Gs Nguyễn Văn Tuấn/ Theo FB Nguyen Tuan
Tôi đọc 2 cuốn "Đèn cù" (của Trần Đĩnh) và " Những lời trăng trối "
(Trần Đức Thảo) một lúc. Vì đọc chưa xong nên chỉ có thể viết linh tinh
vài cảm nhận đầu tiên. Cả hai cuốn sách đều nói về chế độ cộng sản cùng
những con người trong chế độ đó, và qua đó chúng ta có thể giải thích
tại sao VN bị lệ thuộc vào Tàu suốt mấy mươi năm qua và tại sao VN vẫn
còn ở dưới đáy của bậc thang phát triển như hiện nay và có thể cả tương
lai.
Nhưng cách tiếp cận hay cấu trúc thì rất khác nhau giữa hai
tác phẩm. Đèn Cù có vẻ tập trung vào những cá nhân gầy dựng chế độ và
những con người yểm trợ chế độ cộng sản ở VN. Tác giả được sống gần các
nhân vật đó một thời gian dài và có thể tiếp cận nhiều thông tin có thể
nói là thú vị. Chẳng hạn như tác giả được phân công viết một phần tiểu
sử ông Hồ và có dịp tiếp cận thông tin về cá nhân ông ở địa phương, và
ông cả Khiêm (anh ruột ông Hồ) cho biết ông Hồ sinh năm 1891 (chứ không
phải 1890) nhưng tác giả không đào sâu phân tích chi tiết này. Tác giả
cũng không viết một cách rạch ròi về gia phả của ông Hồ. Thật ra, hầu
như bất cứ nhân vật nào, tác giả chỉ phác hoạ sơ sơ, bề mặt, chứ không
hề có đào sâu. Tuy nhiên, cảm nhận của tôi khi đọc những đoạn trong Đèn
cù, ông cụ Hồ là một người có vẻ thờ ơ và lạnh lùng với thân nhân, anh
em của ông. Ông không hề nhắc đến cha mẹ, anh chị em, và từ ngày ông đạt
được quyền lực tột đỉnh, cũng không về thăm và ở lại quê.
Lại
có những đoạn mô tả các nhân vật chóp bu trong đảng làm cho độc giả ngạc
nhiên về trình độ văn hoá và nhận thức của họ. Chẳng hạn như đoạn tác
giả thuật lại chuyện Lê Duẩn hỏi Bs Phạm Ngọc Thạch rằng rau muống luộc
và rau muống xào cái nào tốt hơn. Một đoạn khác, tác giả cho chúng ta
biết về quan điểm của Lê Duẩn liên quan đến in tiền. Chuyện kể rằng ông
Duẩn phàn nàn với Thành uỷ Hà Nội sao không bán giường tủ cho công nhân
viên và trừ lương hàng tháng, nhưng Thành uỷ nói không có tiền, ông Duẩn
bèn phán không có tiền thì in tiền. Ông giảng giải thêm: "Không sợ lạm
phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát chứ ta, chuyên chính vô sản
thì sao lại là lạm phát mà sợ?”
Ở một đoạn khác, tác giả thuật
lại một chuyện khá bi hài về số phận của ông Trần Đức Thảo (TĐT). Chuyện
kể rằng Lê Duẩn mới viết xong một đề cương về con người, và triệu tập
TĐT đến để nghe và cho ý kiến. Khi ông Duẩn đọc xong đề cương, ông TĐT
im lặng không nói gì, nhưng khi được đốc thúc thì ông Thảo nói ông chẳng
hiểu gì cả. Thế là ông Duẩn đùng đùng nổi giận "hai tay quàng ôm lấy
ngực triết gia, xốc lên, dội xuống mấy lần, rồi 'buông thịch' xuống một
cái cho ông giáo sư rơi xuống ghế ngồi."
Có lẽ điểm làm cho Đèn
cù thu hút nhiều độc giả là ở cái tính cá nhân, mà theo đó, tác giả mô
tả có vẻ rất thật cá tính của từng người mà ông có dịp tiếp xúc. Thỉnh
thoảng trong sách tác giả còn chêm vào những câu chuyện sex hay có màu
sắc sex, rất dễ thu hút những người Việt tò mò. Có những chi tiết buồn
cười như tác giả chạy theo để dòm ông Hồ Chí Minh … đi tiểu, và khi bị
phát hiện, tác giả "liếc nhanh vào chỗ kia của Cụ. Và chỉ thấy vùng ấy
hơi tôi tối - nâu nâu hay hồng hồng? Ô, cũng như mọi người?” Đọc đoạn đó
chỉ làm cho chúng ta tức cười. Nhưng cũng có vài đoạn làm cho người đọc
phẫn nộ về sự dã man của quân du kích khi họ dẫm đạp thi thể bà Nguyễn
Thị Năm xuống áo quan vốn quá hẹp so với thân thể của bà. Có lẽ chi tiết
quan trọng nhất trong phần "Cải cách ruộng đất" là ông Hồ từng viết bài
dưới bút hiệu "CB" tố cáo bà Nguyễn Thị Năm, và ông cũng bịt râu để xem
đấu tố bà Năm. Chi tiết này cho thấy ông Hồ hoàn toàn đứng đằng sau vụ
đấu tố chứ không phải chỉ làm theo áp lực của cố vấn Tàu như nhiều người
nghĩ.
Qua cách mô tả rất sinh động của Trần Đĩnh, độc giả sẽ
thấy được những con người trong hệ thống đảng đã và đang được hệ thống
tuyên truyền đề cao (hay thậm chí thần thánh hoá) chỉ là những con người
rất bình thường và rất tầm thường. Họ không tỏ ra là những người minh
triết hay có những phát kiến gì đáng chú ý. Qua ngòi bút của tác giả, ai
cũng có thể thấy họ là những người cực kì giáo điều, tin tưởng vào Mao
và Stalin gần như tuyệt đối. Họ sẵn sàng chấp nhận "giáo lí" Mao –
Stalin, và có vẻ háo hức tình nguyện được làm "tín đồ" của tôn giáo đó.
Họ muốn đưa VN thành một thành viên trong cái thế giới đại đồng mà tôn
giáo Mao-Stalin vẽ ra. Còn sự tầm thường của họ sẽ làm cho nhiều người
hâm mộ cảm thấy thần tượng bị sụp đổ hay khó tin.
Khác với "Đèn
cù" có xu hướng tập trung vào nhân vật trong hệ thống, cuốn "Những lời
trăng trối" thì tập trung vào phân tích nền móng của chế độ và chủ
thuyết cộng sản. Những lời trăng trối cũng có những đoạn mô tả cá nhân,
nhưng đó chỉ là một chất liệu để tác giả TĐT phân tích và diễn giải
thêm. Chẳng hạn như đoạn mô tả TĐT gặp ông Hồ trong An Toàn Khu (ATK
cũng được Trần Đĩnh nhắc đến) đầy kịch tính. Người ta phải đến nói cho
ông TĐT biết về qui tắc gặp lãnh tụ ra sao, như phải đứng cách lãnh tụ 3
mét, không được giơ tay bắt tay trước mà phải chờ, không được nói leo,
phải xưng là "bác" và "cháu" chứ không được xưng "tôi", v.v. Đến khi
lãnh tụ đến nơi, cuộc diện kiến chỉ có 1-2 phút với chưa đầy 4 câu nói:
- À! Chào chú Thảo! Chú về đây đã được bao lâu rồi?
- Cháu xin kính cháo bác! Cháu về đây được 5 hôm rồi.
- À này chú Thảo! Bác biết ở bên Tây, chú đã đọc nhiều sách vở, nhưng bây giờ về đây, thì chú phải gắng mà học tập nhân dân, nghe không? Thôi bác có hẹn nên phải đi kẻo trễ.
Thế là "bác đi". Nhưng cái câu
"nhưng bây giờ về đây, thì chú phải gắng mà học tập nhân dân, nghe
không" được TĐT bỏ ra gần chục trang để phân tích! Ông cảm thấy ông là
một đối tượng có vấn đề, và vấn đề là nhiễm tư tưởng phương Tây. Ông cảm
thấy mình bị răn đe. Ông phân tích rằng trong cái nhìn của đảng, nhân
dân chính là đảng, thành ra học tập nhân dân tức là học tập đảng! Ông
TĐT lật đi lật lại cái câu "học tập nhân dân" và lí giải trong bối cảnh
của ông. Ông đi đến kết luận rằng ông Hồ là một người rất phức tạp, hành
tung bí mật (lúc thì đóng vai tình báo, lúc là sĩ quan mang lon thiếu
tá trong Bát bộ quân, lúc vận áo cà sa, v.v.), thái độ khó hiểu, lời nói
có khi đầy mâu thuẫn. Ông TĐT kết luận rằng đó là một "con người có
tung tích bí ẩn, có tâm thức đa nghi, có phản xạ đa diện, nhạy bén, sẵn
sàng chụp bắt mọi cơ hội, dù là mâu thuẫn với lí tưởng, với học thuyết,
đối nghịch với lương tri, nhưng điều cốt yếu là để đạt tới mục tiêu."
Trong Những lời trăng trối không có những câu chuyện cá nhân mang tín
vụn vặt như Đèn cù. Thay vào đó, Những lời trăng trối có những kiến giải
theo tôi là sâu sắc về chế độ và những phân tích tâm lí rất đáng học
hỏi. Những kiến giải đó chỉ để tác giả kết luận rằng "Chính ông Marx đã
sai", và "không một ai muốn phấn đấu để trở thành con người vô sản". Tác
giả lặp đi lặp lại 2 khẳng định đó như để nói rằng chủ thuyết cộng sản
(mà tác giả từng có thời ủng hộ) là sai, là nguyên do của những thất bại
và đau khổ cho một thế giới không nhỏ trong một thời gian dài. Ông giải
thích:
"Chính vì lâu đài tư tưởng của Marx, mà từ đó đi ra nhữg
lãnh tụ đã thành những ác quỉ tuỳ tiện, lộng hành quyền lực, khiến hàng
vạn chiến sĩ cộng sản đã bị hi sinh một cách oan uổng và vô ích … và ở
nước ta có hàng triệu người bỏ làng mạc, bỏ mổ mả tổ tiên để di tản vào
Nam năm 1954, và rồi đã có hàng triệu người đã liều chết bỏ cửa bỏ nhà
chạy ra biển gây thảm cảnh "thuyền nhân" sau 1975 … làm cả thế giới rơi
lệ. Thành phần dân chúng khốn khổ ấy, vì đã hiểu, đã nếm mùi lâu đài
'thế giới đại đồng' của Marx, nên họ đã liều chết bỏ chạy! Là vì họ muốn
đi tìm nơi có công bằng, bác ái, có tự do và hạnh phúc thật sự" (Trang
342).
Một đoạn khác, ông giải thích cái gọi là "quỉ" như sau:
"Quỉ ấy là thứ đầu óc đầy gian sảo, hung bạo của quyền lực. Quỉ ấy là ý
thức đấu tranh giai cấp, là thứ cuồng tín bạo lực và hận thù, là những
khái niệm sai trái, độc ác ở trong đầu con người, nó thúc đẩy con người
lao vào đam mê tìm thắng lợi bằng mọi thủ đoạn của tội ác, bằng đủ thứ
quỉ kế, để mưu đồ củng cố cho chế độ độc tài, độc đảng. Những vinh quang
độc tài, độc đảng ấy đều là phù phiếm, vì chúng làm khổ con người! Xét
như vậy là thấy rõ là quỉ nó vẫn ở với người, vẫn ở trong con người lãnh
đạo."
Còn rất nhiều đoạn như tôi vừa trích để cho thấy TĐT
không quan tâm nhiều đến cá nhân, mà chỉ kiến giải hành vi của cá nhân.
Một số người cho rằng một điểm yếu của Những lời trăng trối là do người
khác ghi lại lời nói của ông TĐT, và nghi ngờ chẳng biết ghi chép có
chính xác. Đến nay thì người ghi chép đã công bố cuốn băng có lời nói
của ông TĐT:
Có thể nói rằng Những lời trăng trối có hàm lượng tri thức hơn hẳn cuốn
Đèn cù. Nhưng trong thực tế, tôi thấy hai cuốn này bổ sung cho nhau.
Một cuốn phân tích những sai lầm của chủ thuyết từ cơ bản, và một cuốn
thì mô tả sự ứng dụng của chủ thuyết đó bởi những con người cuồng tín
đầy ấp những bất cập và khiếm khuyết. Hệ quả là đất nước lâm vào cảnh
điêu tàn trong một thời gian dài, và cho đến ngày nay vẫn còn nằm dưới
đáy của bậc thang phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét