“Ngang, sổ , phẩy, mác họp lại thành chữ. Chữ ghép vào với
nhau thành ra câu. Câu trộn lộn với nhau thành ra chương. Trẻ con 5, 6 tuổi phải
dậy nó biết chữ, biết chữ rồi phải dạy nó chắp chữ thành câu. Chắp 5, 6 chữ
thành câu rồi phải dậy nó sắp câu thành chương: Trước hết hãy dạy sắp 5,6,7 câu
thành một chương, kế dạy đến sắp mười câu trở lên làm một chương! Khi đã sắp được
hơn mười câu thành một chương rồi, lại dạy cho sắp 5 câu hay 4 câu thành một chương,
3 hay 2 câu cho đến 1 câu thành một chương. Khi đã hiểu sắp 1 câu thành 1 chương
thì đưa cho nó vở Mái Tây nó đọc” (Truyện Tây Sương Ký, tr 500).
Trước
khi đọc một blog của GS Tuần, tôi cũng đọc nhiều cuốn sách về viết, nhưng rối rắm.
Và hầu như không có chỉ dẫn kiểu “mách mẹo” tận tình như thế này. Và về viết 1
bài báo khoa học thì hầu như chưa có chỉ dẫn, mặc dù tôi cũng đã được đăng 1 bài
trên Tạp chí 0,5đ nhưng thực tình nghĩ nó chưa đạt, cần phải viết nhiều hơn.
Sau này, đọc nhiều tạp chí gọi là có cộng điểm, tôi cũng thất vọng vì hàm lượng
khoa học trong đó. Nay nhân đọc được những chỉ dẫn cặn kẽ của GS Nguyễn Văn Tuấn,
tôi gom lại, làm sườn bài cho mình. Bạn đọc có thể xem chi tiết các chỉ dẫn tại
bản gốc blog GS Tuấn:
Sau đây là những nội dung trích trong các bài viết của GS
N.V. Tuấn (Úc)
Mục
tiêu số 1 của việc viết bài báo khoa học là truyền đạt thông tin về một vấn đề
khoa học đến các đồng nghiệp, và tường trình những phương pháp hay cách tiếp cận
để giải quyết vấn đề . Các bài báo được viết theo một cấu trúc đặc thù mà
cộng đồng khoa học phải tuân theo.
Tựa đề
(title) bài báo
Tựa đề bài báo được
viết trên trang đầu của một bài báo, thường ở vị trí trung tâm. Không nên
gạch đích hay viết nghiêng tựa đề. Phía dưới tựa đề bài báo là tên tác giả
và nơi làm việc của từng tác giả.
Không nên đặt tựa
đề dài. Tựa đề bài báo không nên dài hơn 20 từ.
Tựa đề bài báo
nên có yếu tố mới. (chú ý chữ “new”, tức “mới”) chắc được nhiều người
chú ý.
Không nên đặt tựa
đề như là một phát biểu Trong khoa học, không có một cái gì xác định và chắc
chắn. Chúng ta không thể nào chứng minh một giả thuyết.
Vì tựa đề bài
báo được sử dụng trong các cơ sở dữ liệu, nên khi đặt tựa đề cần phải để ý đến
những từ khóa (keywords) thuật ngữ tìm kiếm.
Nội dung một bài báo khoa học
Một bài báo khoa học
thường có cấu trúc IMRAD gồm:
1/Dẫn nhập
(introduction), “Tại sao làm nghiên cứu này?” (Why
did you do this study?)
1trang A4
2/Phương pháp
(methods), "Tác giả đã làm gì
và làm ra sao?” (What did you do?) 2-3 trang
3/Kết quả (results),
“Đã phát hiện những gì?” (Tức là trả lời câu hỏi "What
did you find?") 2-3 trang
4/Bàn luận
(discussion). “Những
phát hiện đó có ý nghĩa gì” 1-2
trang
Ngoài
ra, tập san khoa học trong nước thường có phần tóm lược (abstract) 10-12 dòng tóm tắt các khía cạnh chính của một công trình
nghiên cứu hay một bài báo.
Phần
dẫn nhập nói lên kiến thức của tác giả đến đâu trong chuyên ngành. Người
kinh nghiệm chỉ cần đọc qua phần dẫn nhập có thể đánh giá sơ qua về khả năng của
tác giả đến đâu, có cập nhật hóa kiến thức như thế nào, và kĩ năng viết lách ra
sao (chỉ nhìn qua cách dùng thuật ngữ là có thể đoán được). Do đó, tác giả cần
phải nhân cơ hội viết phần dẫn nhập để thuyết phục rằng mình cũng “biết câu
chuyện”.
Phần 1 Dẫn nhập (introduction)
“Tại sao làm nghiên cứu này?”
(Why did you do this study?)
(a)
định nghĩa vấn đề;
(b)
những gì đã được làm để giải quyết vấn đề;
(c)
tóm lược những kết quả trước đã được công bố trong y văn;
(d)
và mục đích của nghiên cứu này là gì.
Định
nghĩa vấn đề rất quan trọng, bởi vì độc giả khác ngành có thể nắm được vấn đề
và biết được tác giả đứng trên góc độ nào. Thông thường, những tác giả là
nghiên cứu sinh viết câu định nghĩa
trong các tập san chuyên ngành.
Trong
phần dẫn nhập, tác giả cần phải nêu cho được tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu.
Để nêu tầm quan trọng, tác giả có thể trình bày những thông tin như tần số của
bệnh (prevalence) trong cộng đồng, hệ quả của bệnh đến nguy cơ tử vong, tăng
nguy cơ mắc các bệnh khác (biến chứng), ảnh hưởng của bệnh đến nền kinh tế nước
nhà, giảm chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn như câu nêu lên qui mô
của vấn đề gãy xương; nhưng để nêu hệ quả thì có thể nhấn mạnh
“pre-mature mortality”, tức là chết sớm! sẽ gây chú ý.
Trong
phần điểm qua y văn, tác giả cần phải trình bày những thông tin cơ bản để cho
người đọc nắm được vấn đề, ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề, và hiểu mục
tiêu của công trình nghiên cứu.
Phần
lớn những ý tưởng trong phần dẫn nhập xuất phát từ y văn, tức những công trình
đã công bố trước đây. Khi điểm qua y văn, nên giới hạn trong những nghiên
cứu đã công bố trong vòng 5 năm trở lại đây, tránh những nghiên cứu đã trên 20
năm hay tránh những thông tin trong sách giáo khoa vì có thể những thông tin
như thế không còn hợp thời nữa. Tuy trình bày thông tin quá khứ, nhưng phải là
những câu chữ của chính tác giả, chứ không phải trích dẫn quá nhiều hay lặp lại
câu chữ của người đi trước. Tất cả những thông tin trong phần dẫn nhập phải
ăn khớp với tài liệu tham khảo. Tác giả nên có những tài liệu tham khảo
đó, chứ không nên trích dẫn theo những những bài báo trong y văn (secondary
citation).
Cách
viết
(a) Không nên viết
quá dài. Viết quá dài rất dễ làm cho người đọc sao lãng vấn đề
chính, và có khi làm mất thì giờ người đọc phải đọc những thông tin không cần
thiết.
(b) Không nên điểm
qua y văn theo kiểu viết sử. Phần lớn những người đọc bài báo là đồng
nghiệp chúng ta, cho nên họ đã có một số kiến thức cơ bản. Do đó, tác giả
không cần phải điểm qua y văn từ thời Hippocrate hay Khổng Tử, cũng không cần
phải “lên lớp” [hay khoe với] người đọc về những khái niệm cơ bản mà người làm
trong ngành phải biết. Một điều quan trọng là những thông tin trình bày
trong phần dẫn nhập phải có liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
(c) Phần dẫn nhập
phải phát biểu mục đích nghiên cứu. Đoạn văn cuối của phần dẫn nhập
là nơi sau khi điểm qua vấn đề và y văn, thì tác giả phải phát biểu mục đích của
công trình nghiên cứu. Cố gắng duy trì nguyên tắc “từ tổng quan đến cụ thể”,
tức là trong phần phát biểu vấn đề thì câu văn mang tính chung chung, nhưng phần
mục đích thì phải cụ thể. Trong nhiều trường hợp, trước phần mục đích,
tác giả nên phát biểu giả thuyết nghiên cứu.
(d) Về văn phạm,
phần dẫn nhập nên viết bằng thì quá khứ, nhất là khi
mô tả những kết quả trong quá khứ. Tuy nhiên, khi đề cập đến những thông
tin mang tính cổ điển mà được cộng đồng chuyên ngành chấp nhận, tác giả có thể
dùng thì hiện tại.
Một
vài ví dụ
Trong bài báo sau
đây, tác giả viết phần dẫn nhập một cách ngắn gọn, chỉ 1 đoạn văn, nhưng cung cấp
đầy đủ thông tin cần thiết để bạn đọc biết vấn đề. Câu đầu tác giả định nghĩa vấn
đề và cố gắng thuyết phục rằng gãy xương là vấn đề nghiêm trọng vì làm tăng
nguy cơ tử vong.
Trong câu thứ hai
tác giả cho biết mật độ xương là một yếu tố tiên lượng gãy xương.
Hai câu kế tiếp tác
giả cho biết mật độ xương thay đổi thay độ tuổi, và tùy thuộc vào hai thông số:
mật độ xương tối đa trong thời “xuân thì”, và tỉ lệ mất xương sau thời kì mãn
kinh.
Câu kế tiếp tác giả
cung cấp thông tin cụ thể hơn, cho biết một phụ nữ trung bình mất khoảng 50%
xương xốp và 1/3 xương đặc, và tỉ lệ mất xương dao động lớn giữa các phụ nữ.
Câu văn thứ tư cho chúng ta biết khoảng trống trong y văn: đó là chưa ai biết tỉ
lệ mất xương có liên quan gì đến gãy xương hay không.
Sau khi đặt vấn đề,
tác giả phát biểu giả thuyết nghiên cứu. Đây là một dẫn nhập có thể nói là rất
logic, vì ý tưởng nối kết nhau. Câu văn đầu cho đến câu văn cuối là một
vòng tròn khép kín. Có lẽ cái hay của tác giả là chỉ tóm gọn phần dẫn nhập
trong một đoạn văn duy nhất với 114 từ! Viết dẫn nhập ngắn gọn và súc
tích như thế đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn tốt và cách dùng chữ một cách chiến
lược.
Câu văn đầu
tiên (It is well recognised that
nonsocomial infection is associated with an increase in morbidity and mortality
together with a significant economic cost [1]) tác giả cho biết vấn đề
quan trọng vì liên quan đến tử vong và tốn kém. Những câu văn sau,
tác giả cố gắng giải thích vấn đề nhiễm trùng ở bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân
qua phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, mà họ nghĩ rằng có cùng nguy cơ.
Tuy nhiên, tác giả không
cho biết vấn đề là gì, đã có ai nghiên cứu gì, và khoảng trống của tri thức là
gì. Ấy thế mà đến câu văn kế tiếp, tác giả giải thích lí do cho
nghiên cứu! (Because of the expected
differences in the nature of risk factors, patients' illnesses in the
therapeutic and infection control measures in the above wards, it was necessary
to conduct a study to assess the nonsocomial infection rates). Thật
ra, mục đích nghiên cứu cũng chưa rõ ràng, vì tác giả không phát biểu giả thuyết làm nền tảng cho
nghiên cứu là gì. Sau khi đọc xong phần dẫn nhập, có lẽ người đọc
không biết ý nghĩa và tầm quan trọng của nghiên cứu này ra sao. Thật vậy,
tác giả chưa thuyết phục độc giả tại sao họ đã thực hiện công trình nghiên cứu!
Nên tránh cách viết như thế này.
Phần dẫn nhập của một
bài báo nên giới hạn trong vòng 1 trang A4. Điều quan trọng nhất là sau
khi đọc xong phần dẫn nhập, người đọc biết được tầm quan trọng của nghiên cứu,
và tại sao tác giả làm nghiên cứu.
Phần II Phương pháp (Methods)
"Tác giả đã làm
gì” (What did you do?) Để trả lời câu hỏi này, tác giả phải cung
cấp thông tin về thiết kế nghiên cứu, bệnh nhân (hay đối tượng nghiên cứu),
phương pháp đo lường, độ tin cậy và chính xác của đo lường, phương pháp phân
tích dữ liệu. Do đó, phần phương pháp nghiên cứu có thể có những tiêu đề
nhỏ như sau:
Thiết kế
nghiên cứu (study design). Phát biểu ngằn gọn về mô hình nghiên cứu.
Đây là câu văn đơn giản, nhưng nói lên giá trị khoa học của công trình nghiên cứu.
Ví dụ: “The study was designed as a cross-sectional investigation, in which
210 women aged between 50 and 85 were randomly sampled by the cluster sampling
scheme.”
Đối tượng
tham gia (Participants). Thông tin về đặc điểm của đối tượng
nghiên cứu đóng vai trò quan trọng để người đọc có thể đánh giá khả năng khái
quát hóa của công trình nghiên cứu. Khi mô tả đặc điểm đối tượng nghiên cứu,
tiêu chuẩn tuyển chọn và tiêu chuẩn loại. Đôi khi tác giả cần phải các biến
số quan trọng như độ tuổi, giới tính, sắc tộc, trình độ học vấn, tình trạng sức
khỏe.
Địa điểm và bối
cảnh nghiên cứu (setting). Cần phải cung cấp thông tin về địa điểm
mà công trình nghiên cứu được thực hiện, hay nơi mà dữ liệu được thu thập, bởi
vì địa điểm có thể ảnh hưởng đến tính hợp lí ngoại tại của kết quả nghiên cứu.
Chẳng hạn như khi chúng tôi làm nghiên cứu về vitamin D, chúng tôi phải cung cấp
thông tin về thành phố mà mình thực hiện công trình nghiên cứu.
Qui trình
nghiên cứu (Procedures). Trong phần này, tác giả phải
tóm lược từng bước nghiên cứu, kể cả những chỉ dẫn cho đối tượng nghiên cứu như
thế nào. Việc phân nhóm trong nghiên cứu, chi tiết về can thiệp hay điều
trị (nếu có). Nếu công trình có liên quan đến ngẫu nhiên hóa, tác giả cần
phải mô tả cụ thể qui trình ngẫu nhiên hóa (randomization) như thế nào, kĩ thuật
gì đã được sử dụng để đảm bảo các nhóm cân đối, v.v…
Ngoài ra, tác giả phải
mô tả cẩn thận kĩ thuật đo lường được sử dụng trong nghiên cứu, như tên của
máy, model gì, software phiên bản nào, và nơi sản xuất. Cần phải mô tả điều
kiện (nhiệt độ, ánh sáng) trong khi đo lường, cũng như các hệ số về độ tin cậy
và độ chính xác của kĩ thuật đo lường.
Định nghĩa chỉ
tiêu lâm sàng (measurements of endpoints). Một công trình nghiên
cứu lâm sàng phải có một endpoint hay outcome, mà tôi tạm dịch là “chỉ tiêu lâm
sàng”, là cái làm thước đo của một thuật can thiệp. Do đó, tác giả cẩn phải
định nghĩa rõ ràng chỉ tiêu lâm sàng của công trình nghiên cứu là gì, và nhất
là phương pháp đo lường (như vừa đề cập) ra sao. Thông thường, một nghiên
cứu có 2 chỉ tiêu lâm sàng mà tiếng Anh gọi là “primary endpoint” (chỉ tiêu
chính) và “secondary endpoint” (chỉ tiêu phụ).
Nên nhớ rằng ở phần
này tác giả chỉ mô tả những biến có liên quan đến bài báo, chứ không phải mô tả
tất cả những biến đã được thu thập trong công trình nghiên cứu. Chẳng hạn
như nếu bài báo chỉ nói về mật độ xương, thì tác giả không cần phải nói đến gãy
xương (vì hai biến này rất khác nhau). Nguyên tắc là: chỉ mô tả những gì
có liên quan đến phần kết quả.
Cỡ mẫu
(Sample Size). Cỡ mẫu là một yếu tố rất quan trọng trong một nghiên
cứu lâm sàng. Thông thường, các nghiên cứu randomized controlled trial
(RCT) phải có một câu văn mô tả cách tính cỡ mẫu. Không phải là công thức
tính (như tôi thấy nhiều bài báo ở Việt Nam), mà là những giả định đằng sau
cách tính. Điều này quan trọng, vì qua giả định, người đọc có thể đánh
giá khả năng mà công trình nghiên cứu có thể giải quyết câu hỏi đặt ra trong phần
dẫn nhập.
Ngẫu nhiên
hóa (Randomization). Trong các công trình nghiên cứu lâm sàng đối
chứng ngẫu nhiên (randomized controlled trial hay RCT), bệnh nhân thường được
phân nhóm một cách ngẫu nhiên. Có nhiều cách phân nhóm bằng máy tính và
thuật toán, cho nên tác giả có trách nhiệm phải mô tả rõ phương pháp phân nhóm
để người đọc có thế đánh giá chất lượng của nghiên cứu.
Mật hóa (còn gọi là Blinding).
Trong các công trình RCT, có khi cả bác sĩ điều trị và bệnh nhân đều không biết
bệnh nhân mình (hay mình) nằm trong nhóm nào của nghiên cứu. Đây là một
biện pháp nhằm tăng tính khách quan khi đánh giá hiệu quả của can thiệp.
Cũng như ngẫu nhiên hóa có thể thực hiện bằng nhiều thuật toán, cách mật
hóa cũng có thể thực hiện bằng nhiều “thủ thuật”.
Phân tích dữ
liệu (Data Analysis). Thiết kế và phân tích các nghiên
cứu lâm sàng đều cần đến các phương pháp thống kê. Do đó, phần này tuy là
phần cuối trong phần phương pháp của bài báo khoa học, nhưng nó đóng vai trò rất
quan trọng. Trong phần phân tích, tác giả phải phát biểu cho được biến phụ
thuộc (hay endpoints hoặc outcome) là gì, biến độc lập (hay risk factors hoặc
covariates) là gì, và định nghĩa rõ ràng các biến này được xử lí ra sao.
Nếu số liệu đã qua hoán chuyển thì tác giả phải giải thích tại sao.
Vì có nhiều phương pháp phân tích số liệu và kiểm định giả thuyết, nên tác giả
còn phải giải thích tại sao đã chọn phương pháp A mà không là phương pháp
B. Đôi khi tác giả cũng phải nói ra đã dùng software nào cho phân
tích. (Nhớ đừng “khoe” software phân tích mà cơ quan hay cá nhân đã “tậu”
một cách bất hợp pháp!)
Nói chung, phần
Phương pháp thường dài gấp 2 hay 3 lần phần Dẫn nhập. Sẽ không có vấn đề gì nếu
tác giả mô tả phần Phương pháp một cách chi tiết, vì nếu tập san thấy không cần
thiết thì họ sẽ cắt bỏ hay đưa vào phần phụ chú (appendix). Nhưng sẽ là vấn
đề nếu tác giả cố tình mô tả phần Phương pháp một cách mù mờ và vắn tắt, bởi vì
người duyệt bài sẽ nghĩ tác giả hoặc là muốn dấu diếm vấn đề hoặc là thiếu
thành thật! Xin nhắc lại rằng gần 70% bài báo khoa học bị từ chối là do
phương pháp không đúng hay mô tả không đầy đủ. Vì thế, tác giả cần phải hết
sức thận trọng trong phần mô tả Phương pháp nghiên cứu, làm sao nói cho được là
“what did you do” (bạn đã làm gì trong nghiên cứu này).
Phần III. Kết quả nghiên
cứu
Làm thế nào trình
bày kết quả trong đống rừng dữ liệu thí nghiệm thu thập và phân tích sao cho
thuyết phục và nhất là phải ăn khớp với phần dẫn nhập.
Chỉ dẫn chung
Về nguyên tắc,
trong phần kết quả, tác giả phải trả lời cho được câu hỏi “Đã
phát hiện những gì?” (Tức là trả lời câu hỏi "What
did you find?") Cần phải phân biệt rõ đâu là kết quả chính và
đâu là kết quả phụ. Phần kết quả phải có biểu đồ và bảng số liệu, và những
dữ liệu này phải được diễn giải một cách ngắn gọn trong văn bản. Những số
liệu phải được trình bày để lần lượt trả lời các mục đích nghiên cứu (hay câu hỏi
nghiên cứu) mà tác giả đã nêu ra trong phần dẫn nhập.
Phần kết quả phải được
viết một cách ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề nêu ra trong phần dẫn nhập.
Tất cả các bảng thống kê, biểu đồ, và hình ảnh phải được chú thích rõ
ràng; tất cả những kí hiệu phải được đánh vần hay chú giải một cách cụ thể để
người đọc có thể hiểu được ý nghĩa của những dữ kiện này. Trong phần kết
quả, tác giả chỉ trình bày sự thật và chỉ sự thật (facts), kể cả những sự thật
mà nhà nghiên cứu không tiên đoán trước được hay những kết quả “tiêu cực” (ngược
lại với điều mình mong đợi). Tác giả không nên bình luận hay diễn dịch những
kết quả này cao hay thấp, xấu hay tốt, v.v.. vì những nhận xét này sẽ được
đề cập đến trong phần thảo luận (Discussion).
Chỉ dẫn cụ thể
Phần kết quả có thể
ví von là “trái tim” của một bài báo khoa học. Cái khó khăn lớn nhất là
làm sao trình bày rất nhiều dữ liệu và phân tích trong vòng vài trang giấy.
Thông thường, tác giả có thể bắt đầu trình bày những dữ liệu đơn giản nhất, những
dữ liệu dễ hiểu nhất, và dần dần cung cấp những dữ liệu phức tạp hơn. Sau
đây là một số chỉ dẫn cụ thể để các bạn có thể trình bày phần kết quả một cách
thuyết phục:
1. Trước
hết, sắp xếp những kết quả quan trọng trong một
loạt bảng số liệu và biểu đồ mà tác giả muốn đưa vào bài báo khoa học.
Tác giả nên viết xuống giấy những kết quả được xem là thú vị, là quan trọng,
nhưng chưa có cơ sở vững vàng. Những kết quả này sẽ là đầu đề để bàn luận
sau này. Nếu kết quả nghiên cứu đơn giản (như bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ,
độ tuổi trung bình, v.v…), thì không cần phải trình bày trong bảng số liệu, mà
chỉ cần mô tả trong bài báo là đủ. Nhưng những kết quả mang tính phức tạo
thì cần phải cần đến bảng số liệu và biểu đồ.
Làm sao biết nên chọn
cách trình bày bằng bảng số liệu hay biểu đồ? Kinh nghiệm của tôi cho thấy
nếu số liệu chính xác là quan trọng cho bài báo, thì nên dùng bảng số liệu; nếu
xu hướng (pattern) là quan trọng hơn là độ chính xác thì nên trình bày bằng biểu
đồ. Dù là bảng số liệu hay biểu đồ, cần phải cẩn thận đặt tên và ghi chú
cẩn thận, sao cho người đọc không cần đọc phần chi tiết trong bài báo vẫn có thể
nắm được ý nghĩa của dữ liệu.
2. Phần
kết quả nên trình bày những dữ liệu để “yểm trợ” cho các mục tiêu đề ra trong
phần dẫn nhập. Phần kết quả chính là nơi để tác giả trình bày cái “ca”
của mình. Do đó, sự khúc chiết ở đây rất quan trọng.
Cần phải nhìn vào dữ
liệu và suy nghĩ cẩn thận về ý nghĩa của chúng là gì. Nếu tác giả mà
không biết dữ liệu mình nói gì, thì người đọc cũng khó có thể hiểu được ý nghĩa
của dữ liệu. Một khi tác giả đã biết dữ liệu của mình nói lên ý gì, thì mới
có thể thiết kế một cách trình bày cho thích hợp và rõ ràng.
3. Khi
mô tả kết quả nghiên cứu, cần phải đề cập đến xu hướng khác biệt (directionality)
và mức độ khác biệt (magnitude). Trong phần kết quả, tác
giả nên cung cấp thông tin quan trọng về mối liên hệ, và khác biệt. Hai đặc
điểm cần chú ý là xu hướng và mức độ khác biệt. Chẳng hạn như không nên
viết "groups A and B were significantly different".
Câu hỏi đặt ra là khác biệt như thế nào? Do đó, câu văn trên cần phải
viết lại cho có thông tin hơn, ví dụ như: "Group A individuals
were 23% larger than those in Group B", hay, "Group
B patients gained weight at twice the rate of Group A patients."
4. Khi
mô tả một bảng số liệu, tránh cách viết liệt kê. Một bảng số liệu có
khi có rất nhiều số liệu phức tạp, mà tác giả có khi cảm thấy lúng túng không
biết nên mô tả số liệu nào trước, và số liệu nào sau. Nguyên lí là chọn số
liệu nào nổi trội, quan trọng, và có liên quan đến mục tiêu nghiên cứu để trình
bày. Nói chung, khi trình bày bảng số liệu, cần (a) tối thiểu hóa lặp lại
những con số trong bảng số liệu; (b) cung cấp cho độc giả những thông tin bổ
sung cho bảng số liệu (nhưng không có trong bảng số liệu); và (c) cố gắng súc
tích.
Đối với những bảng số
liệu phức tạp, tác giả cần phải viết vài dòng giải thích trước khi mô tả dữ liệu.
Trước hết, tác giả
giải thích về mục tiêu một cách ngắn gọn. Sau đó là giải thích ý nghĩa của các
kết quả trong bảng số liệu. Và sau cùng là mô tả dữ liệu trong bảng số liệu.
5. Tác
giả nên báo cáo kết quả “âm tính” (negative results) – vì đây là những
kết quả có khi rất quan trọng! Đôi khi kết quả thí nghiệm không xảy ra
như tác giả tiên lượng lúc ban đầu, hoặc không phù hợp với giả thuyết nghiên cứu,
và tác giả sợ khó công bố bài báo nên cố tình dấu! Nhưng đó là điều không
chấp nhận được trong khoa học. Những kết quả như thế có thể nói lên rằng
giả thuyết nghiên cứu không đúng và cần phải phát biểu lại, hoặc phương pháp đo
lường có vấn đề, hoặc tác giả đang ngồi trên một khám phá rất quan trọng.
Bất cứ lí do gì, tác giả cần phải thành thật trình bày những kết quả “âm tính”,
và đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ vì kết quả không như mình tiên lượng là những “kết
quả xấu”. Nếu tác giả thiết kế công trình nghiên cứu tốt, thì những dữ liệu
kết quả đó là thật, và cần phải được trình bày và diễn giải một cách thích hợp.
Những “không nên” trong phần kết quả
1. Không
nên đưa vào bài báo những thông tin và dữ liệu “lặt vặt”. Nên nhớ rằng lúc nào cũng chú tâm đến dữ liệu
nhằm yểm trợ cho mục đích đặt ra lúc ban đầu, chứ không nên tự đi ra ngoài mục
tiêu của công trình nghiên cứu!
2. Tránh
trình bày một loạt dữ liệu mà không có ý nghĩa gì lớn hay không diễn giải.
Chẳng hạn như cách viết sau đây là phải tránh: "Hours in
sunlight significantly affected growth (Table 1). Soil moisture significantly
affected growth (Table 2). Soil nitrogen also had a significant effect on plant
growth (Table 3)." Thay vì viết như thế, tác giả nên phát
triển mỗi ý tưởng trong bài báo: mô tả ảnh hưởng hay hệ quả; mức độ ảnh hưởng
ra sao; và những thông tin liên quan đến đơn vị so sánh. Một bài báo dài
nên có những tiêu đề nhỏ trong phần kết quả để người đọc có thể theo dõi và đối
chiếu với phần phương pháp.
3.
Không nên dùng những tính từ mang tính áp đặt trong phần kết quả.
Chẳng hạn như không nên viết "This difference was highly
significant (p = 0.001)," mà chỉ cần đơn giản viết rằng "This
difference was significant (p = 0.001)." Người đọc sẽ rất
khó chịu khi tác giả dùng từ “highly” vì họ xem đó là cách đặt chữ vào miệng
người đọc. Tác giả chỉ nền trình bày con số, dữ liệu; người đọc sẽ đánh
giá dữ liệu đó cao hay thấp.
4. Không
nên diễn giải dữ liệu trong phần kết quả. Những bình luận như
"the data suggest that ...." chẳng có ý nghĩa gì cả,
mà còn mang tiếng là nhét chữ vào miệng người đọc! Phần diễn giải dữ liệu
nên để dành cho phần bàn luận (discussion); trong phần kết quả, tác giả chỉ
trình bày sự thật.
5. Phân
tích không chỉ dạy điều gì cả. Nhiều tác giả phạm phải
những lỗi lầm sơ đẳng như câu "The ANOVA showed that.…"
Phương pháp phân tích thống kê không “show”, không chỉ cái gì cả; tác giả mới
chính là người “chỉ” ra kết quả đó có ý nghĩa gì!
Vài lới khuyên về văn phong trong phần kết quả
Về cách viết
trong phần kết quả, nên dùng thì quá khứ và thể thụ động (passive voice).
Phần lớn các tập san y khoa và khoa học nói chung yêu cầu tác giả dùng thì quá
khứ để báo cáo những kết quả thí nghiệm. Tuy phần lớn các bài báo đều viết
theo thể thụ động, nhưng cũng có một số ít tập san (như Lancet và New
England Journal of Medicine) yêu cầu tác giả viết theo thể chủ động
(active voice).
Tuy đóng vai trò
“trái tim” của một bài báo khoa học, phần kết quả cũng chỉ dài khoảng 2-3
trang. Do đó, việc chọn dữ liệu để trình bày cũng như kĩ thuật viết rất
quan trọng trong việc viết phần kết quả cho đầy đủ và thuyết phục. Hi vọng
rằng những hướng dẫn trên đây giúp cho các bạn soạn bài báo khoa học hay luận
án tốt hơn. Cố nhiên, những hướng dẫn này thích hợp cho ngành y khoa và
sinh học, có thể không hẳn thích hợp cho các ngành khác như kinh tế học chẳng hạn.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, tôi nghĩ cách viết cũng không khác nhau mấy giữa các
ngành khoa học thực nghiệm.
Phần IV Bản luận
Một
trong những khó khăn lớn nhất là phần Bàn luận không có một cấu trúc cụ thể
nào. Thật vậy, trong khi phần Phương pháp và Kết quả còn có cấu trúc, còn
phần Bàn luận thì tác giả có thể viết bất cứ gì mình thích (nhưng người đọc có
thích hay không là chuyện khác!)
Tuy không có qui định
cấu trúc cụ thể, nhưng chúng ta có thể học từ bài báo hay để đi đến một qui luật.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy những bài báo hay thường viết phần bàn luận theo cấu
trúc 6 điểm sau đây:
(a) tóm lược giả
thuyết, mục tiêu, và phát hiện chính trong đoạn văn đầu tiên;
(b) so sánh những kết
quả này với các nghiên cứu trước;
(c) giải thích kết
quả bằng cách đề ra mô hình mới hay giả thuyết mới;
(d) khái quát hóa và
ý nghĩa của kết quả;
(e) bàn qua những ưu
điểm và khuyết điểm của công trình nghiên cứu; và
(f) và sau cùng là một
kết luận sao cho người đọc có thể lĩnh hội được một cách dễ dàng.
Trong phần thảo luận,
tác giả phải giải thích, hay đề nghị một mô hình giải thích, tại sao những dữ
kiện thu thập được có xu hướng đã quan sát trong cuộc nghiên cứu. Nếu
không giải thích được thì nhà nghiên cứu phải thành thật nói y như thế: không
biết. Tác giả còn phải so sánh với kết quả của những nghiên cứu trước và
giải thích tại sao chúng (những kết quả) khác nhau, hay tại sao chúng lại giống
nhau, và ý nghĩa của chúng là gì. Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn phải có
trách nhiệm tự mình vạch ra những thiếu sót, những trắc trở, khó khăn trong cuộc
nghiên cứu, cùng những ưu điểm của cuộc nghiên cứu, cũng như đưa ra các giải
pháp khắc phục hay những đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai. Sơ
đồ 2 sau đây có thể dùng để làm dàn bài để viết phần thảo luận.
Sơ đồ cho phần
thảo luận
Câu hỏi cần phải trả lời | Nội dung |
Phát hiện chính là gì? | Phát biểu những phát hiện chính; đặt những phát hiện này vào bối cảnh của các nghiên cứu trước đây. |
Kết quả có nhất quán (consistent) với nghiên cứu trước? | Giải thích tại sao không nhất quán. Có phải do vấn đề địa phương, bệnh nhân, chẩn đoán, đo lường, phân tích, v.v… Phải suy nghĩ và giải thích. |
Giải thích tại sao có kết quả như trong nghiên cứu, mối liên hệ đó có phù hợp với giả thuyết? | Đây là đoạn văn khó nhất, vì tác giả phải suy nghĩ, vận dụng kiến thức hiện hành, và tìm mô hình để giải thích kết quả nghiên cứu của mình. Nếu kết quả là một mối tương quan (như gien và bệnh), phải thuyết phục người đọc rằng mối tương quan này không phải ngẫu nhiên, mà có cơ chế sinh học. Bàn về cơ chế của mối liên hệ một cách thuyết phục bằng cách sử dụng các nghiên cứu trước hay đề ra giả thuyết mới. |
Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu là gì? | Đây là phần “generalization”, khái quát hóa. Đặt kết quả của nghiên cứu vào bối cảnh lớn hơn, và so sánh với các nghiên cứu trước đây. Suy luận về cơ chế (nhưng không nên quá lời hay quá xa xỉ trong khi suy luận, mà phải nằm trong khuôn khổ của dữ kiện thật). |
Phát hiện đó có khả năng sai lầm không? Điểm mạnh và khiếm khuyết của nghiên cứu là gì? | Xem xét những yếu tố sau đây: thiếu khách quan trong đo lường và thu thập số liệu? Số lượng đối tượng ít? Cách chọn mẫu có vấn đề? Các yếu tố khác chưa xem xét đến? Phân tích chưa đầy đủ? Chưa điều chỉnh cho các yếu tố phụ? V.v… |
Kết luận có phù hợp với dữ kiện hay không? | Kết luận phải rõ ràng, nhưng không nên đi ra ngoài khuôn khổ của dữ kiện. Chẳng hạn như nếu kết quả cho thấy hút thuốc lá làm tăng ung thư phổi, tác giả không nên kết luận rằng ngưng hút thuốc lá sẽ giảm ung thư phổi. |
1. Mở đầu
phần bàn luận bằng cách tóm tắt bối cảnh, giả thuyết, mục tiêu và phát hiện
chính của nghiên cứu. Đây thực chất là một đoạn văn tóm tắt
những ý chính trong phần dẫn nhập và kết quả để một lần nữa nhấn mạnh rằng giả
thuyết của tác giả đã được “minh chứng”. Người đọc cảm thấy dễ theo dõi
khi những kết quả chính được tóm lược trong phần mở đầu của bàn luận. Do
đó, tác giả cần phải viết ra kết quả bằng con số (có thể lặp lại ở phần kết quả)
để nhấn mạnh. Chú ý rằng, một bài báo khoa học đôi khi cũng cần “điệp
khúc” để nhấn mạnh, nhưng đừng có quá nhiều điệp khúc như nhạc vì sẽ gây phản cảm.
Ví dụ: Đoạn sau đây
mở đầu bằng câu văn nói về lí do nghiên cứu, kế đến là câu văn mô tả kết quả
chính, và nhấn mạnh đến cái mới của kết quả.
2. So sánh
kết quả của nghiên cứu với các nghiên cứu trước. Trong đoạn văn này, ngoài
so sánh, tác giả còn phải có trách nhiệm phải giải thích tại sao kết quả của
nghiên cứu khác (hay không nhất quán) với nghiên cứu trước. Khi bàn luận
về kết quả nghiên cứu trước, nếu cần, tác giả có thể trích dẫn con số cụ thể và
giải thích kết quả đó có thật sự nằm trong sự kì vọng chung của vấn đề.
Khi xem xét đến các yếu tố có thể giải thích sự khác biệt giữa các kết quả
nghiên cứu, cần chú ý đến những khác biệt về quần thể nghiên cứu (tuổi, giới
tính, đặc tính lâm sàng …), điều kiện địa phương, phương pháp đo lường, phương
pháp phân tích, v.v… Nếu không thể giải thích tại sao có sự khác biệt, tác giả
có thể thành thật nói như thế: không biết!
3. Giải
thích kết quả và cơ chế của những mối liên hệ phát hiện trong nghiên cứu.
Trong phần này, tác giải phải giải thích những kết quả có thể giải thích bằng
kiến thức hiện hành. Trong đoạn văn này, tác giả có thể trích dẫn các
nghiên cứu khác và hệ thống hóa thông tin để giải thích kết quả của nghiên cứu
mình. Tác giả có thể đề ra giả thuyết mới để giải thích. Chẳng hạn
như nếu nghiên cứu phát hiện ảnh hưởng của thuốc bisphosphonates và ung thư vú,
thì tác giả phải tìm những thông tin nghiên cứu trước về cơ chế của mối liên hệ.
Có thể nói rằng đây cũng là đoạn văn khó viết nhất, vì phải hệ thống hóa nhiều
kiến thức hiện hành mà không đi ra ngoài phạm vi của nghiên cứu.
Ví dụ: Đoạn
sau đây tôi trích từ một bài báo mới nhất từ tập san Archives of Internal
Medicine về nghiên cứu so sánh tác hại của 2 thuốc rosiglitazone và
pioglitazone đến bệnh tim mạch. Các tác giả giải thích tại sao sao thuốc
rosiglitazone gây tác hại cao hơn thuốc pioglitazone. Thật ra, họ không
giải thích được, nhưng họ đề nghị giả thuyết để giải thích:
“The
potential mechanism(s) for cardiovascular (CV) harm from rosiglitazone use (and
the differences from pioglitazone use) remains to be elucidated, but there are
several reasonable hypotheses. Rosiglitazone therapy increased low-density
lipoprotein cholesterol (LDL-C) levels as much as 23% in trials, leading to
approval.21 Current FDA guidelines consider a drug that lowers LDL-C levels by
at least 15% “approvable” for presumed CV benefits. Although the FDA has not
established a level of increase in LDL-C that is presumed to cause harm, a drug
that increases LDL-C levels would reasonably be expected to increase CV adverse
events. Interestingly, the lipid effects of the 2 marketed thiazolidinediones,
pioglitazone and rosiglitazone, are markedly different.”
4. Khái
quát hóa kết quả nghiên cứu và giải thích ý nghĩa của kết quả. Trong
đoạn văn này, tác giả cần phải bàn về khả năng mà những phát hiện của nghiên cứu
có thể áp dụng cho một quần thể khác hay không. Nếu áp dụng cho quần thể
khác, thì phải dựa vào giả định (assumptions) nào. Nếu là nghiên cứu về
tiên lượng và chẩn đoán, tác giả có thể bàn về giá trị kinh tế và lâm sàng của
phương pháp chẩn đoán.
5. Bàn luận
về điểm mạnh và điểm yếu của công trình nghiên cứu. Trong nghiên cứu
khoa học, bên cạnh thành công, lúc nào cũng có hạn chế. Một trong những
lí do mà người bình duyệt và chủ biên tập san từ chối bài báo là do tác giả
không chịu bàn luận về những điểm mạnh và hạn chế của công trình nghiên cứu.
Do đó, trong đoạn văn này, tác giải cố gắng suy nghĩ ra những lợi điểm và khuyết
điểm của nghiên cứu mình. Những điểm này (cả mạnh và yếu) có thể là cách
thiết kế, quần thể nghiên cứu, bệnh nhân, cách đo lường, phương pháp phần tích,
v.v… Chẳng hạn như nếu nghiên cứu làm ở quần thể người Việt, thì “điểm yếu” có
thể là kết quả này không thể khái quát hóa cho các quần thể người da trắng.
Cố nhiên, những kết quả không như dự đoán cũng bên được bàn luận đến nơi đến chốn.
Mở đầu đoạn văn này bằng một câu như "The present findings must be
interpreted in the context of a number of potential limitations. The data were
obtained from a Caucasian population in Sydney,
among whom, cultural backgrounds and ... ." Chú ý là tác giả dùng
chữ “potential limitations”!
Thỉnh thoảng, tác giả
có thể dùng kĩ thuật tranh luận “người rơm” (straw man argument). Kĩ thuật
này có thể nôm nà mô tả như sau: dựng nên một hình nộm bằng rơm, rồi phê bình
hình nộm đó để chứng minh rằng nghiên cứu mình không có vấn đề. Ví dụ:
trong đoạn văn sau đây, tác giả đặt ra một vấn đề (mà thật ra không quan trọng)
để làm như quan trọng! “A limitation of this study was that we
could not measure vitamin D2 (ergocalciferol) and 1,25D in this study; however,
the occurrence of this vitamin D (less than 10% of sera) seems not to be a
major problem.” Đoạn đầu, tác giả dựng nên “hình nộm” 1,25D, rồi
ngay sau đó đánh đổ hình nộm đó bằng cách lí giải rằng không có vấn đề gì cả!
Cách bàn luận này chứng tỏ cho người đọc, người bình duyệt thấy rằng tác giả đã
suy nghĩ trước mọi tình huống có thể xảy ra, đã xem xét hết những vấn đề có thể
ảnh hưởng đến nghiên cứu, nhưng … chẳng có vấn đề nào cả. Cách viết như
thế cũng chứng tỏ tác giả suy nghĩ đến kết quả của mình một cách nghiêm chỉnh,
và có tính toán đến cách diễn giải khác. Chú ý, để có kĩ thuật này, tác
giả phải cẩn thận, chứ nếu không thì dễ gây ra phản tác dụng.
6. Sau
cùng là một đoạn văn kết luận, gọi là "big" bottom line.
Đây cũng có thể là đoạn văn khó viết nhất vì nó phải mang tính cô động (chỉ vài
mươi từ thôi), mà phải chuyển tải được kết quả và ý nghĩa của nghiên cứu.
Tôi thường hay nói đùa rằng phải viết làm sao mà khi người ta đọc xong đoạn văn
này, ban đêm về ngủ nằm để tay lên trán, họ vẫn nhớ đến công trình nghiên cứu của
mình! Tiếng Anh gọi đây là "take home message," tức là thông điệp
mà tác giả muốn chuyển tải đến người đọc.
Vì dụ về đoạn văn kết
luận: "In conclusion, these data indicate that the clinically
relevant association between volumetric BMD and body composition is mediated
only through fat mass. Furthermore, lean mass and fat mass, as with .... These
data also suggest that modulation of environmental factors could translate to
clinically relevant changes in BMD and presumably fracture risk."
Chú ý đoạn văn này có 2 câu: câu đầu (“in conclusion”) tóm lược kết quả, và câu
hai (“these data suggest”) có nội dung diễn giải kết quả.
Trong đoạn văn quan
trọng này, cố tránh cách viết vô duyên (nhưng rất phổ biến trong các tập san y
khoa) như "Further research is needed", vì câu văn
này chẳng những thừa, mà còn chẳng có ý nghĩa gì. Đương nhiên là trong
khoa học, một nghiên cứu sao khi hoàn tất đều mở ra một cánh cửa mới, một ý tưởng
mới, cho nên chắc chắn sẽ có thêm nghiên cứu. Câu văn như thế còn cho thấy
tác giả chưa đầu tư thì giờ suy nghĩ đến nơi đến chốn mình muốn nói điều gì!
Một trong những cách
viết cũng có thể làm người đọc “bực mình” là cách viết quá bất định trong phần
kết luận, như "This seems to suggest ..."
(chú ý chữ “seem”) vì nó cho thấy tác giả không chắc chắn về ý nghĩa của nghiên
cứu mình. Một kết quả có nhiều cách diễn giải, và người đọc muốn biết
theo quan điểm của tác giả, cách diễn giải là gì, chứ không phải “seem” (dường
như là)!
Cảm tạ (Acknowledgments).
Thông thường ngay sau phần bàn luận là phần nhỏ để tác giả viết vài dòng cảm
tạ. Cảm tạ những đồng nghiệp đã giúp đỡ cho công trình nghiên cứu, nhưng
họ không đủ tiêu chuẩn để đứng tên tác giả. Cảm tạ những cơ quan đã tài
trợ cho nghiên cứu, hay nhà hảo tâm giúp đỡ tiền bạc cho tác giả trong quá
trình làm việc.
***
Nên nhớ rằng phần
bàn luận là nơi thể hiện sự đóng góp tri thức của tác giả vào kho tàng tri thức
hiện hành. Đây là phần mà tác giả có thể đặt ra giả thuyết mới, hoặc mô
hình mới, hoặc qui luật mới để giải thích hiện tượng qua kết quả nghiên cứu của
mình. Do đó, nếu phần bàn luận được viết tốt, giá trị bài báo sẽ tăng rất
cao.
Riêng những chỉ dẫn
trên đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi đúc kết sau nhiều năm cọ sát, mà có lẽ
các bạn không tìm thấy trong bất cứ sách nào hay bất cứ bài chỉ dẫn nào từ các
chuyên gia phương Tây. Tôi đã làm “thí nghiệm” với nhiều nghiên cứu
sinh của tôi và đồng nghiệp của tôi về cấu trúc đó, và tôi có thể hãnh diện nói
rằng rất có hiệu quả. Do đó, các bạn có thể làm thử bằng cách viết phần
thảo luận theo cấu trúc trên và xác suất thành công có thể lên đến 95%, nếu sử
tiếng Anh cho tốt. Trong các bài tiếp theo, tôi sẽ chỉ các bạn cách sử dụng
tiếng Anh trong từng phần của bài báo khoa học.
Chú thích:
Sau đây là phần bàn
luận của một bài báo mới nhất trên tập san Archives of Internal Medicine
mà tôi nghĩ tiêu biểu cho một bàn luận tốt. Bài này thật ra là một phân
tích tổng hợp (meta-analysis) về tác hại của rosiglitazone (một thuốc điều trị
tiểu đường) đến các bệnh tim mạch. Tôi sẽ trích và có vài ghi chú ngắn:
Mớ đầu phần bàn luận
tác giả cung cấp bối cảnh “câu chuyện”, và tóm lược kết quả chính:
Đoạn dưới đây, tác
giả bàn về ý nghĩa của nghiên cứu, như tuyên bố trong câu văn đầu. Các
câu văn kế tiếp nhằm chứng minh cho câu tuyên bố đó:
Đoạn này giải thích
tại sao tác giả sử dụng phương pháp phân tích, và chỉ ra rằng dùng phương pháp
nào thì kết quả vẫn không khác nhau:
Đoạn này tác giả bàn
về những hạn chế của nghiên cứu:
Đoạn này tác giả bàn
về cơ chế tại sao rosiglitazone có thể gây tác hại:
Và quay lại phần ý
nghĩa. Tôi nghĩ tác giả muốn viết theo cách “điệp khúc”, tức là nhắc lại
tầm quan trọng của nghiên cứu:
Và đoạn kết luận.
Nhưng tôi thì nghĩ tác giả viết đoạn này dài quá. Đáng lẽ ngắn hơn. Nhưng
văn là người, nên có thể đây là phong cách của tác giả!
Phần Tóm lược (Abstract)
Có 2 loại tóm lược:
không có tiêu đề và có tiêu đề. Loại tóm lược không có tiêu đề là một đoạn
văn duy nhất tóm tắt công trình nghiên cứu. Loại tóm lược có tiêu đề --
như tên gọi – là bao gồm nhiều đoạn văn theo các tiêu đề sau đây: Background,
Aims, Methods, Outcome Measurements, Results, và Conclusions. Tuy
nhiên, dù là có hay không có tiêu đề, thì một bản tóm lược phải chuyển tải cho
được những thông tin quan trọng sau đây:
Câu hỏi và mục
đích của nghiên cứu. Phần này phải mô tả bằng 2 câu văn. Câu
văn thứ nhất mô tả vấn đề mà tác giả quan tâm là gì, và tình trạng tri thức hiện
tại ra sao. Câu văn thứ hai mô tả mục đích nghiên cứu một cách gọn nhưng
phải rõ ràng.
Phương pháp
nghiên cứu. Cần phải mô tả công trình nghiên cứu được thiết kế theo
mô hình gì, đối tượng tham gia nghiên cứu đến từ đâu và đặc điểm của đối tượng,
phương pháp đo lường, yếu tố nguy cơ (risk factors), chỉ tiêu lâm sàng
(clinical outcome). Phần này có thể viết trong vòng 4-5 câu văn.
Kết quả.
Trong phần này, tác giả trình bày những kết quả chính của nghiên cứu, kể cả những
số liệu có thể lấy làm điểm thiết yếu của nghiên cứu. Nên nhớ rằng kết quả
này phải được trình bày sao cho trả lời câu hỏi nghiên cứu đặt ra từ câu văn đầu
tiên.
Kết luận.
Một hoặc 2 câu văn kết luận và ý nghĩa của kết quả nghiên cứu. Có thể nói
phần lớn độc giả chú tâm vào câu văn này trước khi học đọc các phần khác, cho
nên tác giả cần phải chọn câu chữ sao cho “thuyết phục” và thu hút được sự chú
ý của độc giả trong 2 câu văn quan trọng này.
Nếu tựa đề bài báo
phát biểu về nội dung của công trình nghiên cứu, thì bảng tóm lược cho phép bạn
mô tả chi tiết hơn nội dung của công trình nghiên cứu. Độ dài của bảng
tóm lược thường chỉ 200 đến 300 từ (tùy theo qui định của tập san). Bảng
tóm lược giúp người đọc nên đọc tiếp bài báo hay bỏ qua bài báo. Do đó,
tác giả cần phải cung cấp thông tin một cách ngắn gọn, nhưng có dữ liệu (chứ
không phải chỉ hứa suông) và đi thẳng vào vấn đề (chứ không phải viết lòng
vòng). Thông thường bảng tóm lược được viết sau khi đã hoàn tất bài
báo.
Sau đây là một bản
tóm lược tiêu biểu có tiêu đề. Bài báo này trình bày một
công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa các thành phần cơ thể (mỡ, nạc,
xương) ở một nhóm phụ nữ Việt Nam sau mãn kinh (LT Ho-Pham, et al.
Contributions of lean mass and fat mass to bone mineral density: a study in
postmenopausal women. BMC Musculoskeletal Disorders 2010, 11:59).
Bản tóm lược có 4 tiêu đề: dẫn nhập, phương pháp, kết quả và kết luận. Phần
dẫn nhập chỉ tóm gọn trong 2 câu văn, với câu đầu nêu vấn đề vẫn còn trong vòng
tranh cãi, và câu 2 phát biểu về giả thuyết và mục đích của nghiên cứu.
Phần phương pháp mô tả số phụ nữ tham gia, độ tuổi, nơi nghiên cứu,
phương pháp đo lường, và phương pháp phân tích. Phần kết quả đi thẳng vào
kết quả chính với những con số cụ thể. Đương nhiên, những con số này sẽ
được lặp lại chi tiết hơn trong bài báo. Phần kết luận chỉ một câu văn có
tính cách trả lời câu hỏi nghiên cứu.
BackgroundThe relative contribution of lean and fat to the determination of bone mineral density (BMD) in postmenopausal women is a contentious issue. The present study was undertaken to test the hypothesis that lean mass is a better determinant of BMD than fat mass.MethodsThis cross-sectional study involved 210 postmenopausal women of Vietnamese background, aged between 50 and 85 years, who were randomly sampled from various districts in Ho Chi Minh City (Vietnam). Whole body scans, femoral neck, and lumbar spine BMD were measured by DXA (QDR 4500, Hologic Inc., Waltham, MA). Lean mass (LM) and fat mass (FM) were derived from the whole body scan. Furthermore, lean mass index (LMi) and fat mass index (FMi) were calculated as ratio of LM or FM to body height in metre squared (m2).ResultsIn multiple linear regression analysis, both LM and FM were independent and significant predictors of BMD at the spine and femoral neck. Age, lean mass and fat mass collectively explained 33% variance of lumbar spine and 38% variance of femoral neck BMD. Replacing LM and FM by LMi and LMi did not alter the result. In both analyses, the influence of LM or LMi was greater than FM and FMi. Simulation analysis suggested that a study with 1000 individuals has a 78% chance of finding the significant effects of both LM and FM, and a 22% chance of finding LM alone significant, and zero chance of finding the effect of fat mass alone.ConclusionsThese data suggest that both lean mass and fat mass are important determinants of BMD. For a given body size -- measured either by lean mass or height -- women with greater fat mass have greater BMD. |
http://tuanvannguyen.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét