoảng 450 chữ tiếng Việt, tức là nhiều
gấp hơn 9 lần so với Hiến pháp 2013.
Hai ví dụ trên cho
thấy Hiến pháp 2013 dành rất ít chữ để hiến định quyền con người,
quyền công dân. Tại sao?
Phải chăng là để
nhà cầm quyền dễ hạn chế hay dễ phủ định các quyền đó?
Hay
do không có ý định chấp nhận chúng trên thực tế, nên cũng chẳng cần phải
phí chữ cho chúng, đến mức bỏ qua cả cái ràng buộc đã trở thành kinh
điển, là quyền tự do hội họp, biểu tình gắn liền với điều kiện là chúng
phải diễn ra "một cách hòa bình"?
4. Chứng "Tuyên giáo"
Chứng
"lắm lời" không chỉ thể hiện ở chỗ lặp đi lặp lại một số nội
dung, mà cả ở việc nhồi vào Hiến pháp những mệnh đề thuần túy "tuyên giáo".
Cứ như thể Hiến pháp là nơi để các tác giả thể hiện tài viết văn chính trị hay khả
năng thuyết giáo.
4.1.
"Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội
tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của
nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam…"
Vậy
"đội tiên phong" là gì và được định nghĩa ở đâu trong hệ thống
văn bản pháp luật? Thuật ngữ này chứa thuộc tính pháp lý nào, mà lại lạc vào
Hiến pháp? Ngay cả ý nghĩa đời thường của nó cũng đã bị mất tiêu sau khi chiến
tranh kết thúc, cái thuở "tiên phong" còn có nghĩa là đi
đầu ra mặt trận, gương mẫu xông pha nơi lửa đạn… Còn bây giờ, khi lý tưởng
quan trường là leo thật cao và kiếm thật nhiều tiền, với vũ khí là lợi
dụng quyền lực, bất chấp pháp luật, thì "tiên phong" trên "mặt
trận thi đua… tham nhũng", hay sao?
4.2.
"Quyền công dân không tách rời
nghĩa vụ công dân."
Mệnh đề này hay
được tua lại trong các bài tuyên giáo. Nó có thể dùng để dạy con nít, giáo dục
chúng đừng chỉ nghĩ đến quyền lợi mà quên nghĩa vụ. Nhưng khi "bị
lạc" vào Hiến pháp, thì mệnh đề đó trở nên vô nghĩa. Nó hoàn toàn thừa,
vì "trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ" của công dân đã được hiến
định rõ ràng và đầy đủ tại Khoản 3 của chính Điều 15:
"Công dân có trách nhiệm thực
hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội."
Hơn
nữa, trong khuôn khổ một văn bản pháp lý, thì thuật ngữ "không tách
rời" chỉ có thể hiểu một cách "trần trụi" theo nghĩa
đen, khiến câu văn bóng bẩy ấy trở nên sai về nội dung. Đang ăn, đang ngủ,
hay đang làm tình, chẳng nhẽ cũng phải thực hiện đồng thời một "nghĩa
vụ công dân" nào đó, để thỏa mãn điều kiện "không tách
rời", hay sao? Đối với trẻ sơ sinh, người tàn tật nặng và cụ già nằm liệt
giường, cần được chăm sóc tuyệt đối, thì "quyền" được chăm sóc
của họ "không tách rời nghĩa vụ công dân" nào đây?
4.3.
"Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ
thiêng liêng và quyền cao quý của công dân."
Hiện
thân đích thực của "Tổ quốc" ra sao, khi các bên xung đột đều
nhân danh "Tổ quốc", giống như thời đất nước còn chia đôi
thành hai miền Nam, Bắc? Bao giờ thì phải hay được "bảo vệ
Tổ quốc", và "bảo vệ" như thế nào? Khi Tổ quốc bị xâm
lấn và đồng bào ngư dân bị ngoại bang bắt bớ, cướp bóc ngay trên vùng biển quê
hương, thì công dân có nghĩa vụ và có quyền "bảo vệ"
hay không? Tại sao nhà cầm quyền lại sử dụng "quyền cao quý" để
đàn áp những người biểu tình phản đối hành vi bành trướng của ngoại bang, nhằm thực
thi "nghĩa vụ thiêng liêng"? Ôi Tổ quốc, chúng con phải bảo vệ
Người thế nào đây, khi Tổ quốc của họ khác Tổ quốc của chúng con?
Tại
sao không viết gọn, rằng "Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và quyền của công
dân", mà cố nhồi thêm vào đó hai tính từ "thiêng liêng"
và "cao quý" ? "Thiêng liêng" và "cao
quý" hay không là cảm nhận của mỗi người. Tình cảm đó bị chi phối bởi
hình hài mà Tổ quốc hiện ra trong con mắt của từng số phận. Đối với thế lực núc
ních nhờ tham nhũng, thì có lẽ Tổ quốc giống như bò cái thả rông, không mất
công nuôi vẫn ngày ngày cho sữa – Yêu yêu quá đi thôi! Còn đối với dân oan
lang thang trong vô vọng, thì có lẽ Tổ quốc giống như người mẹ mải theo người
tình mà bỏ rơi con cái – Sao mẹ nỡ vô tình làm vậy? Hoàn cảnh khác nhau thì
trạng thái tình cảm đương nhiên cũng khác nhau. Không thể đòi hỏi người bị
đè đầu cưỡi cổ cũng phải hưng phấn như kẻ đang đè, đang cưỡi. Đừng đòi những phận đời đang chới với trong biển khổ phải
dày vò thêm với câu hỏi "thiêng liêng": "Ta đã làm gì
cho Tổ quốc?" Hãy để lương tâm "cao quý" của các đức
ông, đức bà thường nhân danh Tổ quốc trả lời câu hỏi: "Tổ quốc đã làm
gì cho dân đen?" Và phía lập hiến hãy trả lời câu hỏi: Quốc
hội lấy đâu ra cái quyền và cái lý để hiến định cả tình cảm của công dân,
buộc mọi người phải coi đòi hỏi "bảo vệ Tổ quốc" theo kiểu nhà cầm
quyền ấn định là "thiêng liêng" và "cao quý"?
4.4.
"Nhà nước phát huy tinh thần yêu
nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân."
4.5.
Những
mệnh đề "tuyên giáo" trong Hiến pháp 2013, như mấy ví dụ kể
trên, thường có chung đặc điểm là mơ hồ về nội dung, rỗng và vô dụng về pháp lý, không
cần thiết và cũng không nên xuất hiện trong một bản hiến pháp đích thực. Đó là kết quả của việc "tuyên
giáo hóa" hệ thống giáo dục và đào tạo, khiến một số người đã "tu
đủ các lò" có thể "đắc đạo" đến mức, dù đi đâu về đâu
cũng không quên bản năng và trách nhiệm thuyết giáo. Kể cả khi tham gia viết Hiến
pháp (là văn bản pháp lý lẽ ra chỉ chứa đựng những quy định cơ bản về quyền lợi
và trách nhiệm của công dân, về nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức tổ chức của
bộ máy nhà nước, và biện pháp kiểm soát nó), thì họ cũng không quên truyền
giáo, và nhầm tưởng Hiến pháp cũng là giảng đường để triển khai công tác "tuyên
giáo".
5. Chứng "Lan man"
Một
đặc điểm phổ biến trong các bài "tuyên giáo" là hay "lan
man", nên ôm đồm về nội dung và tùy tiện về ngôn ngữ. Đáng
tiếc thay, khi các nhà "tuyên giáo" nhúng tay vào Hiến pháp,
thì nó cũng bị lây nhiễm căn bệnh ấy. Thành thử, lẽ ra văn bản pháp luật phải
được viết một cách mạch lạc, rõ ràng và chính xác, thì Hiến pháp 2013 lại chứa nhiều
câu "lan man" kiểu "con cà con kê", và lắm
lúc kết thúc trong vô nghĩa.
5.1.
"Nhân dân ta tiến hành
cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của
dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân."
Nếu
"Nhân dân… đấu tranh… vì hạnh phúc của Nhân dân", thì đó chỉ
là chuyện thường tình, đấu tranh vì hạnh phúc của bản thân thì có
gì đáng nói? Hơn nữa, "Nhân dân" đã "hy sinh… vì hạnh
phúc của Nhân dân", thì còn ai để hưởng "hạnh phúc"
nữa đây? (Có lẽ các tác giả muốn gắn từ "hy sinh" với chữ "đầy",
để chỉ "cuộc đấu tranh… đầy… hy sinh", nhưng với câu viết lan
man như thế, người đọc vẫn có quyền hiểu rằng "hy sinh" là
động từ gắn trực tiếp với chủ ngữ "Nhân dân".)
5.2.
"Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói,
chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống
và văn hoá tốt đẹp của mình."
Và
nếu nghỉ giữa chừng, chưa kịp đọc hai chữ "của mình" nấp ở tận
cuối câu, thì có thể thu được thông tin ngây ngô, chẳng hạn: "Các dân
tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết…"
5.3.
"Người làm công ăn lương
được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương,
chế độ nghỉ ngơi."
Vâng,
nếu không quên mất đang viết về chủ ngữ "Người… ăn lương",
thì tại sao lại bỏ công hiến định rằng họ "được hưởng lương"?
Hơn nữa, nếu "người làm công..." không nghiễm nhiên "được
hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi", nên vẫn phải đem cái thứ hiển nhiên
ấy ra mà hiến định, thì hóa ra đây là chế độ chiếm hữu nô lệ hay sao?
5.4.
"Lan man"
đến mức lạc
hướng, khiến không chỉ người đọc bị nhầm, mà người viết cũng bị lẫn,
như trong Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013:
"Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ,
ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi
phạm quyền trẻ em."
Ở
đây, "trẻ em" không còn là một từ đơn, có thể đứng riêng lẻ và
được vận dụng một cách độc lập, mà đã là một bộ phận cấu thành, không thể tách
rời của từ ghép "quyền trẻ em". Thành thử, "vi
phạm quyền trẻ em" thì có nghĩa, nhưng "hành hạ, ngược
đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động… quyền trẻ em" thì
hoàn toàn vô nghĩa.
5.5.
"Trẻ em được Nhà nước, gia
đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn
đề về trẻ em."
"Trẻ
em… được tham gia vào các vấn đề về trẻ em" – Nghe mới… âm u làm sao. Với
xu hướng "phát triển dân chủ" này, liệu có ngày "thai
nhi được tham gia vào các vấn đề về thai nhi" hay không?
Hiến
định như vậy thì trẻ em được thêm cái gì? Và nếu không hiến định như vậy thì
trẻ em bị mất đi cái gì? Thực tế trả lời ngắn gọn là KHÔNG! Vậy thì hiến định
để làm gì?
Cái
cao kiến ấy xuất xứ từ đâu? Có người giải thích rằng ý "trẻ em được tham
gia vào các vấn đề về trẻ em" được cóp từ "Công ước về Quyền trẻ em". Nếu quả đó là giáo án, thì e
rằng đã túm nhầm phao (xem Phụ lục III).
5.6.
"Lan man"
đến mức sa đà
vào ngạo mạn, đem cả những "gánh nặng không đâu" ra để "ban
phát", như trong Khoản 2 và Khoản 3 Điều 37 Hiến pháp 2013:
"2. Thanh niên được Nhà
nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển
thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi
đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc."
"3. Người cao tuổi được
Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."
"Thanh
niên được… đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc." Và "Người cao tuổi được…
phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc." Phải "được"
Hiến pháp (tức là "được" nhà cầm quyền) cho phép, thì "thanh
niên" và "người cao tuổi" mới "được"
gánh vác cái của "trời ơi" ấy hay sao?
5.7.
Vì
sao Hiến pháp 2013 lại phạm phải những lỗi như đã trình bày trong phần 5
này? Không thể phủ nhận được sự ôm đồm và hạn chế trình độ của những người liên
quan. Nhưng có lẽ còn một nguyên nhân khác là hiệu ứng "đẽo cày giữa
đường". Mỗi người, xuất phát từ vị trí, nhận thức và mối quan tâm của bản
thân, đều cố đưa vào Hiến pháp vài ý nào đó. Nhiều người tham gia thì phải dung
nạp nhiều ý, có thể không tương thích với nhau. Muốn người khác chấp nhận ý của
mình, thì mình cũng phải tôn trọng ý của người khác. Vả lại, khi mỗi người chỉ
được phát biểu trong một thời gian ngắn, đấu tranh để thực hiện và bảo vệ ý
tưởng của mình chưa chắc đã xong, còn đâu thời gian để bàn sang chuyện của
người khác. Thêm vào đó là sự bất lực cá nhân trước tập thể quá đông, cùng với sự
lép vế trước "bề trên". Và cả tâm lý "cha chung không
ai khóc", cộng hưởng với thói quen ỷ lại: "Dưới" thì
nghĩ "đã có Trên lo", còn "Trên" thì đinh
ninh "đã có bọn Dưới làm". Thành thử dễ sinh ra sản phẩm… hổ
lốn.
6. Chứng "Đại ngôn"
Một
trong những điểm đặc trưng của Hiến pháp Việt Nam là hay dùng những từ to tát,
toàn mỹ, để chỉ những điều phi thực tế, mà nhà cầm quyền chưa hay không bao giờ
thực hiện được, hoặc thậm chí cũng chẳng hề có ý định thực hiện.
Để
khắc họa chứng "đại ngôn" của Hiến pháp Việt Nam, chỉ cần khảo
sát sự vận dụng của từ "bảo đảm", vốn dĩ chỉ xuất hiện khiêm
tốn có 2 lần trong Hiến pháp 1946, nhưng tăng lên 17 lần trong Hiến pháp 1959, nhiều nhất là 35 lần trong Hiến pháp 1980, rồi lại giảm xuống còn 26 lần trong Hiến pháp 1992.
Theo "Từ
điển tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ học (do Hoàng Phê chủ biên, Nhà
xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 1997), từ "bảo
đảm" có nghĩa là:
-
Làm cho
chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được, hoặc có đầy đủ những gì cần
thiết.
-
Nói
chắc chắn
và chịu trách nhiệm về lời nói của mình để cho người khác yên lòng.
-
Nhận
chịu trách nhiệm
làm tốt.
Từ
"bảo đảm" xuất hiện 28 lần trong Hiến pháp 2013. Đáng nói là, nhiều thứ được hiến định là "bảo
đảm" lại không hề được "bảo đảm", thậm chí còn bị chính
bộ máy chính quyền xâm phạm thô bạo.
6.1.
"Công dân có quyền được bảo
đảm an sinh xã hội."
Theo Công ước số 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization), thì 9
lĩnh vực chính của "an sinh xã hội" (social security) là: Chăm sóc
về y tế, trợ cấp khi ốm đau, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp
trong trường hợp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, trợ cấp gia đình, trợ
cấp thai sản, trợ cấp tàn tật, trợ cấp tiền tuất. Chẳng cần khảo sát xem chất
lượng thực hiện đã đạt mức gọi là "được bảo đảm" hay
chưa, vì có thể khẳng định rằng: Không một thứ nào trong số đó được triển
khai ở Việt Nam trên quy mô toàn xã hội. Nếu có phần nào đó được
thực hiện, thì chỉ dừng lại ở bộ phận tương đối nhỏ, mang tính "đặc
ân", trước hết dành cho những người được coi là có công với chế độ.
"Bộ máy quản
lý các chương trình, dự án giảm nghèo quá đồ sộ. Tỷ lệ chi cho hành chính,
sự nghiệp chiếm hơn 63% tổng số tiền giảm nghèo huy động được… Thế nên mới
có chuyện tiếng là các nguồn hỗ trợ người nghèo lên tới gần 200
triệu/hộ/năm, nhưng thực tế thì mỗi hộ nghèo chỉ tiếp cận được từ 10 - 15 triệu
đồng/năm."
Qua đó, có thể hình dung ra mục tiêu và hiệu quả của một
số chính sách giúp đỡ người nghèo và phục vụ "an sinh xã hội" (ví
dụ như xây
nhà ở xịn giữa đô thị đắt đỏ để bán cho người nghèo).
Rõ ràng, những hoạt động kiểu ấy không chỉ là lấy
tiền ngân sách chi cho người nghèo, mà còn là cách lấy
tiền ngân sách nhân danh người nghèo. Kết quả là: Đã
tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng "an sinh xã hội" còn cách rất…
rất xa cái mức có thể coi là "bảo đảm".
|
Ảnh 6: Bệnh nhân 'lóp ngóp' dưới gầm
giường (Nguồn: Người đưa tin)
|
Nhẫn tâm thay,
"bất chấp
hậu quả khôn lường cho bệnh nhân, một phiếu xét nghiệm huyết học ở Bệnh viện Đa
khoa Hoài Đức (Hà Nội) được khoa Xét nghiệm “nhân bản” để dùng luôn cho 2-5
bệnh nhân… 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học được dùng cho ít nhất 2.000
bệnh nhân (trung bình một kết quả phiếu xét nghiệm được sử dụng cho 2-5 bệnh
nhân)… Thí dụ, một kết quả xét nghiệm huyết học vào hồi 9h3 phút ngày
19.2.2013 được dùng cho 4 bệnh nhân: Nguyễn Thị Nguyên - 70 tuổi, chẩn đoán lao
phổi; Nguyễn Trung Nghĩa - 27 tuổi, chẩn đoán áp-xe cạnh hậu môn; Lý Thị Vân -
61 tuổi, chẩn đoán viêm phế quản của người bệnh cao huyết áp đang nằm ở khoa
Hồi sức cấp cứu và cháu Lương Kiều Trang - 12 tuổi, chẩn đoán viêm ruột
thừa."
Muốn "bảo đảm an sinh xã hội" thì phải
có đủ tiền của, để chăm sóc chu đáo về y tế cho mọi người; để trợ cấp đáng
kể cho người ốm đau, người thất nghiệp, người già, người bị tai nạn lao động
hoặc bệnh nghề nghiệp; để trợ cấp cho người tàn tật… Và điều đó phải tiến
hành trên quy mô toàn xã hội, dành cho cả những người nghèo không có khả năng
đóng các loại bảo hiểm. Mấy chục năm nữa, chưa chắc xã hội Việt Nam mon men
đến được cái đích ấy. Vậy thì tại sao bây giờ lại đại ngôn mà viết
vào Hiến pháp là "bảo đảm an sinh xã hội" cho mọi công dân?
Bạn
đừng tưởng đó là sơ hở pháp lý, để rồi tận dụng mà kiện chính quyền. Bởi Điều 34 Hiến pháp 2013 đã được viết với kỹ năng chính trị
cao cường, nên đem lại dáng dấp oai phong, mà vẫn chẳng tạo ra gánh nặng nào cho
Nhà nước. Nó chỉ hiến định "công dân có quyền được được bảo đảm…", nhưng
không xác định "ai phải bảo đảm…", nên nhà cầm quyền
vẫn có thể lẩn tránh trách nhiệm. Chẳng hạn, nếu công dân nào đó đòi được trợ
cấp…, trong khuôn khổ của cái gọi là "bảo đảm an sinh xã hội", thì có thể nhận được câu trả
lời theo kiểu "Trời sinh voi thì Trời
phải sinh cỏ", rằng ai sinh ra ngươi thì phải "bảo đảm"
những quyền lợi ấy cho ngươi. Như vậy, Nhà nước vừa được ca ngợi, vừa vẫn "vô
can".
6.2.
"Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng
Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia."
"Bảo
đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia" – Nghe thật tuyệt đối và to tát,
nhưng vấn đề là: Nhà nước có "ổn định" nổi không? Lấy
cái gì để đo mức "ổn định"?
Giá
trị Đồng Việt Nam giảm nhiều như vậy, mà Quốc hội lại thông qua Hiến pháp viết
rằng "Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia",
thế thì có quá đại ngôn hay không?
6.3.
"Nhà nước ưu tiên đầu tư
và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo
đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí…"
"Nhà
nước… bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc" có nghĩa là phải tạo điều
kiện để mọi người đều có khả năng hoàn thành chương trình "giáo dục
tiểu học". "Nhà nước không thu học phí" là góp phần
thực hiện mục tiêu ấy, nhưng đó mới chỉ là một phần tương đối nhỏ. Để có thể đi
học, trẻ em phải được ăn no,
mặc ấm,
phải có sách vở, giấy bút… Dù xã hội giàu đến đâu, thì vẫn có những bố mẹ không
đủ khả năng thỏa mãn những nhu cầu ấy của con cái. Trong trường hợp đó, chính
Nhà nước phải trợ cấp phần thiếu hụt, để trẻ em có điều kiện sinh sống tối
thiểu mà đi học tiểu học. Liệu Quốc hội đã nghĩ đến trách nhiệm này hay
chưa? Liệu Nhà nước có định "bảo đảm" chu cấp nuôi hàng triệu
trẻ em ở độ tuổi giáo dục tiểu học hay không? Và có khả năng kinh tế để triển
khai dự định ấy hay không? Hay chỉ đại ngôn cho sướng, cho oai?
6.4.
"3. … thi hành lệnh tổng
động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện
pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản
của Nhân dân;"
"6. Bảo vệ quyền và lợi ích của
Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an
toàn xã hội;"
Theo
giải nghĩa trong "Từ điển tiếng Việt" về từ "bảo
đảm" (như đã trích ở trên), thì Điều 96 đòi hỏi Chính phủ phải "chắc
chắn giữ gìn được tính mạng, tài sản của Nhân dân" và "chắc
chắn giữ gìn được trật tự, an toàn xã hội".
Trên thực tế, "tính
mạng, tài sản của Nhân dân" và "trật tự, an toàn xã hội"
được Chính phủ "bảo đảm" như thế nào? Hãy nghe Phương Bích tâm sự:
"Báo chí đưa tin nạn trộm chó hoành
hành khắp các miền quê. Người dân bảo vệ chó của mình thì bị trộm đánh trả. Thậm
chí chỉ vì bảo vệ chó mà chủ thiệt mạng. Kết quả là người dân hợp lực nhau lại,
đánh chết kẻ trộm chó trong cơn cuồng nộ."
"Chuyện nợ nần trong làm ăn, người
ta không mấy khi nhờ cậy đến pháp luật giải quyết, vì họ biết thừa không có hiệu
quả. Thế mới sinh ra các nhóm đòi nợ xã hội đen đỏ tím vàng... Và lúc đó thì
pháp luật lại ra tay trị kẻ đi đòi nợ…"
"Tôi rất muốn hỏi các quý vị
người nhà nước, dân chúng tôi phải làm gì khi pháp luật không có tác dụng
bảo vệ quyền lợi và tính mạng của mình?"
Dù
cố gắng đến đâu, thì vẫn buộc phải chấp nhận thực tế: Luôn có những người bị
thiệt mạng (vì tai nạn hoặc vì bị hãm hại). Luôn có những tài sản của
Nhân dân bị hủy hoại (vì thiên tai, hỏa hoạn… hoặc vì bị phá hoại). Và luôn
tồn tại những sự cố về trật tự, an toàn xã hội.
Nếu
viết "Chính phủ có nhiệm vụ… bảo vệ tính mạng, tài
sản của Nhân dân, … bảo vệ trật tự, an toàn xã hội", thì còn
hợp lý và khả thi. Đằng này, thay vì dùng từ "bảo vệ", Quốc
hội lại dõng dạc hiến định là "bảo đảm", vậy thì có quá đại
ngôn hay không?
"Nhà nước xây dựng Công an nhân
dân… làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo
đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm."
Còn
nhiều thứ "bảo đảm" khác, sẽ được đề cập tiếp trong phần 7
và Phụ
lục IV.
6.5.
Đại ngôn là tập quán phổ biến ở mọi chính
trường trên Thế giới. Nhưng đại ngôn tràn lan cả trong hiến pháp,
thì chỉ có thể là đặc sản của nhà nước mà thế lực cầm quyền xa lạ với
trách nhiệm. Nếu quan niệm rằng "nói phét không mất tiền",
nghĩa là không phải chịu trách nhiệm về những điều mình nói, thì tội gì mà
không nói cho oai?
Đại ngôn bị vung vãi dễ dãi trong Hiến pháp
khi thế lực cầm quyền chỉ muốn tô vẽ để tự ngợi ca,
mà không hề có ý định thi hành trên thực tế. Tệ nạn ấy không chỉ
bắt nguồn từ tập quán hứa bừa, mà còn bám rễ trong truyền
thống mạo công. Làm một kể mười, thậm chí không làm cũng điềm nhiên nhận
công. Cái chứng bệnh ấy lây lan khắp nơi, càng lên cao thì bệnh càng trầm
trọng. Hãy xem những bia đá được chưng ra nơi nơi, từ công viên đến đền chùa và
các loại di tích, để kể công vị này ngài nọ đã trồng cây, cái cây mà nhiều
người cùng trồng cùng tưới, nhưng công lao lại chỉ được gán cho đúng một người
– cái người đóng góp ít công sức nhất. Tệ hại hơn, có lẽ để tương xứng với cái
bia đá to đoành, hay vì sợ cây non không kịp lớn trước khi vị nọ "giải
nghệ hoàn dân", nên người ta bứng cả những cây to đã tồn tại lâu
năm, để diễn trò tái trồng mầm… già.
Quyền trong tay thì cứ việc ra tay, nhưng đừng quá chủ
quan cho rằng đại ngôn luôn vô hại. Về lý mà nói, một khi đã hiến
định là Nhà nước hay Chính phủ "bảo đảm" thứ gì đó, thì người
dân có quyền kiện những người đứng đầu Nhà nước hay Chính phủ khi thứ ấy không
được "bảo đảm". Nếu bịt tai phớt lờ hay trả thù người khiếu
kiện thì lại bị dư luận lên án là chà đạp "nhà nước pháp quyền".
Đại ngôn có sướng đến mức đáng để chuốc lấy "hậu quả
không đâu" ấy hay không?
7. Chứng "Bất chấp"
Khi
"đại ngôn" thì ít nhiều đã "bất chấp". Nhưng
trong phần này, ta chỉ đề cập đến một số điều hiến định thuộc loại rất bất
chấp thực tế.
7.1.
"1. Nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân."
"2. Nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước
thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai
cấp nông dân và đội ngũ trí thức."
Nhà
nước này có phải là "nhà nước pháp quyền", "của Nhân
dân, do Nhân dân, vì Nhân dân" hay không? Nước này có phải là "do
Nhân dân làm chủ" và "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân
dân" hay không? Thông qua thực tế, nhà cầm quyền đã liên tục đưa ra câu
trả lời phủ định. Ở đây, chỉ cần đề cập một ví dụ: Việc cương quyết không
chấp nhận để Nhân dân phúc quyết Hiến pháp đã chứng tỏ, rằng Nhà nước này không
phải "của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân"! Và cái gọi là
"Nhà nước… do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân"
chỉ là chuyện hư cấu bất chấp thực tế mà thôi.
Không
phải hiến pháp nước nào cũng được đem ra phúc quyết toàn dân. Khi không có ai
đòi đem Hiến pháp ra phúc quyết, thì cũng chẳng nhất thiết phải phúc quyết. Khi
bộ máy cầm quyền thừa sức ngụy tạo ra kết quả bỏ phiếu theo ý muốn của họ, thì
cũng chẳng nên kỳ vọng vào giá trị khách quan của việc phúc quyết. Nhưng nếu
một lực lượng công dân đòi hỏi phải đem Hiến pháp ra phúc quyết toàn dân, thì
không ai có quyền phủ quyết đòi hỏi đó. Bởi về lý mà nói, dù có quyền
cao, chức trọng đến đâu trong bộ máy cầm quyền, thì bất cứ ai cũng chỉ là
công dân bình đẳng với mọi công dân.
Giả
sử các đại biểu Quốc hội được Nhân dân bầu ra một cách thực sự dân chủ (tiếc
rằng thực tế không phải như vậy), thì Nhân dân cũng chỉ trao cho họ quyền đại
diện về những điều mà họ đã thể hiện và tuyên bố công khai trước toàn thể cử
tri, từ trước khi họ được bầu, và cử tri đã dựa vào đó để bầu họ. Nếu trước khi
đắc cử tuyên bố sẽ ủng hộ "phương án A", thì sau đó không thể
nhân danh đại biểu của Nhân dân để phản đối "phương án A". Nếu
trước khi bỏ phiếu, cử tri không được biết gì hơn về các ứng cử viên ngoài mấy
dòng lý lịch trích ngang vô hồn, thì người đắc cử không thể nghiễm nhiên cho
rằng mình đã được cử tri ủy thác quyết định bất cứ việc gì. Không thể
quan niệm rằng Nhân dân đã trao cho đại biểu Quốc hội quyền quyết định mọi vấn
đề, như thể trao cho họ tập séc khống, muốn ghi gì và ghi bao nhiêu vào đó cũng
được.
Chưa
bao giờ Nhân dân ủy thác cho Quốc hội phủ định quyền phúc quyết của Nhân dân. Vì vậy, nếu muốn phản
đối việc phúc quyết Hiến pháp, thì đại biểu Quốc hội phải tổ chức lấy biểu
quyết cử tri mà mình đại diện, xem đa số cử tri có ủng hộ dự định đó hay không.
Chẳng hề xin ý kiến cử tri, mà Quốc hội vẫn ngang nhiên bác bỏ đòi hỏi phúc
quyết Hiến pháp của một lực lượng công dân, thì đó là bằng chứng cho thấy: Quốc
hội đã bất chấp thực tế khi khẳng định trong Hiến pháp rằng Nhà
nước này là "của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân", "do Nhân
dân làm chủ" và "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân".
7.2.
"1. Đảng Cộng sản Việt Nam… đại
biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả
dân tộc…
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật
thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách
nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên
Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Như
đã phân tích trong bài "Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp", tất cả các nội dung được
trích ở trên đều thuộc dạng "công chứng bất chấp hiện trạng của
nguyên bản". Thay vì viết rõ đó là những đòi hỏi mà ĐCSVN phải
chấp nhận và phải thực hiện, thì họ lại cố tình bỏ đi mấy chữ "phải",
biến các đòi hỏi pháp lý thành những mệnh đề khẳng định, như thể ĐCSVN đã
và đang đạt được những điều mà trên thực tế không hề đạt.
"Các cơ quan Nhà nước, tổ
chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải
nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
"Nhà nước được tổ chức và hoạt động
theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…"
Vậy
là trách nhiệm hiến định "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp,
pháp luật" của "các cơ quan Nhà nước" và "đơn
vị vũ trang nhân dân" không còn nữa. Thay vào đó, chỉ còn hiến định
là "Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật",
tức không hề có từ "phải", hay tương tự, để thể hiện
trách nhiệm hiến định. Nghĩa là, học theo tấm gương xấu của Điều 4, Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp 2013 cũng trở thành dạng "công
chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản", như thể "Nhà nước
đang được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật", bất
chấp thực tế mà người người đều rõ.
7.3.
"Nhà nước bảo đảm và phát
huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo
đảm quyền con người, quyền công dân…"
"Quyền
làm chủ của Nhân dân"
là gì? Cái này mờ ảo như trời cao, nên thôi, không bàn ở đây. Còn "quyền
con người, quyền công dân" thì cụ thể hơn, thiết thân hơn, nên buộc
phải đặt ra câu hỏi: "Nhà nước… bảo đảm quyền con người, quyền công
dân" như
thế nào?
Như
ta đều biết, quyền
con người, quyền công dân
thường xuyên bị bộ máy cầm quyền xâm phạm, ví dụ như trường hợp "Bốn công an dùng nhục hình, xát ớt bột vào hạ bộ
một thanh niên".
Để tránh bị lên án, khi ra tay chỉ lớp quan chức dưới cùng mới xuất đầu lộ
diện. Kín kẽ hơn, họ huy động cả đám "quần chúng bức xúc" hay "côn
đồ tự phát" để "ném đá dấu tay". Thậm chí, cho cả sĩ
quan công an giả dạng dân thường, như trường hợp công an giả làm thợ cưa đá dưới chân tượng Lý Thái Tổ vào
sáng 19/1/2014, để ngăn cản một số công dân dâng hương hoa, nhằm tưởng niệm các
chiến sĩ đã hy sinh, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị mất vào tay Trung
Quốc. Nhưng
những màn kịch ấy không thể ngụy trang, che dấu được trách nhiệm của các cấp
lãnh đạo. Ai cũng hiểu rằng: Nếu lãnh đạo cấp trên không đồng tình, không
đứng sau những trò hề ấy, thì họ đã chấn chỉnh, ra lệnh cho cấp dưới chấm dứt ngay
những hành động vi hiến, phi pháp, đàn áp người dân thực thi các quyền hiến
định.
Điều
khiến lãnh đạo tầng trên cùng, từ Bộ trưởng trở lên, không thể phủ nhận trách
nhiệm, là chính họ ký tên ban hành các văn bản pháp quy vi hiến và phi pháp để
phủ định quyền con người, quyền công dân, như đã đề cập trong bài "Lực cản Nhà nước pháp quyền". Qua đó ta thấy rõ, Điều 3 Hiến pháp 2013 bất chấp thực tế đến mức nào. Thiết tưởng cũng
chẳng cần bàn thêm, nhưng tiện đây, xin bổ sung thêm một ví dụ tương đối mới.
Theo
thông tin trên trang Bauxite Việt Nam vào ngày
24/2/2014,
Công an Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh đã phát đến từng hộ dân “Phiếu Tố giác
Tội phạm” (xem Ảnh 8). Trong đó, "Kích động, nói xấu
chế độ" là tội số một, "Vận động khiếu kiện tập
thể" là tội đứng thứ hai, trên cả tội "cướp của".
Đây là một bằng chứng hùng hồn về việc bộ máy cầm quyền vi phạm quyền con
người, quyền công dân.
|
Ảnh 8: Phiếu Tố giác Tội phạm do
Công an phát cho các hộ dân (Nguồn: Bauxite Việt Nam)
|
Lẽ
ra, chỉ nên coi những người "bịa đặt về chế độ" là "tội
phạm". Song khi đó, phải kết tội tất cả những ai "nói không
thành có", kể cả những vị thường bịa đặt những chuyện tốt không
có thật để gán cho chế độ, cái hành vi thường được coi là "ca ngợi
chế độ". Tội bịa đặt để "ca ngợi chế độ" rất đáng bị
trừng phạt. Bởi nó làm hại người dân, khiến họ ấm ức, phải chịu đựng lâu hơn những
nỗi khổ bị thuyết minh là hạnh phúc. Mặt khác, nó làm hại chính bản thân
chế độ, vì thôi miên và đánh lừa bộ máy cầm quyền: Đang mang trong mình những
khối u ác tính, mà lại bị lừa (và tự lừa) là vẫn khỏe mạnh, nên chủ
quan, không chịu điều trị kịp thời, đợi đến khi di căn khắp nơi, thì… vô phương
cứu chữa.
Đặc
biệt, trong “Phiếu Tố giác Tội phạm”, "Vận động khiếu kiện tập
thể" bị coi là "tội" thuộc phạm trù "An ninh
chính trị". Trên thực tế, "khiếu kiện tập thể" thường
bắt nguồn từ lý do kinh tế, không vì mục tiêu chính trị. Tước quyền sử dụng đất
của bao nông dân quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời",
mà bồi thường không thỏa đáng, thì đương nhiên các nạn nhân phải cùng nhau bảo
vệ tài sản của mình. Và nếu tự vệ không nổi, thì phải cùng nhau khiếu kiện,
gọi là "khiếu kiện tập thể", để đòi lại công bằng. Hành động
hợp tình, hợp lý như vậy, mà lại bị chính quyền cản cấm và đàn áp, thì dù ngu
ngơ đến đâu cũng có thể đoán ra vai trò giật dây của thế lực tham nhũng. Cho
nên, nhiều khi "vận động khiếu kiện tập thể" cũng là "vận
động tập thể chống tham nhũng". Coi "vận động tập thể chống
tham nhũng" là "tội" đe dọa "an ninh chính
trị", tức là "tội chống chế độ", thì chẳng khác nào
khẳng định rằng "tham nhũng là bản chất của chế độ này", nên "chống
tham nhũng là chống chế độ". Hay đó chỉ là hành vi xuyên tạc của thế
lực cầm quyền, "nhân danh bảo vệ chế độ để bảo vệ tham nhũng"?
Như
đã chỉ ra trong bài "Lực cản Nhà nước pháp quyền", Điều 74 Hiến pháp 1992 hiến định "quyền khiếu nại" không hạn chế;
Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 chấp nhận đích danh việc "nhiều
người khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung" và "cử đại diện
để trình bày", nghĩa là chấp nhận những vụ khiếu nại của nhiều người
cùng đứng tên. Cho nên, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2006/NĐ-CP và Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 04/2010/TT-TTCP, trong đó không chấp nhận "đơn
khiếu nại có chữ ký của nhiều người", là hành vi vi phạm thô bạo Hiến
pháp và luật. Điều 30 Hiến pháp 2013 tiếp tục hiến định "quyền khiếu
nại" không hạn chế. Thêm vào đó, Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: "Quyền con người,
quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật".
Vì nghị định và thông tư không phải là luật, nên tính vi hiến của
Nghị định số 136/2006/NĐ-CP và Thông tư số 04/2010/TT-TTCP càng trở nên rõ ràng hơn. Như vậy,
không có bất kỳ văn bản pháp lý hợp hiến nào cho phép nhà cầm quyền khước từ "khiếu
kiện tập thể".
Việc
"vận
động khiếu kiện tập thể" thuộc quyền công dân, trong khuôn khổ tự do
hội họp, lập hội, được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp 2013. Thế thì tại sao công an lại coi hành
động ấy là tội, thậm chí là trọng tội?
“Phiếu
Tố giác Tội phạm”
có vi hiến, phi pháp hay không? Điều đó đã quá rõ, nhưng các tác giả khoác áo công
an hoàn toàn không quan tâm. Họ chỉ viết ra những tư duy sai trái đã ngấm sâu
vào tiềm thức và hóa thành bản năng. Đó mới là điều đáng lo ngại.
Độc
tài có nghĩa
là phi dân chủ. Đã phi dân chủ thì thường vi phạm quyền con
người, quyền công dân. Cho nên, nếu nói bộ máy độc tài "bảo đảm quyền con người, quyền
công dân",
thì quả là hoang đường, bất chấp thực tế.
7.4.
"Người làm công ăn lương được bảo
đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn…"
"Công ty TNHH một thành viên
Thoát nước đô thị chi lương cả năm 2012 cho Giám đốc là 2,6 tỷ đồng (hơn 200
triệu đồng mỗi tháng), Chủ tịch Hội đồng thành viên 1,6 tỷ đồng, Kế toán trưởng
1,67 tỷ đồng, Phó giám đốc 969 triệu đồng. Trong khi đó, lương bình quân người
lao động mùa vụ tại công ty này là 5,4 triệu đồng mỗi tháng."
Ai là người phải
trả giá cho mức lương "công bằng" của các vị Giám đốc, Chủ tịch
Hội đồng thành viên, Kế toán trưởng, Phó giám đốc? Hiển nhiên, những người lao
động "thấp cổ bé họng" thuộc vào số đó:
"Công ty Thoát nước đô thị bị kết
luận "vi phạm quy định của Bộ luật Lao động" khi ký hợp đồng mùa vụ với
thời hạn dưới 3 tháng đối với 163 người lao động thường xuyên và ký hợp động có
thời hạn 3 năm đối với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định
thời hạn."
Thật
là "công bằng" hết chỗ nói!
"Tình huống rủi ro, khó lường
trước"
có nghĩa là "lỗi tại Trời". Không phải do thiết kế sai. Không phải
do thi công sai. Không phải do bớt xén nguyên liệu. Vậy là hòa cả làng. Chỉ các
nạn nhân là có lỗi, do xuất hiện không "đúng nơi, đúng lúc",
nên đành phải "chết… đúng quy trình". Một công trình phức tạp
như thế, mà
Sử
dụng cả "nông dân mặc áo công nhân", "chưa một ngày qua
đào tạo kỹ thuật cơ bản", để xây cầu "siêu cấp", thì không
bị sập mới là chuyện lạ.
Hiển
nhiên, trong một nền kinh tế thị trường, được cộng hưởng bởi tham nhũng
hoành hành, thì không có cái gọi là "điều kiện làm việc công bằng". Cũng hiển nhiên không kém,
trong mọi chế độ, tai nạn lao động là điều khó tránh khỏi một cách tuyệt đối.
Vậy thì tại sao Quốc hội lại bất chấp thực tế mà hiến định rằng "Người làm công ăn lương
được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn"?
7.5.
"Nguyên tắc tranh tụng trong xét
xử được bảo đảm."
"Việc phán quyết của toà án phải
căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy
đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị
cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để
ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn
quy định."
"Luật sư Nguyễn Đức Biền, người được chỉ định bào chữa
cho ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước, từng chỉ ra 5 điểm thiếu sót trong
quá trình tố tụng. Tuy nhiên, các ý kiến của ông không được xem xét thỏa
đáng…"
Và ông Biền đã khẳng
định:
"Tôi cho rằng,
đây là sai lầm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng, nhưng đáng tiếc Hội đồng
xét xử không hề để ý gì đến các lập luận của luật sư cũng như sự phản cung của
bị cáo tại phiên tòa. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn tới kết luận một
cách phi lý của Hội đồng xét xử, khẳng định ông Chấn giết người một cách oan ức."
Đây
không phải là trường hợp cá biệt, mà là một ví dụ điển hình. Khi phán quyết
theo "bản án bỏ túi" đã trở thành thông lệ, thì hiển nhiên
quan tòa không chấp nhận "tranh tụng trong xét xử". Vậy nên,
khẳng định trong Hiến pháp rằng "nguyên tắc tranh tụng trong xét xử
được bảo đảm" là hoàn toàn bất chấp thực tế.
7.6.
"Mọi người có
quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai
bị tước đoạt tính mạng trái luật."
"Điều 21
Mọi người có quyền sống."
Bài "Teo dần quyền con người trong
Hiến pháp" đã chỉ ra rằng: Đó là một mệnh đề vừa vô nghĩa, vừa giả
tạo, nếu nhà cầm quyền vẫn có ý định duy trì án tử hình, bởi vì tử hình bất
kỳ ai cũng là vi phạm "quyền sống" của người ấy.
1. Quyền sống của mọi người được bảo vệ bằng luật. Không được cố ý tước
mạng sống của bất kỳ ai, trừ trường hợp thi hành án tử hình, do tòa tuyên án
đối với tội danh mà luật có quy định án tử hình.
2. Việc tước mạng sống không bị coi là vi phạm điều này,
nếu nó bị gây ra bởi sử dụng vũ lực không vượt quá mức tuyệt đối cần thiết,
nhằm:
(a) bảo vệ ai đó trước bạo lực phi pháp;
(b) tiến hành bắt giữ đúng luật, hay ngăn cản người bị giam giữ đúng
luật bỏ trốn;
(c) dẹp
tắt một cách đúng luật một cuộc nổi loạn hay nổi dậy."
Quy định này không hề khẳng định "Mọi người có
quyền sống", mà chỉ có mệnh đề "Quyền sống của mọi người được
bảo vệ bằng luật". Đáng lưu ý là: "Bảo vệ" chứ không
phải là "bảo đảm"!
Lẽ ra, sau khi được góp ý, thì đơn giản nhất là loại bỏ mệnh
đề "Mọi người có quyền sống" ra khỏi bản Dự thảo. Song có thể vì
quá sĩ diện, họ vẫn cố bảo lưu nó đến cùng, rồi bổ sung hai mệnh đề "Tính
mạng con người được pháp luật bảo hộ" và "Không ai bị tước
đoạt tính mạng trái luật" để "chữa cháy". Nhưng càng
chữa càng cháy, càng sửa thì càng sai…
Nội dung và ý nghĩa của mệnh đề "Tính mạng
con người được pháp luật bảo hộ" là gì? Khi tuyên bố như thế thì
pháp luật sẽ có thêm quy định hay thủ thuật gì khác, so với trường hợp "tính mạng
con người không được pháp luật bảo hộ"? Những đặc điểm
nhận dạng nào có thể giúp ta phân biệt loại "pháp luật bảo hộ"
với loại "pháp luật không bảo hộ tính mạng con người"?
Với những điều khoản "bảo hộ" bổ sung thì tính mạng con người
có an toàn hơn hay không? Câu trả lời sẽ cho thấy "nồng độ pháp
lý" của mệnh đề "… được pháp luật bảo hộ" chỉ xấp xỉ… 0%.
Và đó cũng là đặc điểm điển hình của nhiều điều khoản "ưu việt"
trong Hiến pháp Việt Nam.
Có lẽ "sứ mạng" của mệnh đề "Không
ai bị tước đoạt tính mạng trái luật" chỉ là "đánh
tiếng", rằng tuy tuyên bố "Mọi người có quyền sống",
nhưng thực ra vẫn tiếp tục duy trì án tử hình. Với lối "nói lấy
được", bất chấp nội dung câu chữ, Điều 19 Hiến pháp 2013 trở
thành "siêu vi hiến", bởi vì nó mâu thuẫn với chính nó.
Đó chỉ là mấy ví dụ đại diện cho bao cái chết oan uổng,
được tường thuật công khai trên báo chí chính thống. Vậy mà họ vẫn ngang nhiên khẳng
định trong Điều 19 Hiến pháp 2013 rằng "Không
ai bị tước đoạt tính mạng trái luật." Quả là bất chấp
thực tế đến tột cùng, tới mức khó có thể tìm được một từ thích hợp mà vẫn
còn lịch sự để đánh giá. Chẳng nhẽ họ dự định sẽ ban hành luật để hợp pháp hóa,
biến tất cả những oan hồn thành diện "bị tước đoạt tính mạng phù hợp
với luật" hay sao?
|
Ảnh 10: Thân thể tử thi
sau khi "làm việc" với công an (Nguồn: Tuổi trẻ Online)
|
7.7.
"Bất chấp" là tính cách khá
phổ biến trong giới cầm quyền. Song không phải mọi thể hiện "bất chấp"
trong Hiến pháp đều bắt nguồn từ tính cách ấy.
Hãy xem lại mệnh đề "Không ai bị
tước đoạt tính mạng trái luật" trong Điều 19 Hiến pháp 2013. Hai chữ
"trái luật" cho thấy câu này thực ra là một ràng buộc, đòi
hỏi đối với phía Nhà nước, bởi chẳng có luật nào cho phép dân thường "tước
đoạt tính mạng" của người khác. Như vậy, theo thông lệ lập hiến có thể
viết rằng: "Không ai bị Nhà nước tước đoạt tính mạng trái
luật" – tức là viết như một cam kết của Nhà nước. Song trên
thực tế thì Nhà nước không thực hiện được cam kết này. Nên phải viết một cách
chính xác là: "Nhà nước không được tước đoạt tính mạng của bất
cứ ai một cách trái luật" – tức là viết như một đòi hỏi hiến định
đối với Nhà nước. Nhưng có lẽ họ cho rằng viết như vậy sẽ ảnh hưởng đến sĩ
diện của Nhà nước, hoặc đã rắp tâm sẽ lẩn tránh trách nhiệm, nên dở chiêu "mập
mờ", xóa tên của chủ thể "tước đoạt tính mạng". Bị mất
đối tượng đích thực là "Nhà nước", nội dung hiến định trở nên
lệch lạc, không còn là cam kết hay đòi hỏi, mà trở thành mệnh
đề khẳng định một trạng thái hoàn toàn trái với thực tế. Chứng "mập
mờ" gây ra chứng "bất chấp" là vậy.
Chứng "mập mờ" là một căn bệnh cố hữu trong Hiến pháp
Việt Nam. Cũng vì sĩ diện hay lẩn tránh trách nhiệm, nên cố tình bỏ đi một số
chữ "phải" (hay tương tự), khiến các đòi hỏi, ràng
buộc hiến định trở thành những mệnh đề "công chứng bất chấp hiện
trạng của nguyên bản", như đã phân tích trong bài "Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến
pháp". Chỉ cần thành tâm thêm chữ "phải"
vào một số nơi cần thiết, thì khắc phục được ngay trạng thái "khẳng
định bất chấp thực tế" của một số điều khoản liên quan. Ví dụ:
"Đảng Cộng sản Việt Nam phải
gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân,
chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình."
"Các tổ chức của Đảng và đảng
viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và
pháp luật."
"Nhà nước phải được tổ chức
và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp
luật…"
"Nhà nước phải bảo đảm và
phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phải công nhận, tôn trọng, bảo
vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…"
"Nguyên
tắc tranh tụng trong xét xử phải được bảo đảm."
Tuy
nhiên, thêm chữ "phải" vẫn chưa đủ để chứng "bất
chấp" biến khỏi vòng Hiến pháp. Nó chỉ thay vai, đổi chỗ mà thôi: Nếu không
thể hiện trong Hiến pháp một số nội dung dưới dạng bất chấp thực
tế, thì trên thực tế lại bất chấp Hiến pháp. Có lẽ,
do không thể tránh khỏi "bất chấp", và "bất chấp"
khi lập hiến an toàn hơn "bất chấp" khi thi hành Hiến pháp, nên
"mập mờ" trong Hiến pháp vẫn hơn. Ấy là nguyên do khiến chứng "bất
chấp" cũng có thể gây ra chứng "mập mờ".
Nếu bất chấp cái Hiến pháp do
thế hệ tiền nhiệm để lại thì có thể thông cảm phần nào, vì không phải mọi quy
định trong cái Hiến pháp đã trở nên lỗi thời đều phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Nhưng nếu đem Hiến pháp ra sửa đổi mà vẫn duy trì hay bổ sung thêm những
nội dung mà thế lực đương quyền đã, đang và sẽ không muốn, hay không thể thực
hiện, thì đó là hành vi hiến định bất chấp thực tế. Chủ
động hiến định bất chấp thực tế và sau đấy lại chủ động bất
chấp Hiến pháp – đó là thái độ "bất chấp" không
thể chấp nhận được!
8. Chứng "Vu vơ"
Để
mô tả căn bệnh này, ta chỉ cần dựa vào danh từ "chủ nghĩa xã hội"
và tính từ "xã hội chủ nghĩa" trong Hiến pháp Việt Nam. Ban
đầu, chúng không hề tồn tại trong Hiến pháp 1946. Sang Hiến pháp 1959, mỗi từ này xuất hiện đúng 6 lần. Nhiều nhất là trong Hiến pháp 1980, với 23 lần "chủ nghĩa xã hội" và 86 lần "xã hội chủ
nghĩa". Sau khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở châu
Âu bị sụp đổ, Hiến pháp 1992 chỉ
còn chứa 3 từ "chủ nghĩa xã hội" và 43 từ "xã hội chủ
nghĩa". Sự biến thiên này cũng tương ứng với quá trình thăng trầm của
một giấc mơ…
8.1.
Hiến pháp 2013 giữ
nguyên 3 danh từ "chủ nghĩa xã hội", tại những vị trí tương tự
như ở Hiến pháp 1992, trong đó có đoạn thứ ba của Lời nói đầu:
"Thể chế
hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,
kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp
năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
Thử
hỏi, "Cương lĩnh…" của ai? Của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay của Đảng Lao động Triều Tiên? Tại sao lại dấu tên chủ nhân của "Cương
lĩnh…"? Phải chăng các nhà lập hiến hiểu ra, rằng không đảng nào có
quyền lạm dụng Hiến pháp để áp đặt cả Dân tộc? Hay tránh nhắc tên, để khỏi gây
phản cảm?
Hiến
định "Cương lĩnh…" một cách vu vơ như vậy phỏng
có ích gì?
8.2.
Hiến
pháp 2013 chứa 39 tính từ "xã hội chủ nghĩa", trong đó 33 lần thuộc
về tên nước "Cộng hòa từ xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Gán nó
cho tên nước có hợp lý hay không? Điều này đã được đề cập trong bài "Quốc hiệu nào hội tụ lòng dân?" nên không cần nhắc lại ở đây
nữa. 6 lần xuất hiện còn lại có thể chia thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất bao
gồm:
"Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do
Nhân dân, vì Nhân dân."
(Điều 2)
"Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở
hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo." (Điều 51)
"Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" là gì? Trong "Nhà
nước pháp quyền",
không cá nhân và tổ chức nào có quyền đứng trên hay đứng ngoài Hiến pháp và
luật, mọi quyền lực nhà nước đều bị ràng buộc và giới hạn bởi Hiến pháp và
luật. Còn ở Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực của ĐCSVN
mới là cao nhất, không bị khống chế bởi bất cứ điều khoản cụ thể nào trong Hiến
pháp và luật. Hiến pháp chỉ "thể chế hóa Cương lĩnh…" của
ĐCSVN, và luật phải tuân theo Hiến pháp, nên về thực chất lãnh đạo ĐCSVN mới
đóng vai trò quyết định và còn đứng cao hơn Hiến pháp và luật. Chẳng nhẽ đó là
đặc trưng của "pháp quyền xã hội chủ nghĩa" hay sao?
"Kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là gì? "Xã hội chủ
nghĩa" mù mờ bao nhiêu, thì "định hướng xã hội chủ nghĩa"
luẩn quẩn bấy nhiêu. Càng tung hô "kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa", thì càng tỏ ra chẳng có định hướng
nào cả.
Phải chăng hai
khái niệm trên cũng tương tự như phạm trù "dân chủ xã hội chủ
nghĩa"? Thường thì chế độ "phi dân chủ" hay được
khẳng định là "dân chủ xã hội chủ nghĩa", tức là:
"Dân chủ xã hội chủ nghĩa" = "Phi dân
chủ".
Nếu như vậy thì
cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" được gắn sau từ "dân
chủ" có ý nghĩa như chữ "phi" được gắn trước từ "dân
chủ" (để phủ định). Áp dụng quy tắc ghép từ này, ta thu được:
"Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa"
= "Nhà nước phi pháp quyền",
"Kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa"
= "Kinh tế thị trường phi định hướng".
Bạn
thấy kết quả suy luận này có phù hợp với thực tế hay không?
Nhóm thứ hai bao
gồm:
"Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân." (Điều 64)
"Lực lượng vũ trang nhân dân… có
nhiệm vụ… bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa…" (Điều 65)
"Tòa án nhân dân có nhiệm vụ… bảo
vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…" (Điều 102)
"Viện kiểm
sát nhân dân có nhiệm vụ… bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…" (Điều 107)
Nếu
áp dụng quy tắc ghép từ ở trên, thì "Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa" có thể phiên dịch thành "Tổ quốc phi Việt Nam".
Nghe có vẻ bất thường, nhưng nếu liên hệ với lối tư duy "truyền
thống", coi lý tưởng và quyền lợi của giai cấp vô sản quốc tế cao hơn
lợi ích của Tổ quốc Việt Nam, thì kết quả phiên dịch có phù hợp hay không?
Hãy
bỏ qua ý phụ vừa rồi, để tập trung vào ý chính, mà chúng ta muốn trao đổi về
nhóm thứ hai. Đó là: Có hay không cái gọi là "Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa" và "chế độ xã hội chủ nghĩa"?
Khi
xuất hiện trong cụm từ "Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", thì từ "xã hội chủ nghĩa" đóng vai trò
tên gọi, được hiến định trong Hiến pháp. Nó chỉ để trang trí,
không nhất thiết phải tương thích với thực trạng. Cũng tương tự như việc đặt
tên "Cao" cho người lùn, tên "Mạnh"
cho người yếu, tên "Tài" cho người thiểu năng…
Dù không phù hợp với trạng thái, tính cách, thì người ấy vẫn tồn tại với tên gọi
đó, không ai có thể phủ định.
Nhưng
khi xuất hiện trong hai cụm từ "Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa" và "chế độ xã hội chủ nghĩa"
thì "xã hội chủ nghĩa" không hề đóng vai trò tên gọi (được hiến định hay luật định),
mà chỉ đơn thuần là một tính từ, phản ánh tính chất, đặc điểm thực tại
của "Tổ quốc" và "chế độ".
Vậy "Tổ quốc"
và "chế độ" này có phải là "xã hội chủ nghĩa" hay không? Nếu trước năm 2013 mà trả lời phủ
định, thì có lẽ phải hứng chịu những đợt sóng thịnh nộ từ phía các "chiến binh cầm bút" của ĐCSVN. Nhưng may thay, trong
buổi thảo luận của Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào sáng 23/10/2013,
Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn khẳng định cái điều mà bao
người vẫn nghĩ, nhưng thường tránh nói ra:
Xin
cảm ơn! Vậy là cả ngài cũng đã thừa nhận, rằng hiện tại và nhiều chục năm
nữa, không
thể coi "Tổ quốc" và "chế độ" này là "xã hội chủ nghĩa". Nói cách khác, thực tế không
tồn tại cái gọi là "Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" và "chế
độ xã hội chủ nghĩa" trên đất nước Việt Nam!
Hóa ra, Hiến pháp 2013
quy định
"Bảo vệ Tổ quốc không tồn tại
là sự nghiệp của toàn dân"
và
"Lực lượng vũ trang nhân dân, Tòa
án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ chế độ không tồn
tại."
Tại
sao Quốc hội lại hiến định loại nhiệm vụ "vu vơ" đến như vậy?
*
*
*
Tại sao lại bất chấp mọi khuyên can, thông
qua bằng được một bản dự thảo Hiến pháp với chất lượng như thế?
Hiến pháp ấy có xứng đáng với truyền thống
ngàn năm văn hiến của Dân tộc, với trí tuệ của hơn 90 triệu khối óc, với tầm tư
duy của thời đại hay không?
Nhân dân ta có đáng phải chấp nhận một bản Hiến
pháp như vậy hay không?
Câu
hỏi chất chồng câu hỏi, băn khoăn quấn rối băn khoăn… Song buồn thay, những
người đáng phải giải đáp lại cứ làm thinh.
* * *
* * * * * * *
Phụ lục I
"Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm
phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người
khác."
Như đã phân tích
trong bài "Teo dần quyền con người trong Hiến pháp", đó là thủ đoạn lợi dụng…
từ "lợi dụng" để biến những hoạt động chính đáng và hợp pháp của
công dân thành tội lỗi, nhằm hạn chế trên lý thuyết và phủ định trên thực
tế quyền con người, quyền công dân. Để tránh bị phê phán như vậy, họ đã bỏ
bớt từ "lợi dụng" trong mệnh đề
"Không được lợi dụng quyền
con người, quyền công dân để xâm phạm…"
và thay nó bằng
"Việc thực hiện quyền con người, quyền công
dân không được xâm phạm…"
Phụ lục II
Về quyền tự do
ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin, Hiến pháp Đức quy định:
(1) Mọi người có quyền tự do phát biểu
và phổ biến quan điểm của mình bằng lời nói, chữ viết và hình ảnh, và tự do tìm
hiểu thông tin từ các nguồn có thể truy cập phổ thông. Tự do báo chí và tự do
thông tin được đảm bảo. Không được kiểm duyệt.
(2) Những quyền này bị hạn chế bởi các
quy định trong các luật phổ quát, bởi các quy định của Luật bảo vệ thanh
thiếu niên,
và bởi quyền được bảo vệ danh dự cá nhân.
(3) Nghệ thuật và khoa học, nghiên cứu
và giáo dục là tự do. Quyền tự do giáo dục không miễn trừ trách nhiệm trung
thành với Hiến pháp."
Về quyền tự do lập
hội, Hiến
pháp Đức quy định:
(1) Mọi người Đức có
quyền lập hiệp hội và đoàn thể.
(2) Cấm các hội đoàn
mà mục đích và hoạt động của chúng trái với Bộ luật hình sự, hoặc chống lại
trật tự hiến định hay sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
(3)
Quyền thành lập hội đoàn nhằm bảo vệ và thúc đẩy điều kiện lao động và kinh tế
được bảo đảm cho mỗi người và mọi ngành nghề. Những thỏa thuận nhằm hạn chế hay
cản trở quyền này đều không có hiệu lực, các biện pháp nhằm vào chúng đều là
phi pháp. Các biện pháp theo Điều 12a, Điều 35 Khoản 2 và 3, Điều 87a Khoản 4 và Điều 91 không được chống lại
các hoạt động đình công nhằm bảo vệ và thúc đẩy điều kiện lao động và kinh tế
của các hội đoàn được đề cập tại Khoản 1."
Phụ lục III
"Article 12
1. States Parties shall assure to the
child who is capable of forming his or her own views the right to
express those views freely in all matters affecting the child, the
views of the child being given due weight in accordance with the age and maturity
of the child.
2. For this
purpose, the child shall in particular be provided the opportunity to be heard
in any judicial and administrative proceedings affecting the child, either
directly, or through a representative or an appropriate body, in a manner
consistent with the procedural rules of national law."
"Điều 12
1. Các quốc gia thành viên phải đảm
bảo cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình được
quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về tất cả các vấn đề
có ảnh hưởng đến trẻ em và những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng
một cách phù hợp với tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em.
2. Vì mục đích đó, trẻ em
phải được đặc biệt tạo cơ hội nói lên ý kiến của mình trong bất kỳ quá
trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có ảnh hưởng đến trẻ em, trực
tiếp hoặc thông qua một người đại diện hay một cơ quan thích hợp, theo cách thức
phù hợp với những quy định mang tính thủ tục của pháp luật quốc gia."
Có
lẽ ý "trẻ em được… phát biểu… quan điểm… về tất cả các vấn đề ảnh hưởng
đến trẻ em" trong đoạn dịch trên đã hóa thân thành cụm "trẻ em
được tham gia vào các vấn đề về trẻ em" trong Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013. Trước khi lý giải nguyên do hình
thành, xin lưu ý ba khía cạnh mà người đọc có thể hiểu lầm qua bản dịch tiếng Việt của UNICEF.
Thứ
nhất, từ "trẻ em" bóng bẩy có thể khiến người đọc hiểu lầm
rằng nó dành cho cả "giới trẻ em", giống như từ "thanh
niên" dành cho cả "giới thanh niên" và từ "người
cao tuổi" dành cho cả "cộng đồng những người cao tuổi".
Thực ra, "the child" (số ít) chỉ là dành riêng cho cá nhân
từng "đứa trẻ" cụ thể.
"Các quốc gia thành viên phải bảo
đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình,
được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về mọi vấn đề tác động đến trẻ
em…"
Nhưng
không phải như vậy! Điều 12 chỉ đòi hỏi "các quốc gia thành viên phải
bảo đảm" một thứ thôi, đó là "cho trẻ em… được quyền tự do
phát biểu những quan điểm…", và "quyền tự do phát biểu"
đó chỉ cần được bảo đảm cho loại "trẻ em có đủ khả năng hình thành quan
điểm riêng của mình" mà thôi.
Thứ
ba, cụm từ "mọi vấn đề tác động đến trẻ em" dễ khiến người đọc
hiểu lầm là "mọi vấn đề tác động đến" cả giới "trẻ
em" nói chung, trong khi "all matters affecting the
child" chỉ có nghĩa là "tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến đứa
trẻ", tức là " ảnh hưởng đến" chính bản thân cá
nhân "đứa trẻ" (đang được đề cập).
Thực ra, Điều 12 của
"Công ước về quyền trẻ em" chỉ quy định về trách nhiệm phải
quan tâm đến nguyện vọng của đứa trẻ khi quyết định những chuyện liên quan đến bản
thân nó, chứ không phải là quan điểm của trẻ em về những vấn đề chung,
liên quan đến cộng đồng trẻ em. Để tránh hiểu lầm, nên dịch Điều 12 của "Convention on the Rights of the Child" một cách "trần
trụi" như sau:
"1. Các quốc gia thành viên phải
đảm bảo cho những đứa trẻ nào có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng
được quyền tự do phát biểu quan điểm đó về mọi chuyện ảnh hưởng đến bản thân,
và ý kiến của đứa trẻ phải được coi trọng thỏa đáng, tương ứng với độ tuổi và
mức độ trưởng thành của nó.
2. Đặc biệt, vì mục đích đó, đứa trẻ
phải được tạo cơ hội nói lên ý kiến của mình trong bất kỳ quá trình tố tụng tư
pháp hoặc hành chính nào có ảnh hưởng đến nó, trực tiếp hoặc thông qua một
người đại diện hay một cơ quan thích hợp, theo cách thức phù hợp với những quy định
mang tính thủ tục của pháp luật quốc gia."
Sở
dĩ ta dành thời gian để bàn kỹ về đoạn dịch trên, là để tìm hiểu cái lô-gíc
hình thành của một loại "chân lý" sai lạc lưu truyền ở Việt
Nam. Chúng vốn xuất hiện trong văn bản ngoại ngữ nào đó, khi du nhập vào Việt
Nam, được người dịch chọn những từ hoa mỹ để chuyển ngữ một cách "hào
phóng", thay cho cách thể hiện chính xác nhưng bị coi là thiếu văn vẻ.
Ví dụ, có thể dịch "the child" thành "đứa trẻ",
như vậy vẫn giữ nguyên được trạng thái số ít. Nhưng có lẽ người dịch e rằng như
vậy hơi thô thiển, nên đã dịch nó một cách văn vẻ thành "trẻ em".
Hậu quả là: Người đọc dễ hiểu lầm sang số nhiều, không chỉ là một "đứa
trẻ" cụ thể, mà có thể là nhiều "đứa trẻ" chung chung,
thậm chí là cả cộng đồng các "đứa trẻ", tức là cả giới
"trẻ em".
Tương tự như vậy,
nếu dịch "all matters" thành "mọi chuyện" hay
"mọi thứ" thì có vẻ mộc mạc quá, nên chọn cách chuyển ngữ là "các
vấn đề". Khi đã gọi là "các vấn đề", chứ không còn là
"các chuyện nhỏ", nếu viết rằng "phát biểu quan điểm
về" chúng thì chưa đủ phong độ chính trị, nên chọn cụm từ "tham
gia vào". Với tập quán tư duy văn vẻ theo định hướng chính trị như
vậy, mệnh đề
"the child… the right to express
those views in all matters affecting the child"
không được dịch
thành
"đứa trẻ… được quyền phát biểu
quan điểm đó về mọi chuyện ảnh hưởng đến bản thân."
Mà nó được dịch
thành
"Trẻ em… được tham gia vào các
vấn đề về trẻ em."
Phụ lục IV
Ngoài
những trường hợp đã được đề cập trong hai phần 6 và 7, các tác
giả của Hiến pháp 2013 còn "lạm phát" ra nhiều thứ "bảo
đảm" khác.
Có những thứ không
hề được "bảo đảm" trên thực tế. Chẳng hạn:
"Thông tin về đời sống riêng tư,
bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn." (Khoản 1 Điều 21)
"Quyền bào chữa của bị can, bị
cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm." (Khoản 7 Điều 103)
"Chính quyền địa phương… bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và
pháp luật tại địa phương…" (Khoản 1 Điều 112)
Có những thứ "bảo đảm" quá chung chung, không thể
định lượng, hay xác định trạng thái, để xem đã "bảo đảm"
hay chưa. Ví dụ:
"Nhà nước… bảo đảm quyền nghiên
cứu khoa học và công nghệ…" (Khoản 2 Điều 62)
"Nhà nước… bảo đảm trang
bị cho lực lượng vũ trang nhân dân…; bảo đảm đời sống vật chất, tinh
thần của cán bộ, chiến sỹ, công nhân, viên chức…" (Điều 68)
"Uỷ ban thường vụ Quốc hội có
những nhiệm vụ… hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu
Quốc hội."
(Khoản 5 Điều 74)
"Nhà nước bảo
đảm kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội." (Khoản 3 Điều 82)
Có những thứ "bảo đảm" mơ hồ:
"Ngân sách nhà nước… bảo đảm
nhiệm vụ chi của quốc gia." (Khoản 2 Điều 55)
Mọi chi tiêu của
quốc gia đều được tính vào ngân sách nhà nước, vậy chẳng nhẽ "ngân
sách nhà nước… bảo đảm" những thứ được tính vào ngân sách, hay sao?
Còn nếu quan niệm "bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia"
là "thỏa mãn nhu cầu chi của quốc gia", thì mức độ "đại
ngôn" còn tệ hại hơn nữa.
"Tòa án nhân dân tối cao… bảo
đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử." (Khoản 3 Điều 104)
"Áp dụng thống nhất pháp
luật" có
nghĩa là gì? Vì tòa án áp dụng sai pháp luật là chuyện không hiếm, nên "Tòa
án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật" một
cách sai trái hay sao?
Có những thứ "bảo đảm" không kèm
theo trách nhiệm,
như:
"Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm
vụ… góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và
thống nhất."
(Khoản 3 Điều 107)
Nghĩa là chỉ cần "góp
phần bảo đảm" thôi, còn có "bảo đảm" được hay không
thì còn phụ thuộc vào các đối tác và các yếu tố khác. Hay:
"Nhà nước có chính sách bảo
đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới." (Khoản 1 Điều 26)
"Quốc hội có những nhiệm vụ… Quyết định… các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm
quốc phòng và an ninh quốc gia." (Khoản 13 Điều 70)
Có
nhiệm vụ quyết
định các biện pháp, chính sách nhằm "bảo đảm…" không có
nghĩa là phải "bảo đảm…". Trong chế độ mà đường lối luôn
được coi là đúng, mọi sai lầm đều thuộc khâu thực hiện, thì bộ máy hoạch
định chính sách chẳng phải chịu trách nhiệm nào cả.
Có những thứ "bảo đảm" vô thưởng
vô phạt, chẳng kéo theo hệ quả cụ thể nào cả:
"Nhà nước xây dựng và hoàn thiện
thể chế kinh tế, … bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc
dân." (Điều 52)
"Thủ tướng Chính phủ có những
nhiệm vụ… bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc
gia. (Khoản 2
Điều 98)
"Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc
thẩm được bảo đảm." (Khoản 6 Điều 103)
Và có cả thứ "bảo đảm" không
phải… "bảo đảm", mà là được "bảo đảm":
"Trong
trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm
vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện
nhiệm vụ đó." (Khoản 3 Điều 112)
Tức là "chính quyền địa phương" không phải
"bảo đảm" điều gì, mà ngược lại, chỉ cần "thực hiện một
số nhiệm vụ… với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ
đó".
Đặc biệt, Khoản 1 Điều 14
quy định rằng:
"Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân… được… bảo đảm theo Hiến
pháp và pháp luật."
Nếu
chỉ đọc qua, thì dễ tưởng rằng nội dung này trùng lặp với cái được "bảo
đảm" ở Điều 3 Hiến pháp 2013. Song đây không phải là cam kết "bảo
đảm", mà là một thủ thuật để hạn chế quyền con người, quyền công
dân, như đã phân tích trong bài "Hiến pháp vi hiến". "Bảo đảm theo
Hiến pháp và pháp luật" không phải là "bảo đảm"
theo nghĩa thông thường, như mọi người vẫn hiểu, mà có nghĩa là chỉ "bảo
đảm" ở mức độ cụ thể theo quy định trong Hiến pháp và pháp
luật mà thôi.
Ngày 10/9/2014
Bản
gốc được lưu trữ tại trang
Cùng
tác giả:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét