Việt Nam không có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông.
Quan chức Mỹ vừa lên tiếng phê bình : Việt Nam chưa có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông.
TQ chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của VN năm 1974, tính đến nay là 41 năm. TQ chiếm 7 bãi đá thuộc Trường Sa của VN năm 1988, đến nay là 27 năm. Còn đường chữ U (chín, mười, hay mười một gạch… chi đó) của TQ, có nơi chỉ cách bờ biển VN khoảng 50km, dành 80% Biển Đông, đã công bố ít nhứt là hơn ½ thế kỷ. Với bấy nhiêu thời gian đó mà VN vẫn không xây dựng nổi một đối sách bảo vệ vùng biển của mình. Lời phê bình của viên chức người Mỹ tố cáo lãnh đạo VN có vấn đề.
Trước hết là tầm nhìn. Lãnh đạo VN trước nay xuất thân từ nông dân, phu đồn điền... đa phần là thất học. Kinh tế mấy mươi năm sau chiến tranh vẫn còn loay hoay với việc nuôi con gì, trồng cây gì. Làm lãnh đạo như vậy là tầm nhìn không xa hơn thửa ruộng. Bây giờ làm kinh tế thị trường. Toàn bộ nhân sự lãnh đạo, theo lời tố cáo của chính họ, tất cả đều hủ bại. Chính họ thú nhận mình là những con sâu.
Thử xem trường hợp người đứng đầu quốc phòng. Ông này có lẽ rành chuyện sân golf hơn chuyện binh thư, nhanh nhẹn trong việc thăng tướng cho sĩ quan hơn chuyện điều binh. Những cuộc diễn binh nhân dịp ăn mừng ngày 30-4, những cuộc thao diễn của không quân, hải quân… cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp (và bệ rạc) của quân đội. Khí tài vẫn là những thứ cũ xì của Nga từ thời chiến tranh lạnh. Vụ hai chiếc SU 22 bị rớt ở đảo Phú Quí hôm qua cho phép ta kết luận như vậy. Hải quân, cảnh sát biển cũng tệ hại không kém. Gặp lúc hữu sự ta mới thấy tình trạng thiếu thốn của quân đội VN. Vụ giàn khoan 981 vào tháng 5-2014 cho ta thấy ngôi nhà Việt Nam đã rách nát. Để chống lại với đoàn tàu hải giám của TQ, VN phải hô hào ngư dân làm « cảm tử quân », dùng những chiếc tàu gỗ mong manh của ngư dân để đối chọi với tàu sắt của TQ.
Đến nước chót nhà nước VN phải muối mặt ngữa tay xin viện trợ (kẻ thù cũ) Nhật, Mỹ để họ bố thí cho những chiếc tàu tuần duyên (đồ đã qua sử dụng) cho lực lượng cảnh sát biển.
Người ta có quyền đặt vấn đề : Dầu hỏa khai thác mấy mươi năm nay, hàng trăm tỉ đô la, đã đi đâu ?. Kiều hối gởi về hàng năm trên chục tỉ đô la, đã dùng vào việc gì ? Đã biết tham vọng của TQ từ sáu bảy chục năm nay. Đã từng là nạn nhân của TQ nhiều lần trong các vụ xâm lăng lãnh thổ, xâm lấn hải phận. Đã từng nhiều lần bị TQ đặt giàn khoan trong thềm lục địa. Từng nhiều lần bị TQ cho gọi thầu khai thác những lô dầu khí trên thềm lục địa của mình... Đâu phải là không có những dấu hiệu báo trước ? Vậy làm sao ta có thể chấp nhận tình trạng bệ rạc của lực lượng hải quân, không quân VN như vậy được ?.
Lãnh đạo VN thiếu tầm nhìn nhưng dư thừa lòng tham. Tiền bạc, của cải của đất nước, thay vì dùng để mua sắm, trang bị khí tài, cải thiện đời sống chiến sĩ để bảo vệ lãnh thổ… thì lại chui vào túi riêng, cho vào những cuộc ăn chơi xa hoa, trác tán của quí vị lãnh đạo.
Nhớ lúc xưa đứng cùng phe với TQ, LX hung hăng đánh Mỹ : còn cái lưng quần cũng đánh.
Nhưng đánh cho ai, để làm cái gì ? « Đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc » là câu trả lời của lãnh đạo CSVN.
Đất nước tan hoang vì chiến tranh. Dân tình ly tán vì chiến tranh. Để lại hơn 4 triệu nạn nhân chiến tranh. Cái giá của chiến tranh quá sức lớn lao. Hệ quả của chiến tranh 4 thập niên qua vẫn chưa giải quyết hết. Nhưng nếu để thực sự bảo vệ đất nước thì đâu ai nề hà việc hy sinh ? Bây giờ lãnh đạo CSVN đã rơi mặt nạ, cũng như TQ đã rơi mặt nạ. Những hy sinh, đổ vỡ của dân tộc, của đất nước… là bổn phận của lãnh đạo CSVN phải đóng góp cho TQ, cho Liên Xô, dưới chiêu bài « nghĩa vụ quốc tế ». Lãnh đạo CSVN đã để lộ ra bộ mặt làm tay sai. TQ để lộ ra bộ mặt của tên bành trướng. Tất cả các chủ thuyết mác xít, chủ nghĩa quốc tế, những lý tưởng cộng sản… nghe qua rất êm tai kia, thực sự chỉ là phương tiện để các nước cộng sản đàn anh can thiệp vào nội bộ các nước chư hầu nhằm phục vụ cho lợi ích riêng tư của quốc gia, dân tộc họ.
Bây giờ thì sáng mắt, phải nhục nhã năn nỉ Mỹ, xin bỏ lệnh cấm vận (vũ khí sát thuơng), xin xỏ từ chiếc tàu phế thải.
Vậy mà những ngày kề cận 30-4, báo chí, truyền hình trong nước vẫn chỉ ra rả những chiến công lẫy lừng, ca ngợi cuộc chiến thần thánh « đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào ». Chỉ có người vô liêm sỉ mới có thái độ hai mặt, lật lọng như thế.
Trong khi nhu cầu liên kết với Mỹ, không phải để chống Trung Quốc, mà chỉ để dựa vào bảo vệ quyền lợi của đất nước, là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Nếu VN có một sách lược đứng đắn về an ninh, quốc phòng, những hàng đầu tiên là phải liên minh với Mỹ. Từ xưa đến nay, kinh nghiệm lấy từ lịch sử thành hình các quốc gia trên thế giới cho thấy việc dựa vào kẻ mạnh, kết bạn với kẻ mạnh… luôn là vũ khí hữu hiệu của kẻ yếu để tự bảo vệ lấy mình.
Hành vi tuyên truyền của đảng CSVN là dấy lại quá khứ, thắp lại lòng hận thù chống Mỹ. Không biết họ làm vậy là nhằm mục đích gì ?
Sách lược dựng nước và bảo vệ đất nước không có, lãnh đạo chỉ có lòng tham và cái quá khứ làm tay sai. Họ ra sức tuyên truyền là để khỏa lấp cái quá khứ làm tay sai, hủy hoại đất nước. Tinh thần binh sĩ chiến đấu cao đến đâu, với lãnh đạo như vậy, với khí tài như vậy, cũng phải bó tay chịu chết mà thôi.
Nhưng khủng hoảng Biển Đông, sách lược của VN không chỉ bao gồm răn đe quân sự, mà còn ở sức mạnh của lý lẽ, của nền tảng pháp lý. Vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ, hải phận. Tức là, ngoài các vấn đề thuộc an ninh quốc phòng, còn có hồ sơ pháp lý (bao gồm lịch sử, luật pháp quốc tế v.v…)
Nhận xét cho rằng « Việt Nam chưa có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông », vì vậy bao hàm luôn vấn đề pháp lý. Khi nói lãnh đạo VN có vấn đề thì cũng phải nói học giả Việt Nam có vấn đề.
Việt Nam đến hôm nay vẫn không xây dựng được một hồ sơ pháp lý vững chắc, có thể thuyết phục dư luận thế giới. Các nước người ta lên tiếng bênh vực VN, như Hoa Kỳ, Nhật… là do sự ngang ngược của TQ, là để bảo vệ quyền lợi quốc gia họ ở Biển Đông, chứ không hề do sự thuyết phục của hồ sơ chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự thê thảm trong hồ sơ pháp lý của VN đến từ sự ngụy biện (chuyên nghiệp) của học giả VN chuyên về Biển Đông. Dĩ nhiên ngoại lệ một vài vị hiếm hoi có vừa có kiến thức, vừa có lương tâm và tinh thần khoa học.
Điểm yếu trong hồ sơ chủ quyền của VN, mọi người đều có thể tham khảo ở các tuyên bố, các công hàm… chính thức của TQ công bố trước diễn đàn LHQ trong thời gian gần đây. Tất cả tập trung ở hai điểm : 1/ công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng và 2/ các bản đồ do VNDCCH ấn hành. Cả hai « bằng chứng » này không chỉ được phía nhà nước và học giả TQ lập đi lập lại nhiều lần, chúng còn được ghi lại trong nhiều tập sách của học giả nước ngoài (nghiên cứu về Biển Đông).
Hầu hết những nỗ lực của học giả VN, từ trước đến nay, đều nhằm vào việc « hóa giải » hiệu lực công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng. Một số nại những « bằng chứng » từ các bản án, những phán quyết của Tòa Án quốc tế. Nhưng khi tôi « rà soát » lại, thì thấy rằng phần lớn đã diễn giải sai nội dung, không đúng ý nghĩa ở các phán quyết của Tòa. Có thể họ sai do sơ ý lúc dịch thuật. Cũng có thể sai do chưa hiểu hết ý nghĩa nền tảng của các lý thuyết luật học (như Estoppel, Acquiescement). Các tác phẩm nghiên cứu của họ chỉ có thể « ru ngủ » người dân trong nước chứ không thể thuyết phục dư luận nước ngoài.
Điều thê thảm của (nền học thuật VN) là những người đi sau, thay vì nỗ lực nghiên cứu, đã chỉ đơn thuần cóp py từ người này sang người khác. Chỉ cần người đi trước sai là hàng loạt người đi sau lặp lại y chang cái sai của người đi trước. Ta thấy những điểm sai từ những học giả đi đầu như Lưu Văn Lợi, Từ Đặng Minh Thu, Nguyễn Hồng Thao… đã được nhắc lại ở các « học giả » đi sau.
Tức là, học giả VN đã chỉ làm công tác tuyên truyền, giúp cho nhà nước VN ru ngủ người dân, bịt mắt người dân trước những hành vi « bán nước » của đảng CSVN.
Đó là ta không nhắc đến các việc giải thích sai nội dung các công ước quốc tế (như trường hợp Vũ Quang Việt và Tạ Văn Tài) nói về hiệu lực các kết ước quốc tế.
Có người (nhóm người), vì muốn « hóa giải » công hàm Phạm Văn Đồng, đã lên tiếng yêu cầu nhà nước VN « nhìn nhận » VNCH (đã) là một quốc gia. Lập luận của họ, vì VNCH và CNDCCH là hai « quốc gia độc lập có chủ quyền », các tuyên bố của bên này (VNDCCH) sẽ không ảnh hưởng gì đến lãnh thổ do bên kia quản lý. Đây cũng chỉ là ngụy biện nhưng tầm tác hại có thể vô biên. Tôi đã lên tiếng cảnh báo rằng, nếu nhà nước VN làm điều này thì muôn đời cháu con VN sẽ vô phương lên tiếng đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến nay sự ức hiếp của TQ đã vượt mọi giới hạn. Trong một bài viết trước đây tôi đã cảnh báo rằng việc TQ xây dựng các bãi đá tại Trường Sa (mà họ chiếm của VN năm 1988), đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Nhiều lần tôi đã lên tiếng khuyến cáo nhà nước VN phải kiện TQ, với những đề nghị hợp lý, khả thi. Đó lý ra phải là một « đối sách » của VN trước sự hung hăng của TQ. Nhà nước VN thủ khẩu như bình. Kết quả chuyến đi của ông Trọng (chầu Bắc Kinh) vừa rồi cho ta thấy điều này.
Nước đã dâng đến cổ. Cấp bách dến mức các nghị sĩ, các học giả, viên chức Hoa Kỳ phải nóng ruột lên tiếng cho VN. Trong khi học giả VN vẫn tiếp tục ngụy biện. Có người vừa qua lên BBC cho rằng vì VNCH làm mất Hoàng Sa nên gây khó khăn trong việc đòi lại.
Vậy thử hỏi, các bãi đá ở Trường Sa như Chữ Thập, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Gaven, Châu Viên, Subi… mất vào năm 1988, do nhà nước VN hiện nay làm mất, việc đòi lại cũng đâu có dễ dàng hơn ?
Do đó mất nước, nếu xảy ra, là do tầm nhìn của lãnh đạo. Mà theo thói quen quốc tế, chiến lược bảo vệ và phát triển quốc gia được thành hình và hoàn thiện theo thời gian, trong đó sự đóng góp của học giả là nền tảng. Như vậy mất nước, nếu xảy ra, cũng là do lớp học giả, trí thức VN.
Một điều quan trọng khác, cho trường hợp VN, là các cơ quan truyền thông trong nước đều do nhà nước quản lý. Do đó không hiện hữu việc « phản biện » giữa các học giả, trí thức… trên các vấn đề của đất nước. Truyền thông nước ngoài, (trên danh nghĩa) đứng ngoài vòng kiểm soát của đảng CSVN. Nhưng cũng có thành phần (như BBC) có lề lối làm việc và cách hành sử như truyền thông trong nước. Họ cũng chỉ « phát thanh » một chiều. Trong những vấn đề quan hệ đến đất nước, họ không chấp nhận « tiếng nói khác ». Truyền thông như vậy cũng để "ru ngủ" mà thôi.
Vì vậy mất nước, nếu xảy ra, là do mình. Mình chỉ tiếp tay cho Trung Quốc dễ dàng làm việc đó mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét