Ngày 13/7 vừa qua, giới nhân sĩ, trí thức Việt Nam đã gởi lên Quốc hội và Bộ Chính trị một bản kiến nghị đề ngày 10/7 tựa đề « Về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay ». Bản kiến nghị này có chữ ký đầu tiên của 20 nhân sĩ, trí thức tên tuổi.
Các nhân sĩ đã ký vào bản kiến nghị là: ông Hồ Uy Liêm (Phó Chủ
tịch thường trực Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam (VUSTA)), Thiếu
tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ( nguyên Đại sứ VN tại Trung Quốc), nhà nghiên
cứu Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên (nguyên thành viên Ban nghiên cứu
của Thủ tướng), GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trung, Phạm Chi
Lan, Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ), nhà nghiên
cứu Nguyễn Đình Đầu, Linh mục Huỳnh Công Minh, ông Lê Hiếu Đằng, GS
Tương Lai, Luật sư Trần Quốc Thuận, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh,
Thiền sư Lê Mạnh Thát, nhà văn Nguyên Ngọc, TS Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn
Hữu Châu Phan, Nguyễn Đình An. Một địa chỉ đã được lập ra ( kiennghi1007@gmail.com ) để thu thập chữ ký cho bản kiến nghị này.
Copy http://vn.360plus.yahoo.com/phanthehai2003
BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Kính gửi: Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Chúng tôi, ký tên dưới đây, xin trân trọng gửi đến quý vị bản
kiến nghị của chúng tôi trước tình hình hiện nay của Tổ quốc.
1. Từ khát vọng trở
thành siêu cường, với vai trò là “công xưởng thế giới” và chủ nợ lớn nhất
của thế giới, dưới chiêu bài “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc đang ra sức phát
huy quyền lực dưới mọi hình thức, nhằm thâm nhập và lũng đoạn nhiều quốc gia
trên khắp các châu lục. Một số nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng đến nay
Trung Quốc đã vượt tất cả những gì chủ nghĩa thực dân mới làm được sau Chiến
tranh thế giới II.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những bước leo thang
nghiêm trọng trong việc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông với nhiều hành
động bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia và
toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia giáp Biển Đông. Trung Quốc tự ý
vạch ra cái gọi là “đường chữ U 9 đoạn”, thường được gọi là “đường lưỡibò”,
chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, nhiều lần tuyên bố trước thế giới toàn bộ
vùng “lưỡi bò” này thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc và đã
liên tục tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông để khẳng định
yêu sách trái luật quốc tế này.
Hiện nay Trung Quốc đang ráo riết tăng cường lực lượng hải
quân, chuẩn bị giàn khoan lớn, tiến hành nhiều hoạt động quân sự hoặc phi quân
sự ngày càng sâu vào vùng biển các quốc gia trong vùng này, gắn liền với những
hoạt động chia rẽ các nước ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc.
2. Trên vùng Biển Đông
thuộc lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc
đã tấn công chiếm nốt các đảo ở Hoàng Sa, năm 1988 đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi
đá thuộc quần đảo Trường Sa của ta; từ đó đến nay thường xuyên tiến hành các
hoạt động uy hiếp và xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, như tự ý
ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, xua đuổi, bắt giữ, cướp tài sản của các
tàu đánh cá trên vùng này, gây sức ép để ngăn chặn hoặc đòi hủy bỏ các hợp đồng
mà các tập đoàn kinh doanh dầu khí của nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam, liên
tục cho các tàu chiến hải giám đi tuần tra như đi trên biển riêng của nước
mình. Gần đây nhất, tàu Trung Quốc cắt cáp quang và thực hiện nhiều hành động
phá hoại khác đối với tàu Bình Minh 02 và tàu Viking II của ta đang hoạt động
trong vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đó là những bước leo thang
nghiêm trọng trong các chuỗi hoạt động uy hiếp, lấn chiếm vùng biển của nước
ta.
Vị trí địa lý tự nhiên, vị thế địa chính trị và địa kinh tế
trong bối cảnh quốc tế hiện nay khiến cho ViệtNam bị Trung Quốc coi là chướng
ngại vật trên con đường tiến ra biển phía Nam để vươn lên thành siêu cường.
Bằng mọi phương tiện và nhiều thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn, Trung Quốc
tìm mọi cách dụ dỗ, thâm nhập, lũng đoạn, uy hiếp, can thiệp nội bộ, lấn chiếm,
và đã từng dùng hành động quân sự – tất cả đều trong mưu đồ lâu dài nhằm khiến
cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc.
Về phía ta, mặc dù đã có nhiều cố gắng và nhân nhượng để bình
thường hóa và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, song cho đến nay cục
diện cơ bản diễn ra trong quan hệ hai nước là: Việt Nam càng nhân nhượng, Trung Quốc
càng lấn tới.
3. Xem xét cục diện
quan hệ hai nước, Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong việc thực
hiện ý đồ chiến lược của họ.
Dưới đây xin điểm những nét chính:
– Về kinh tế, nhập siêu của ta từ Trung Quốc mấy năm qua tăng
rất nhanh (năm 2010 gấp 2,8 lần năm 2006) và từ năm 2009 xấp xỉ bằng kim ngạch
xuất siêu của nước ta với toàn thế giới. Hiện nay, nước ta phải nhập khẩu từ
Trung Quốc khoảng 80-90% nguyên vật liệu cho công nghiệp gia công của ta, một
khối lượng khá lớn xăng dầu, điện, nguyên liệu và thiết bị cho những ngành kinh
tế khác; khoảng 1/5 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng, chưa
kể một khối lượng tương đương như thế vào nước ta theo đường nhập lậu. Đặc biệt
nghiêm trọng là trong những năm gần đây, 90% các công trình kinh tế quan trọng
như các nhà máy điện, luyện kim, hóa chất, khai thác bô-xít, khai thác ti-tan…
được xây dựng theo kiểu chìa khóa trao tay (EPC) rơi vào tay các nhà thầu Trung
Quốc với nhiều hệ quả khôn lường.
Trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu từ nước ta chủ yếu dưới dạng
vơ vét nguyên liệu, nông sản và khoáng sản, với nhiều hệ quả tàn phá môi
trường. Ngoài ra còn nạn cho Trung Quốc thuê đất, thuê rừng ở vùng giáp biên
giới, nạn tiền giả từ Trung Quốc tung vào. Sự yếu kém của nền kinh tế trong
nước chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xâm nhập, thậm chí có mặt chi phối, lũng
đoạn về kinh tế của Trung Quốc. Chưa nói tới hệ quả khôn lường của việc Trung Quốc
xây nhiều đập trên thượng nguồn hai con sông lớn chảy qua nước ta. Cũng không
thể xem thường sự xâm nhập của Trung Quốc vào các nước xung quanh ta. Nếu Trung
Quốc thực hiện được mưu đồ độc chiếm Biển Đông, ViệtNam coi như bị bịt đường đi
ra thế giới bên ngoài.
– Về chính trị, những hiện tượng thâm nhập của Trung Quốc về
kinh tế kéo dài nhiều năm, có nhiều sự việc nghiêm trọng và còn đang tiếp diễn,
đặt ra câu hỏi: Phía Trung Quốc đã làm gì, bàn tay của quyền lực mềm của họ đã
thọc sâu đến đâu? Nạn tham nhũng tràn lan và nhiều tha hóa khác ở nước ta hiện
nay có sự tham gia như thế nào của bàn tay Trung Quốc?
Lãnh đạo nước ta đã quá dè dặt, không công khai minh bạch thực
trạng nghiêm trọng trong quan hệ Việt – Trung để nhân dân ta biết và có thái độ
ứng phó cần thiết. Thực trạng hiện nay làm cho dân bất bình, khó hiểu lãnh đạo
nước mình trong quan hệ với Trung Quốc; về phía Đảng và Nhà nước thì lúng túng,
không dựa vào sức mạnh của dân; còn bè bạn quốc tế thì lo lắng, thậm chí ngại
ngùng ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam.
– Về quan hệ đối ngoại Việt – Trung, cách ứng xử của phía ta
gần đây nhất được thể hiện trong Thông tin báo chí chung (TTBCC) Việt Nam và
Trung Quốc về cuộc gặp giữa hai Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc do
Bộ Ngoại giao ta công bố ngày 26/06/2011. Thông tin này có những nội dung mập
mờ, khó hiểu, gây ra nhiều điều băn khoăn, lo lắng cho dư luận trong nước và
thế giới; ví dụ:
TTBCC hoàn toàn bỏ qua không nói gì tới những hành động gây
hấn của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của nước ta trên Biển Đông, lại nêu “Hai bên cho rằng, quan hệ Việt – Trung phát triển lành
mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai
nước Việt – Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.
Nếu câu này là nhận định thực trạng quan hệ hai nước hiện nay thì nguy hiểm và
không đúng với sự thực đang diễn ra ngược lại. Phương châm “16 chữ” và tinh
thần “bốn tốt” do chính lãnh đạo Trung Quốc đề ra; vì vậy ta đòi lãnh đạo Trung
Quốc thực hiện đúng, chứ không thể xuê xoa bằng câu “hai bên nhấn mạnh cần kiên
trì đưa quan hệ đối tác theo đúng phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt”
TTBCC viết: “Hai bên
khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải
quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp
thương hữu nghị”. Nội dung của “nhận thức chung” này giữa lãnh đạo hai nước
là gì, phía ta chưa nói rõ mà chỉ có những giải thích một chiều của phía Trung
Quốc theo cách có lợi cho Trung Quốc, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung
Quốc ngày 29/06/2011 nhấn mạnh “phía Việt Nam cần thực hiện thỏa thuận chung
của lãnh đạo hai nước về giải quyết những vấn đề Biển Đông” và nói rằng “Cả hai
nước chống lại sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài vào các vấn đề Biển
Đông”.
Trung Quốc liên tục có những phát ngôn từ chính khách và báo
chí, coi nguyên nhân những căng thẳng mới trên Biển Đông hiện nay là do ta và
các nước trong khu vực khiêu khích. Trong những phát ngôn đó, không ít ý kiến
cho rằng về cơ bản đã chuẩn bị xong dư luận trong nhân dân Trung Quốc cho việc
đánh Việt Nam
và giành lại chuỗi ngọc “liên châu” (chỉ quần đảo Trường Sa)… Cách viết mập mờ,
khó hiểu của TTBCC rất bất lợi và nguy hiểm cho nước ta, kể cả trên phương diện
quan hệ quốc tế có liên quan đến những nước thứ ba.
TTBCC nêu “(Hai bên…) tăng cường định hướng đúng đắn dư luận,
tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân
dân hai nước…”. Phía Trung Quốc dựa vào điều này để gây thêm sức ép kiềm chế dư
luận nước ta trong khi báo chí Trung Quốc vẫn tiếp tục đăng những bài vu cáo,
miệt thị nhân dân ta. Trước các hành vi trái luật pháp quốc tế do phía Trung
Quốc gây ra trên Biển Đông, cần khẳng định việc dư luận nhân dân ta vạch ra và
có những hoạt động biểu thị thái độ lên án các hành động đó, làm hậu thuẫn cho
các hoạt động chính trị, ngoại giao của Nhà nước ta, không thể coi là những “lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng
tin của nhân dân hai nước…” Nhân dân ta có truyền thống lịch sử
và bản lĩnh kiên cường, thời nào cũng không tiếc sức mình chủ động tìm mọi cách
xây dựng, gìn giữ, bảo vệ mối quan hệ hữu nghị với nước láng giềng này; cho đến
nay không bao giờ tự mình gây hấn với Trung Quốc, mà chỉ có đứng lên chống
Trung Quốc khi Tổ quốc bị xâm lược.
II- Trong khi đó tình
hình đất nước lại có nhiều khó khăn và mối nguy lớn
1. Nền kinh tế nước ta
đang ở trong tình trạng phát triển kém chất lượng, kém hiệu quả, và lâm vào khủng
hoảng kéo dài.
Tất cả những cố gắng từ vài năm nay là tập trung “chữa cháy”,
cố cứu vãn nền kinh tế ra khỏi khó khăn trước mắt, trước hết là chống lạm phát.
Từ 2007 đến nay (trừ năm 2009) lạm phát liên tục ở mức 2 con số; dự báo năm
2011 vẫn là hai con số ở mức cao. Nguồn lực huy động được trong nước và từ bên
ngoài cho nền kinh tế nước ta trong mấy năm qua cao chưa từng có, song hiệu quả
kinh tế lại thấp kém với chỉ số ICOR (tỷ lệ nghịch với hiệu quả đầu tư) tăng
nhanh, lên mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là cao nhất trong khu vực.
Nhập siêu đang ở mức cao. Thâm hụt ngân sách vượt quá ngưỡng báo động (5% GDP
theo kinh nghiệm thế giới). Nền kinh tế vẫn trong tình trạng cơ cấu lạc hậu,
hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh đều thấp, tăng trưởng chủ yếu nhờ vào vốn
đầu tư, lao động trình độ thấp và khai thác đất đai, tài nguyên đến cạn kiệt. Môi
trường tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Khoảng cách giàu nghèo bị nới rộng,
phân phối thu nhập ngày càng trở nên bất công.
Các vấn đề kinh tế lớn
như: sự tích tụ / phân bổ của cải; tình hình chiếm hữu và sử dụng đất đai;
trạng thái thực thi pháp luật; sự hình thành các nhóm đặc quyền, đặc lợi và các
nhóm quyền lực mới, sự xuất hiện các giai tầng mới đi liền với những bất công
mới…, đang diễn biến ngược lại với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”. Kết quả cuối cùng là thu nhập danh nghĩa bình quân đầu người
có tăng lên nhưng chất lượng cuộc sống xuống cấp trên nhiều mặt; sự bất an của
người dân tăng lên; mức sống thực tế của phần lớn nông dân, của số đông công
nhân và những người làm công ăn lương hiện nay giảm sút nhiều so với mấy năm
trước.
2. Thực trạng văn hóa –
xã hội của đất nước có quá nhiều mặt xuống cấp, cái mới và tiến bộ không đi
kịp yêu cầu phát triển của đất nước và không đủ sức lấn át những cái hủ bại và
tiêu cực; công bằng xã hội bị vi phạm nghiêm trọng, nguồn lực quý báu nhất của
đất nước là con người chưa thực sự được giải phóng.
Trong nhiều vấn đề bức xúc, phải nói tới vấn đề hàng đầu là
nền giáo dục của nước ta cho đến nay có nhiều mặt lạc hậu so với phần đông các
nước trong khu vực, mặc dù nước ta thuộc số nước có tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục
so với thu nhập (của cả nhà nước và nhân dân) ở mức cao nhất khu vực. Nội dung,
cách dạy và học, cách quản lý trong nền giáo dục của nước ta quá lạc hậu, thậm
chí có nhiều sai trái. Nguồn nhân lực nước ta có trình độ giáo dục phổ cập ở
mức khá cao, tỷ lệ bằng cấp các loại trên số dân và số người lao động đều ở mức
cao hay rất cao so với nhiều nước có mức thu nhập tương đương. Song trên thực
tế chất lượng nguồn lực con người và năng suất lao động của nước ta vẫn thua
kém nhiều nước, thấp xa so với yêu cầu đưa đất nước đi lên phát triển hiện đại.
Nguyên nhân cơ bản là nền giáo dục trong môi trường chính trị – xã hội hiện nay
của nước ta không nhằm đào tạo ra con người tự do và sáng tạo, con người làm
chủ đất nước, mà là một nền giáo dục phát triển chạy theo thành tích và số
lượng.
Trong đời sống văn hóa – tinh thần của đất nước, nhân dân thấy
rõ và lên án hiện tượng giả dối và tình trạng tha hóa trong lối sống và trong
đạo đức xã hội. Những cái xấu này, cùng với nạn tham nhũng tạo ra những bất
công mới, đồng thời làm băng hoại nhiều giá trị truyền thống của dân tộc ta. Tình
trạng thiếu vắng sự công khai minh bạch trong mọi mặt của đời sống xã hội đang
làm cho mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng và tiêu cực ngày càng màu mỡ. Thực tế
này cản trở nghiêm trọng việc xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh, đồng
thời tạo ra một môi trường xói mòn luật pháp, rất thuận lợi cho việc dung dưỡng
những yếu kém của chế độ chính trị.
3. Chế độ chính trị còn
nhiều bất cập, cản trở sự phát triển của đất nước.
Thực trạng kinh tế – văn hóa – xã hội hiện nay của đất nước
phản ánh rõ nét sự bất cập và xuống cấp ngày càng gia tăng của hệ thống chính
trị – xã hội và bộ máy nhà nước ta. Nền kinh tế nước ta đứng trước yêu cầu bức
thiết phải chuyển đổi cơ cấu và mô hình phát triển (chuyển từ phát triển chủ
yếu theo chiều rộng sang phát triển dựa nhiều vào các yếu tố chiều sâu) để đi
vào thời kỳ phát triển bền vững với chất lượng cao hơn. Giai đoạn mới hiện nay
đòi hỏi phải cải cách hệ thống chính trị để xóa bỏ mọi trở ngại, phát huy và sử
dụng tốt mọi nguồn lực nhằm đổi mới và phát triển nền kinh tế. Nhiệm vụ đổi mới
chính trị tuy đã được đặt ra nhưng chưa có mục tiêu, biện pháp và hành động
thiết thực.
Đặc biệt nghiêm trọng là tệ quan liêu tham nhũng, tình trạng
tha hóa phẩm chất, đạo đức đang tiếp tục gia tăng trong bộ máy và đội ngũ cán
bộ công chức và viên chức của hệ thống chính trị và nhà nước. Bộ máy này ngày
càng phình to, tình trạng bất cập và nạn tham nhũng nặng nề hơn, gây tổn thất
ngày càng lớn hơn cho đất nước. Thực trạng này cùng với những sai lầm trong cơ
cấu tổ chức và trong cơ cấu đội ngũ cán bộ khiến cho các nỗ lực đổi mới hệ
thống chính trị không đem lại kết quả thực tế, mặc dù tốn kém nhiều tiền của,
công sức. Trong những việc đã làm có quá nhiều cái phô diễn, mang tính hình
thức, giả dối. Trong đời sống thực tế, nhiều quyền dân chủ của dân tiếp tục bị
vi phạm nghiêm trọng. Việc ứng cử, bầu cử các cơ quan quyền lực chưa bảo đảm
dân chủ thực chất. Nhiều quyền công dân đã được Hiến pháp quy định nhưng vẫn
chưa trở thành hiện thực trong cuộc sống, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận,
quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền biểu tình…
Có thể đánh giá tổng quát rằng đất nước ta đang đứng trước mâu
thuẫn giữa một bên là khát vọng của dân tộc ta muốn sống trong một quốc gia
“hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, cùng đi với trào lưu
tiến bộ của cả nhân loại, và một bên là sự tha hóa và bất cập ngày càng trầm
trọng của hệ thống chính trị. Mâu thuẫn nguy hiểm này đang ngày càng trở nên
gay gắt do sự uy hiếp của Trung Quốc đối với nước ta và kích thích thêm khát
vọng bành trướng của Trung Quốc.
Vị trí địa lý nước ta không thể chuyển dịch đi nơi khác, nên
toàn bộ thực tế hiện nay buộc dân tộc ta phải tạo được bước ngoặt có ý nghĩa
quyết định đối với vận mệnh của đất nước: Là nước láng giềng bên cạnh Trung
Quốc đầy tham vọng đang trên đường trở thành siêu cường, Việt Nam phải bảo vệ
vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, trở thành một đối tác được Trung Quốc
tôn trọng, tạo ra một mối quan hệ song phương thật sự vì hòa bình, hữu nghị,
hợp tác và phát triển.
Mặt trận gìn giữ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, biển đảo,
vùng trời của nước ta trong Biển Đông đang rất nóng do các bước leo thang lấn
chiếm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc, thậm chí những cuộc tấn công quân
sự trực tiếp đang được để ngỏ. Tuy nhiên, mặt trận nguy hiểm nhất đối với nước
ta mà Trung Quốc muốn dồn quyền lực và ảnh hưởng để thực hiện, đó là: thâm
nhập, lũng đoạn mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta. Đó là
mặt trận vừa uy hiếp vừa dụ dỗ nước ta nhân danh cùng nhau gìn giữ ý thức hệ xã
hội chủ nghĩa, gây chia rẽ giữa nhân dân ta và chế độ chính trị của đất nước,
vừa lũng đoạn nội bộ lãnh đạo nước ta, làm suy yếu khối đoàn kết thống nhất của
dân tộc ta, làm giảm sút khả năng gìn giữ an ninh và quốc phòng của nước ta.
Đánh thắng nước ta trên mặt trận nguy hiểm nhất này, Trung Quốc sẽ đánh thắng
tất cả!
Sự xuất hiện một Trung Quốc đang cố trở thành siêu cường với
nhiều mưu đồ và hành động trái luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý, gây nhiều
tác động xáo trộn thế giới, tạo ra một cục diện mới đối với nước ta trong quan
hệ quốc tế: Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, có lẽ ngoại trừ Trung Quốc, đều
mong muốn có một Việt Nam độc lập tự chủ, giàu mạnh, phát triển, có khả năng
góp phần xứng đáng vào gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực, thúc đẩy
những mối quan hệ hữu nghị, hợp tác vì sự bình yên và phồn vinh của tất các các
nước hữu quan trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói cục diện thế giới mới
này là cơ hội lớn, mở ra cho đất nước ta khả năng chưa từng có trong công cuộc
phát triển và bảo vệ Tổ quốc, qua đó giành được cho nước ta vị thế quốc tế xứng
đáng trong thế giới văn minh ngày nay. Để vươn lên giành thời cơ, thoát hiểm
họa, cả dân tộc ta, từ người lãnh đạo, cầm quyền đến người dân thường phải dấn
thân cùng với cả nhân loại tiến bộ đấu tranh cho những giá trị đang là nền tảng
cho một thế giới tiến bộ, đó là hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo
vệ môi trường
III- Kiến nghị của
chúng tôi
Trước tình hình đó, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị với Quốc
hội và Bộ Chính trị:
1. Công bố trước toàn thể
nhân dân ta và nhân dân toàn thế giới thực trạng quan hệ Việt – Trung; nêu
rõ những căn cứ phù hợp với luật pháp quốc tế, có sức thuyết phục về chủ quyền
của Việt Nam đối với biển đảo ở vùng Biển Đông để làm sáng tỏ chính nghĩa của
nước ta; khẳng định thiện chí trước sau như một của nước ta xây dựng, gìn giữ
quan hệ hữu nghị, hợp tác láng giềng tốt với Trung Quốc, nhưng quyết tâm bảo vệ
độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình. Nhân dịp này, Nhà
nước ta cần chủ động giải thích trước toàn dân và dư luận thế giới bối cảnh ra
đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn
Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông, để bác bỏ dứt khoát mọi
xuyên tạc từ phía Trung Quốc. Chúng ta luôn phân biệt những mưu đồ và hành động
phi đạo lý và trái luật pháp quốc tế của một bộ phận giới lãnh đạo Trung quốc,
khác với tình cảm và thái độ thân thiện của đông đảo nhân dân Trung quốc đối
với nhân dân Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các
nước, đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Nam Á và
các nước lớn, cùng với các nước có liên quan giải quyết hoà bình các vấn đề
tranh chấp ở Biển Đông.
2. Trình bày rõ với
toàn dân thực trạng đất nước hiện nay, thức tỉnh mọi người về những nguy cơ
đang đe dọa vận mệnh của Tổ quốc, dấy lên sự đồng lòng và quyết tâm của toàn
dân đem hết sức mạnh vật chất, tinh thần, trí tuệ để bảo vệ và phát triển đất
nước. Cải cách sâu sắc, toàn diện về giáo dục và kinh tế ngày càng trở thành yêu
cầu cấp thiết, là kế sâu rễ bền gốc để nâng cao dân trí, dân tâm, dân sinh làm
cơ sở cho quá trình tự cường dân tộc và nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ và xây
dựng đất nước. Muốn vậy, trước hết phải khắc phục tình trạng nền giáo dục và
kinh tế của đất nước bị chi phối bởi ý thức hệ giáo điều. Cải cách chính trị,
vì vậy, là tiền đề không thể thiếu cho những cải cách sâu rộng khác.
3. Tìm mọi cách thực
hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy
định, nhằm giải phóng và phát huy ý chí và năng lực của nhân dân cho sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tận dụng được cơ hội mới, đáp ứng được những đòi
hỏi và thách thức mới của tình hình khu vực và thế giới hiện nay. Trong thực
hiện những quyền tự do dân chủ của nhân dân đã ghi trong Hiến pháp, cần đặc
biệt thực hiện nghiêm túc quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền được tự
do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa, quyền lập hội,
quyền đòi hỏi công khai minh bạch trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước.
4. Ra lời kêu gọi toàn
thể quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài,
không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội, hãy cùng nhau
thực hiện hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần vị
tha và khoan dung. Tất cả hãy cùng nhau khép lại quá khứ, đặt lợi ích quốc gia
lên trên hết, để từ nay tất cả mọi người đều một lòng một dạ cùng nắm tay nhau
đứng chung trên một trận tuyến vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng
nhau dốc lòng đem hết trí tuệ, nghị lực sáng tạo và nhiệt tình yêu nước xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
5. Lãnh đạo Đảng Cộng
sản Việt Nam với tính cách là đảng cầm quyền duy nhất và cũng là người chịu
trách nhiệm toàn diện về tình hình đất nước hiện nay, hãy đặt lợi ích quốc gia
lên trên hết, giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ đẩy mạnh cuộc cải cách
chính trị, giải phóng mọi tiềm năng của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc, đẩy lùi mọi tệ nạn tham nhũng và tha hóa, đưa đất nước thoát ra
khỏi tình trạng yếu kém và lệ thuộc hiện nay, chuyển sang thời kỳ phát triển
bền vững, đưa dân tộc ta đồng hành với cả nhân loại tiến bộ vì hòa bình, tự do
dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, chúng tôi thiết tha mong đồng bào sống trong nước
và ở nước ngoài hưởng ứng và ký tên vào bản kiến nghị này. Bằng việc đó và bằng
những hành động thiết thực, mọi người Việt Nam biểu thị ý chí sắt đá của dân
tộc ta, quyết ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta, xóa bỏ bất công, nghèo nàn, lạc hậu trong
nước mình, xây dựng và gìn giữ non sông đất nước xứng đáng với truyền thống vẻ
vang của dân tộc, không hổ thẹn với các thế hệ mai sau và với các dân tộc khác
trên thế giới.
07/2011
Điều đáng chú ý là là bản kiến nghị không chỉ được công bố trên một
số trang thông tin độc lập như Bauxite Việt Nam, mà thông tin về bản
kiến nghị còn được đăng tải trên một tờ báo điện tử chính thức là
VietnamNet, tuy là một số đoạn quan trọng bị cắt bỏ.
BÀI CŨ HƠN
BÀI CŨ HƠN
Bản Kiến nghị về tình hình đất nước
Tam Kỳ và phong thuỷ Tam Kỳ
Dự án siêu tỷ đô - Cái đầu của nhà lãnh đạo
Tính nghiêm túc trong xây dựng NTLS Tỉnh Quảng Nam.
Tại sao KTS Hoàng Sừ không được vào BCH TW Hội KTS Việt Nam?
Điểm báo tháng 7
Một bài viết chép từ BBC
Cãi lấy được
Phóng viên CAND là củ chuối hay là Bác sỹ pháp y làm sai lệch vấn đề.
Viết 1 bài báo khoa học!
Bôxít, bauxite và một Tây Nguyên chết!
Tổ cha thằng nói bậy
Nhân chi sơ, tính bổn ... THAM
Họ đã làm người đại biểu nhân dân thế nào?
Biết khó - làm dễ
Con Sãi ở chùa
Hiệp thương là gì?
Khiếu nại đến UB Thường vụ Quốc Hội vì Hiệp thương lần 3 Tỉnh Quảng Nam
Nếu tôi LÀ Đại biểu Quốc hội
Chấn hưng tinh thần dân tộc vì một Nước Việt Nam phồn vinh thịnh vượng.
Phần 1 VOA/Tieng Viet
Phần 2 VOA/Tieng Viet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét