Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

THẤY GÌ QUA NHỮNG PHÁT NGÔN?

Tháng 7 thành phố "Tam Sa" chính thức "ra đời" bởi mẹ mìn Trung Quốc, đánh dấu một mốc điểm lịch sử quan trọng cho tiến trình từng bước xâm chiếm Việt Nam trong chiến lược bành trướng của bá quyền phương bắc.
Chính sách phải và chỉ được để cho "đảng và nhà nước lo" đã lưu lại những dấu ấn của con mộc "made in China" tại Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, một vùng diện tích bằng tỉnh Thái Bình ở biên giới Việt Trung và bây giờ là Hoàng Sa - Trường Sa với bảng hiệu mới trương: Tam Sa.

Sự "bức sinh" của Tam Sa như là một hình thức "bức tử" Hoàng Sa - Trường Sa một cách chính thức, người ta thấy gì về phản ứng ở tầm lãnh đạo quốc gia? Và từ đó thấy gì ở bản chất qua những phản ứng này?

Ngày 19/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và việc ngày 21/7 Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã "lo" gì trước hành động chính thức xâm lược này?
Đảng thì hoàn toàn im lặng mặc dù mọi hiệp ước ký kết giữa hai quốc gia đều do ông Tổng bí thư của đảng đặt viết ký.
Nhà nước thì phải đợi đến 5 ngày sau, 24/7, mới có động thái. Và động thái ấy không gì khác hơn là phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lương Thanh Nghị ra tuyên bố:
“Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp".
Cùng ngày, Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cùng ra tuyên bố phản đối những hành động trên của Trung Quốc. Đà Nẵng và Khánh Hòa là các địa phương có nhiệm vụ quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam:
"Chính quyền và nhân dân Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa một lần nữa hết sức lo ngại và bất bình. Những hành động sai trái của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam".
(Theo VNExpress)

Trong khi đó, tại Philippines trước hành động xâm lược leo thang của Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarbourough, tổng thống Benigno Aquino - chứ không phải một nhân viên nào của Bộ ngoại giao - nhấn mạnh:
" Đây không phải là lúc nói về một cuộc chiến. Đây không phải là lúc nói về sự bắt nạt. Đây là lúc nói về việc đạt được hòa bình. Đây là lúc nhìn nhận khả năng của chúng ta để bảo vệ chính mình." (This is not about picking a fight. This is not about bullying. This is about attaining peace. This is about our capability to defend ourselves).
"Nhưng nếu có ai đó vào sân nhà anh và nói với anh rằng đó là của sân của họ thì anh có đồng ý không? Nếu chúng ta từ bỏ những gì lẽ ra thuộc về chúng ta liệu có đúng không?" (But if someone entered your yard (territory) and told you he owned it, would you agree? Would it be right to give away that which is rightfully ours?)
"Tôi không nghĩ rằng có gì quá đáng khi yêu cầu quyền của chúng tôi phải được tôn trọng, cũng như chúng tôi tôn trọng quyền của họ với vị thế là một quốc gia láng giềng trong một thế giới mà chúng ta cần chia sẻ."(I do not think it exccessive to ask our right be respected, just as we respect their rights as a fellow nation in a world we need to share)

Đó là lời người lãnh đạo của Philippines.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - tất cả đều là ủy viên Bộ chính trị của đảng duy nhất đang cầm quyền - ở đâu trong lúc này?

Trước những động thái ngày càng gây hấn của Trung Quốc, nhà nước Việt Nam, chỉ qua vai trò của một người phát ngôn đang để cho cả thế giới thấy rõ phương thức bảo vệ lãnh thổ, và danh dự của quốc gia ở Việt Nam là cách phát đi phát lại đoạn băng rè được thâu sẵn từ năm 2007 cho đến nay.

Không có thêm động thái nào mới có tính chất quyết tâm khẳng định chủ quyền từ phía các lãnh đạo cao cấp Việt Nam.
Họ mắc nghẹn cái gì mà không nói nên lời?

Mất Hoàng Sa, mất Trường Sa, đâu phải chỉ có hai ông chủ tịch thành phố Đà Nẵng và chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chịu đau, chịu nhục?
Trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, cùng với câu “trấn an” lòng dân bất hủ “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”, các nhà lãnh đạo Việt Nam hình như muốn chứng minh cho cả thế giới thấy khả năng chịu nhục của mình đã đạt đến cấp độ cao.

Và trên thực tế, bỏ qua các hành vi xâm chiếm leo thang của Trung Quốc từ năm 2007 cho đến nay, phiên tòa kín xét xử ba bloggers, các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), AnhbaSG (Phan Thanh Hải), Tạ Phong Tần – những người đã từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc, có những bài viết mạnh mẽ về chủ quyền biển đảo Việt Nam đầu tiên - dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 07/08/2012 sắp tới đây, như một minh chứng hùng hồn rằng: chỉ có người dân Việt Nam phản đối chính sách bành trướng bá quyền của Trung Quốc, còn chính phủ Việt Nam thì không.

2007 – 2012, 5 năm, không quá ngắn, cũng chẳng quá dài, với nhiều chuyến thăm viếng cả ngoại giao lẫn công vụ chính thức, với nhiều văn kiện được ký kết, trong đó, gần nhất là  văn kiện Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển năm 2011 căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993 thì kết quả cuối cùng là thành phố Tam Sa đã được thành lập, và phiên họp đầu tiên đã diễn ra tại đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Dẫu biết rằng mọi sự so sánh chỉ là khập khiễng, nhưng hãy thử ngẫm lại lời Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino trong thông điệp liên bang đọc trước quốc hội khi kêu gọi toàn dân hãy đoàn kết cùng với những nỗ lực của chính phủ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình: "Không thể cho đi những gì hợp pháp thuộc về chúng ta. Vì vậy, tôi kêu gọi sự đoàn kết từ người dân về vấn đề này. Chúng ta hãy có chung một tiếng nói” để có thể thấy rõ hơn vị thế và vai trò cùng trách nhiệm của những người lãnh đạo Việt Nam.
Họ có đi chung một con tàu với dân tộc này trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hay không?
Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Biên giới Việt Trung, Hoàng Sa, Trường Sa là câu trả lời.
Những bản án, những cú đạp, cái đấm vào mặt nhân dân, những hàng rào người quanh nhà lẫn những những hàng rào song sắt với áo xanh lá cây, áo vàng, lẫn áo xanh da trời ngăn chận người dân thể hiện lòng yêu nước, khẳng định chủ quyền và phản đối Trung Quốc xâm lược là câu trả lời.
Những Đại hội đại biểu toàn quốc hội hữu nghị VN-TQ, những cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt-Trung là câu trả lời.
Và sự im lặng của những người đang nắm quyền lãnh đạo cao nhất nước trước sự việc Tam Sa là câu trả lời.
                                                                         Mẹ Nấm 
http://huynhngocchenh.blogspot.com/2012/07/thay-gi-qua-nhung-phat-ngon.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét